Trong khi rất nhiều người châu Á ôm giấc mơ ‘phương Tây’ để đổi đời thì một số người phương Tây lại muốn sang châu Á để làm nghề ‘hành khất’...
Nữ du khách người Nga này từng ngồi trên đường phố Phú Quốc để thiền và xin tiền vào năm 2017 khiến nhiều người bức xúc
Ảnh: Hoàng Trung
Nhắc đến phương Tây, hầu hết người Việt Nam đều nghĩ ngay tới những đất nước phát triển vượt bậc, giàu có và văn minh. Mỗi khi có đoàn khách Tây đến Việt Nam, người dân đều quan niệm rằng “Tây đi du lịch đến châu Á để trải nghiệm sự dân dã, để tiêu tiền và tận hưởng”.
Tuy nhiên, thực tế là bên cạnh những du khách đúng nghĩa thì vẫn còn một số du khách Tây trẻ tuổi lại áp dụng hình thức biểu diễn nghệ thuật đường phố, bán những tấm hình tự chụp hay thậm chí ra đường “ăn xin” để kiếm tiền... đi du lịch.
Hai người đàn ông ngoại quốc ngồi trên vỉa hè để xin tiền
Ảnh chụp màn hình trên diễn đàn du lịch
Khi “Tây ăn xin” trở thành trào lưu
Những ngày vừa qua, trên một diễn đàn dành cho người trẻ mê du lịch đã đăng tải hình ảnh hai người đàn ông ngoại quốc ngồi trên vỉa hè, trước mặt họ là một tờ giấy được ghi bằng tiếng Việt: “Xin chào, tôi đi bằng xe máy 25.000 km, tôi bắt đầu từ Việt Nam – Campuchia – Thái Lan – Malaysia và trở về Việt Nam. Bây giờ tôi muốn đi đến Trung Quốc. Bạn có thể hỗ trợ tôi. Cảm ơn bạn”.
Nội dung tấm biển gây tranh cãi được viết bằng tiếng Việt
Ảnh chụp màn hình diễn đàn du lịch
Tấm hình được chia sẻ liên tục và tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ thì cho rằng những du khách Tây này xin tiền công khai và có lý do cụ thể, mặc dù hơi phiến diện nhưng vẫn chấp nhận được vì họ thật thà. Nhưng không ít người lên tiếng chê bai và chỉ trích hành động xin tiền để đi du lịch này là “kệch cỡm và đáng xấu hổ”.
Tôi chợt nhớ, tại Phú Quốc vào năm 2017 cũng xảy ra tình trạng tương tự, cụ thể là một nữ du khách người Nga đã ngồi thiền trên vỉa hè với tấm biển ghi dòng chữ: “Thiền để được may mắn. Cần tiền”. Sau khi bị cơ quan chức năng xử lý thì cô gái này đột nhiên biến mất.
Hay vụ việc một người đàn ông ngoại quốc tên Holst lợi dụng lòng tốt của người dân để có chi phí du lịch và tận hưởng những buổi tiệc tùng đắt đỏ trong bar vào buổi tối. Không chỉ ở Việt Nam, Host còn “hành nghề” tại các nước khác như Thái Lan, Hong Kong, Malaysia... trước khi bị phát hiện và trục xuất.
"Các phượt thủ hay khách du lịch bụi nếu hết tiền vẫn còn nhiều cách để có chi phí như dạy ngoại ngữ, xin làm thêm tại quán cà phê... Còn nếu họ chỉ muốn xin tiền để đi được đi du lịch miễn phí thì thật buồn cười, điều đó thật tệ."
Alex, 27 tuổi, du khách Anh
Một anh chàng người Anh, tên Paul (26 tuổi) có 5 năm sinh sống tại Việt Nam, cho biết: “Trào lưu “phượt ăn xin” hay còn được gọi với cái tên “Begpacker”, có thể hiểu là một du khách đem bán cho người địa phương những thứ nhàm chán với mức giá cao ngất ngưởng so với giá trị nó đem lại, hoặc ngồi bệt ven đường với tấm biển ghi vài dòng như: “Hãy giúp tôi thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới” cùng một chiếc nón hay cái lon rỗng để đựng tiền”.
"Kẻ lừa đảo" Holst bị cảnh sát thành phố Surabaya (Indonesia) bắt giữ vào tháng 9.2016
Ảnh chụp màn hình trang web DETIK.COM
Anh cho rằng hành động của những người đó thật sự rất đáng xấu hổ. “Ở nước tôi và cả những đất nước lân cận hoàn toàn không có việc này. Người ta có thể biểu diễn nghệ thuật đường phố để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt vì họ thật sự khó khăn, chẳng ai xin tiền để phục vụ nhu cầu cá nhân như đi du lịch cả”, Paul chia sẻ.
