Động Hoàng Xá nằm trong khu vực núi Hoàng Xá thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hiện tại, một số công trình kiến trúc tại di tích động Hoàng Xá đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn,
Hoàng Xá, Phượng Cách, thuộc các xã Sài Sơn, xã Phượng Cách và thị trấn
Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đây là quần thể di tích kết hợp với
cảnh quan của những ngọn núi thấp ở giữa vùng đồng bằng trù phú, tạo nên
một diện mạo linh thiêng mà kỳ vĩ, gồm 3 cụm điểm: Khu vực núi đá Sài
Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; quần thể di tích chùa Thầy; các di tích trên
núi động Hoàng Xá.
Chùa Thầy có từ thời Lý. Theo hồ sơ di
tích, nơi đây gắn với thời kỳ tu hành sau của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Còn
động Hoàng Xá sau này được nhắc tới nhiều vì gắn với cuộc khởi nghĩa của
Lê Duy Cự và Cao Bá Quát (1809 - 1855). Có thuyết cho rằng vào tháng 12
năm 1854, tại khu vực động Hoàng Xá này, Cao Bá Quát chỉ huy nghĩa quân
chiến đấu với quân nhà Nguyễn do Lê Thuận lãnh binh Sơn Tây lãnh đạo đã
tử trận.
Động Hoàng Xá còn được biết đến với tên
tuổi của một vị quan chính trực và là danh sĩ đời Duy Tân triều Nguyễn
đó là Cao Xuân Dục (1842 - 1923). Khi Tổng đốc Hoàng Cao Khải theo Pháp
muốn làm Phó Vương, bắt các quan trong triều phải ký vào biểu dâng lên
vua, Cao Xuân Dục đã không ký. Ông bị gièm pha và bị giáng chức về làm
tri phủ Quốc Oai. Sau khi ông mất, người dân nơi đây đã tạc tượng thờ ở
giữa động Hoàng Xá.
Động Hoàng Xá còn là di tích cách mạng, khi là nơi làm việc của Ủy ban kháng chiến khu II.
Năm 1947 trước khi lên Việt Bắc lãnh đạo
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã nghỉ tại chùa Một Mái
ngay dưới chân núi Hoàng Xá.
Ngày 12/4/1949, giặc Pháp huy động lực
lượng lớn gồm 2.000 quân, có pháo binh, xe tăng và máy bay yểm trợ tấn
công vào khu núi và động Hoàng Xá. Tại đây, dân nhân đã phối hợp với đại
đội 385 bộ đội địa phương tổ chức chống càn.
Trong các cuộc kháng chiến động Hoàng Xá
cũng là nơi Chính phủ chọn để cất giữ ngân khố và đặt Đài phát thanh
phụ khi đài chính bị địch dội bom.
Ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày
nhân dân trong vùng tổ chức giỗ trận tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ
những người đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất núi Hoàng Xá.
Tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31
tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng kiến trúc chùa
Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách ( huyện Quốc Oai,
TP Hà Nội) là là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt.
Mặc dù nằm trong quần thể di tích quốc
gia đặc biệt cần được bảo vệ tuy nhiên nhiều hạng mục tại đây đang xuống
cấp nghiêm trọng.
Bức tường bảo vệ khu di tích đã đổ nát.
Nhà thủy đình 8 mái – Một công trình
kiến trúc nghệ thuật độc đáo do những nghệ nhân dân gian “đất trăm nghề”
tạo dựng đang trơ cùng mưa nắng không một ai thương tiếc.
Hang cất giữ ngân khố quốc gia một thời kháng chiến.
Cổng chùa Một Mái, nơi Bác Hồ đã nghỉ
lại ngày 3/3/1947 trước khi Người lên Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến
chống Thực dân Pháp xâm lược.
Mái chùa sắp sập. Người dân phải dùng cây chống tạm.
Mái thủy đình 8 mái rêu phong mục nát.
Di tích đang trở thành phế tích, dui cột của nhà thủy đình 8 mái, một công trình kiến trúc nghệ thuật bị mục nát có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo ghi nhận của phóng viên, một phần
tường cổng vào di tích đã bị đổ sập, trụ cổng bong tróc. Đi tiếp vào bên
trong là ngôi nhà thủy đình 8 mái nằm giữa hồ. Dui, kèo cột của công
trình kiến trúc này đã bị mục gãy. Những họa tiết được chạm khắc thể
hiện những đường nét tinh xảo được làm ra từ những người thợ tài hoa nơi
đây đang bị mối mọt ăn mòn. Thậm chí có những cột trụ chống rộng chừng
một xải tay người ôm cũng đã bị mục rỗng, xuất hiện từng mảng lỗ hổng
lớn trên thân cột. Nhiều vị trí trên mái đình đã bị thủng. Để đảm bảo an
toàn người trông coi di tích tại đây đã phải khóa cổng tránh trường hợp
đáng tiếc xảy ra. Bởi với thực trạng hiện tại nó có thể đổ sập bất cứ
lúc nào.
Hoàng Xá là “động thủng” xuyên từ sườn
bên này sang sườn bên kia, nên động được chiếu sáng theo hai hướng chính
là Đông và Tây Bắc. Vòm động cao gần 100m và thông với tầng lộ thiên.
Nền động có nhiều phiến đá tự nhiên ghép lại thành tảng lớn. Mặc dù là
một di tích nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt nhưng với những
gì đang diễn ra tại đây thể hiện một sự quan tâm không xứng tầm. Điều
đáng nói, trước cửa vào động có hai ngôi tháp được xây bằng vật liệu xưa
cho đến nay nhiều mảng vữa đã bị bong tróc. Trên hai ngôi tháp này xuất
hiện những hình vẽ nguệch ngoạc còn mới, thậm chí còn có người dùng sơn
để viết tên lên tháp gây mất mĩ quan.
Ông Bùi Văn Nhàn - bảo vệ di tích động
Hoàng Xá cho biết: “Nhà thủy đình 8 mái giữa hồ đang chuẩn bị sập nên
hiện nay phải khóa cửa cấm không cho người vào để tránh xảy ra tai nạn.
Xung quanh không có tường gì cả, người ta tự do ra vào bất kể lúc nào.
Huyện, xã đã báo cáo nhiều rồi nhưng phải đợi trên xem xét”.
Ông Nguyễn Đức Phương- Phó Chủ tịch
huyện Quốc Oai cho biết: UBND huyện đã có tờ trình lên thành phố, và Sở
Văn hóa Thông tin từ năm 2019 để trùng tu tôn tạo. Cũng theo ông Phương:
“Đây (động Hoàng Xá) nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa
Thầy, nhà thủy đình 8 mái cũng thuộc quần thể của di tích vì thế khi làm
cái gì chúng tôi cũng phải xin ý kiến của Bộ VHTTDL, nhưng đến nay chưa
có kết quả giải quyết”.