Hang Tiên Ông (còn gọi là hang Rền hay hang Đục) thuộc dãy đảo Hang Trai, trong khu vực bảo vệ tuyệt đối của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Trưng bày di tích khảo cổ hang Tiên Ông bước đầu thu hút đông đảo du khách tới tham quan.
Hang
Tiên Ông được biết đến là một di tích khảo cổ học còn lưu giữ được
chứng tích của cư dân tiền sử đã từng cư trú, sinh sống tại đây. Di tích
được nhà khảo cổ người Thuỵ Điển J.G. Andresson phát hiện, khai quật
lần đầu tiên vào năm 1938. Năm 2007, di tích tiếp tục được khai quật,
nghiên cứu bởi sự phối hợp giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo
tàng Lịch sử quốc gia) và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn
hoá, Thể thao Quảng Ninh). Đến tháng 5/2017, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long
phối hợp cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục tiến hành khảo sát,
nghiên cứu di chỉ khảo cổ hang Tiên Ông.
Kết
quả qua các đợt khai quật, nghiên cứu, khảo sát cho thấy, hang Tiên Ông
là di chỉ cư trú của cư dân tiền sử thời đại Đá mới, theo truyền thống
văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, niên đại khoảng 10.000 - 8.000 năm cách ngày
nay, thuộc nền văn hoá Soi Nhụ trên Vịnh Hạ Long. Qua đó, có thể thấy
hang Tiên Ông là một di tích đặc biệt quan trọng, đóng góp những tư liệu
quý giá vào việc nghiên cứu cổ môi trường và thời kỳ tiền sử ở khu vực
Vịnh Hạ Long trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Với
những giá trị điển hình về cảnh quan, địa chất, địa mạo và lịch sử văn
hóa cùng những tư liệu vật chất phong phú và độc đáo, hang Tiên Ông trở
thành điểm du lịch thắng cảnh - lịch sử văn hóa hấp dẫn, nằm trong hành
trình tham quan tuyến 3 trên Vịnh Hạ Long: Cảng Tàu khách quốc tế Tuần
Châu - Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn - rừng Trúc - hang Tiên Ông - áng
Dù - hòn Cọc Chèo - hồ Ba Hầm - đền Bà Men.
Để
bảo tồn, phát huy những tiềm năng, giá trị của di tích hang Tiên Ông,
tháng 11/2017, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tổ chức trưng bày Di tích khảo
cổ hang Tiên Ông. Theo đó, nội dung trưng bày gồm 14 pano khổ lớn giới
thiệu về một số di chỉ khảo cổ trên Vịnh Hạ Long, vịnh Bái tử Long thuộc
nền văn hóa Soi Nhụ, đặc trưng của văn hóa Soi Nhụ… Ngoài ra còn hơn
200 hiện vật trưng bày trong tủ kính, như: Bộ sưu tập công cụ lao động
bằng đá, xương động vật; di cốt động vật; trầm tích, tàn tích thức ăn;
văn bản, báo cáo khoa học, bản vẽ đo đạc hình khối các di tích, di vật…
Các hố khai quật cũng được giữ lại, gia cố, chỉnh trang và liên kết lại
để trưng bày, giới thiệu với du khách.
Toàn bộ không gian trưng bày nằm trong hang Tiên Ông nên đã tận dụng được tối đa về cảnh quan, địa hình thực tế.
Điểm
đặc biệt ở hang Tiên Ông là trưng bày bảo tàng tại di tích khảo cổ học,
trên địa điểm, không gian là hang động nên đã tận dụng được tối đa về
mặt cấu trúc cảnh quan, địa vật, địa hình thực tế. Đặc biệt, việc sử
dụng ánh sáng tự nhiên tại cửa hang đã phát huy giá trị của di tích và
không gian trưng bày một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Việc
trưng bày di tích khảo cổ hang Tiên Ông bước đầu thu hút đông đảo khách
du lịch tới tham quan, đặc biệt là du khách nước ngoài. Đây được coi là
sản phẩm du lịch độc đáo riêng có, góp phần bảo tồn giá trị lịch sử văn
hóa, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long./.
Nguồn: Báo Quảng Ninh