Tây xin tiền công khai vì người Việt dễ mủi lòng
Một điều lạ, hình ảnh những du khách người nước ngoài xin tiền, biểu diễn trên đường phố hay bán ảnh chụp trong chuyến đi để kiếm tiền đi du lịch chỉ xuất hiện ở các nước như Việt Nam Thái Lan, Campuchia, Lào… hầu hết là những đất nước có nền kinh tế kém phát triển hơn hẳn nơi mà họ sinh ra.
Thậm chí nhiều người rất tự hào bởi bằng cách “ăn xin” mà họ đã có những chuyến đi xuyên quốc gia mà không phải tốn quá nhiều tiền, du lịch theo kiểu “vừa đi vừa xin” chỉ dựa vào lòng tốt của người khác.
Alex (27 tuổi) là một người Anh sinh sống và làm việc tại Việt Nam được gần 3 năm, nêu quan điểm: “Chuyện du lịch đến các nước châu Á bằng hình thức đi phượt hoặc tự túc đang được nhiều người ưa chuộng, bởi chi phí rẻ và nó mang lại cho người ta nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Ngày còn trẻ, tôi từng thực hiện chuyến đi phượt sang 5 nước châu Á với số tiền chỉ 800 USD. Để làm được điều đó, bản thân mỗi phượt thủ phải có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị tài chính và biết cách tăng xin giảm mua”.
Hoàng Ngọc Lâm, phượt thủ từng đi bộ xuyên Việt để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "Tôi là ai, tôi có thể làm được gì và đi được bao xa?"
Ảnh: NVCC
Theo lời kể của Alex, trong suốt chuyến đi, anh đã xin ngủ nhờ, ăn nhờ ở nhà một vài người dân địa phương để tiết kiệm tiền khách sạn. “Tuy nhiên, trước khi rời đi tôi vẫn chủ động trả cho chủ nhà một khoản nhỏ để tỏ lòng biết ơn, có thể nói là tôi thuê được nơi ở rẻ chứ không hẳn là đi xin”.
Những phượt thủ quốc tế kiểu như Alex không hiếm, họ chỉ khác nhau ở cách thực hiện chuyến đi phượt. Nói về việc du khách Tây xin tiền, Alex phân tích: “Các phượt thủ hay khách du lịch bụi nếu hết tiền vẫn còn nhiều cách để có chi phí như dạy ngoại ngữ, xin làm thêm tại quán cà phê hay nhà nghỉ, hay đôi khi họ có thể bán đi iPad, đồng hồ của mình... Đối với những du khách rơi vào tình huống như bị cướp, móc túi hay tai nạn thì có thể tìm đến đại sứ quán để nhận được sự trợ giúp. Còn nếu họ chỉ muốn xin tiền để đi được đi du lịch miễn phí thì thật buồn cười, điều đó thật tệ”.
Đồng quan điểm như trên, Hoàng Ngọc Lâm (30 tuổi) là một phượt thủ có tiếng tại Việt Nam khi anh từng thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt trong 89 ngày, chia sẻ thẳng thắn về trào lưu “Tây ăn xin”: “Là một phượt thủ, mình cho rằng điều này là không nên. Thứ nhất nó khiến cá nhân họ quen dần với việc “ăn bám” vào sự thương hại trong khi mục đích chuyến đi chỉ đơn thuần là lợi ích cá nhân. Thứ hai, điều đó ít nhiều làm xấu đi hình ảnh đất nước nơi họ sinh ra. Và cuối cùng, trào lưu này phần nào cũng sẽ có tác hại cổ súy cho các bạn trẻ có suy nghĩ lệch lạc. Theo mình được biết thì ở các nước phương Tây, họ gọi thành phần này là LOOSER, những kẻ không có nghề nghiệp cụ thể và không có khả năng chi trả cá nhân”.
Để có một chuyến du lịch bụi đúng nghĩa và trọn vẹn, đầu tiên phải có kế hoạch rõ ràng và lựa chọn điểm đến phù hợp với túi tiền
Ảnh: NVCC
Vậy tại sao những “phượt thủ ăn xin” này chỉ hành nghề ở Việt Nam và chủ yếu là các nước Châu Á, Ngọc Lâm cho biết: “Mình có nhiều bạn bè là người phương Tây, họ nhận xét dân Việt Nam mình tốt bụng và dễ mủi lòng khi thấy ai đó gặp hoàn cảnh khó khăn”.
Không chỉ riêng phượt thủ mà cả những người dân bình thường, nếu đặt bảng ra giữa đường với lý do xin tiền đi du lịch là điều khó có thể chấp nhận được. Những người trưởng thành khi bỏ công sức lao động kiếm tiền đều không chấp nhận lí do xin tiền này, dù người xin là Tây ba lô hay người Việt. "Thi thoảng họ cũng nhận được 1 vài đồng tiền lẻ. Nhưng mình cho rằng những đồng lẻ đó không phải là sự chung sức cảm thông cho chuyến đi, mà nó mang ý nghĩa là một sự thương hại, cứu đói”, Ngọc Lâm cho biết.