(Dân trí) - Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cho biết, khách quốc tế nào đến Việt Nam cũng quý, cũng đáng trân trọng nhưng nếu dòng khách ấy gây bức xúc truyền thông, ảnh hưởng đến các điểm đến, hình ảnh du lịch… thì đó là một lượng khách không được hoan nghênh.
Khách Trung Quốc đông nhưng có mức chi tiêu thấp
Trong những năm gần đây, khách Trung Quốc đến Việt Nam luôn đạt mức cao và chiếm từ 25-30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, sự bùng nổ của dòng khách này cũng gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều, theo ông nguyên nhân của điều này do đâu?
Có thể thấy trong những năm qua, khách Trung Quốc đến Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng nóng. Nếu như năm 2015, chúng ta đón 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc thì đến năm 2017 là 4 triệu lượt, tăng gần 2,5 lần. Đây cũng là thị trường chi phối và chiếm trên 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Điều này rất đáng ngại, sẽ khiến ngành du lịch bị phụ thuộc và xảy ra tình trạng tăng đột ngột nhưng cũng giảm đột ngột.
Nếu chỉ nhìn vào lượng khách mà vui vẻ là có nhiều khách là chưa đúng, mà phải nhìn vào hiệu quả của nguồn tiền. Thực tế, dù chiếm thị phần cao nhưng sự đóng góp tổng chi tiêu của khách Trung Quốc khá thấp, khách Trung Quốc chỉ có mức chi tiêu khoảng hơn 600 USD/ khách, trong khi đó khách đến từ khu vực Bắc Mỹ là gần 1.500USD/ khách, Châu Âu 1.300USD/ khách…
Ở Việt Nam, khách Trung Quốc chủ yếu là những nhóm khách đi theo tour 0 đồng, tức là những tour du lịch giá rất rẻ, thậm chí không mất tiền. Họ thường vào qua cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn… Du lịch địa phương hầu như không được hưởng lợi. Không chỉ thế, sự tăng trưởng nóng của dòng khách Trung Quốc cũng kéo theo nhiều hệ lụy, khiến các dịch vụ không được đảm bảo về chất lượng, gây áp lực nên cơ sở hạ tầng và dẫn đến chất lượng bị suy giảm.
Hình ảnh du khách Trung Quốc chen nhau ăn buffet ở Nha Trang gây xôn xao dư luận. Ảnh chụp màn hình
“Khách sạn nào đón khách Trung Quốc thì khách Tây Âu rất ít vào”
Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều thị trường du lịch khác đã đưa ra nhận định, khách Trung Quốc thường là những người ồn ào và không có ý thức tổ chức… Thậm chí ở đâu có du khách Trung Quốc đến đông thì ở đó khách châu Âu giảm hẳn. Ông có lo ngại điều tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam khi sự tăng trưởng nóng của khách Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các thị phần khách khác?
Trên thế giới đã từng có bài học nhãn tiền của Ai Cập. Ai Cập họ làm du lịch và có nguồn thu từ du lịch rất tốt. Cách đây 5 năm, khi Ai Cập tăng trưởng đột ngột lượng khách Nga thì lại xảy ra tình trạng suy giảm khách du lịch đến từ Đức. Bởi lẽ, khách Nga và Đức vốn có mẫu thuẫn với nhau. Dù khách Nga đông nhưng mức chi tiêu thấp nên dẫn đến nguồn thu từ du lịch bị giảm. Ngay sau đó, Ai Cập đã phải điều chỉnh lại chính sách.
Khách Trung Quốc mà chủ yếu là khách theo tour giá rẻ, họ thường gây ồn ào ở các điểm du lịch dẫn đến những khách khác… không thích. Thậm chí có thực tế, nếu khách sạn nào đón khách Trung Quốc thì thường những khách Tây Âu họ rất ít vào. Đây là một bài học quốc tế để thấy rằng khi đón khách du lịch cũng phải tính đến sự tác động lên các thị trường khác. Đó là con dao hai lưỡi, cần phải tỉnh táo.
Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng nếu chỉ nhìn vào lượng khách mà vui vẻ là có nhiều khách là chưa đúng, mà phải nhìn vào hiệu quả của nguồn tiền.
Có nên hạn chế khách Trung Quốc “ít tiền”?
Vậy theo ông, chúng ta nên ứng xử với dòng khách này như thế nào để tránh được những hệ lụy như ông vừa nói? Có ý kiến đã đề xuất rằng nên hạn chế, thưa ông?
Quan điểm của chúng ta là không bài trừ bất cứ một đối tượng khách nào, cho dù khách đó có thể chưa tốt, có thể chưa mang được nguồn thu tốt, chỉ có điều chúng ta phải điều chỉnh làm sao ngày càng có nhiều khách mà chúng ta mong muốn.
Thời gian vừa qua, đúng là có hiện tượng khách Trung Quốc đi theo tour giá rẻ có những hành vi chưa tốt, gây bức xúc dư luận.
Trong đó, báo chí đã nêu ra hiện tượng khách du lịch Trung Quốc thường đi theo“tour 0 đồng”, tức là những tour du lịch giá rất rẻ, thậm chí không mất tiền, gây thất thu thuế cho nhà nước.
Mới đây tại Hạ Long, Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 200.000 Nhân dân tệ, tương đương 700 triệu đồng đã chuyển thẳng ra nước ngoài qua máy POS (Point Of Sale) mà không qua bất cứ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam. Điều này gây chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài.
Hay vụ việc người Trung Quốc thuyết minh xuyên tạc lịch sử tại bảo tàng Đà Nẵng rồi gần đây nhất nhóm khách Trung Quốc mặc áo thun in hình bản đồ lưỡi bò phi pháp nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh (Nha Trang). Điều này là rất nguy hiểm, sai lệch sự thật, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước, gây bức xúc dư luận.
Rõ ràng, khách nào cũng quý, cũng đáng trân trọng nhưng nếu dòng khách ấy gây bức xúc truyền thông, ảnh hưởng đến các điểm đến, hình ảnh du lịch… thì đó là một lượng khách không được hoan nghênh. Cũng phải nói rõ ràng, khách Trung Quốc chỉ là tên gọi chung, trong đó không phải khách nào cũng xấu mà đó chỉ là một nhóm nhỏ, đi theo những tour giá rẻ, tour 0 đồng. Những khách nhà giàu Trung Quốc, họ cư xử rất lịch sự và có mức chi tiêu cao.
Dù du khách Trung Quốc đôi khi hành xử tệ như: chen hàng, xả rác, gây ồn ào… như Cơ quan Du lịch Quốc gia Trung Quốc đã từng phải lên tiếng thừa nhận. Nhưng không thể phủ nhận, khách Trung Quốc tạo “ra cơn mưa tiền” và là nguồn thu chủ yếu của du lịch nhiều nước trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, theo ông chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để vừa khai thác được hiệu quả của dòng khách này vừa hạn chế hệ lụy của việc tăng trưởng nóng?
Tôi cho rằng, đầu tiên chúng ta nên ưu tiên phát triển các thị trường có mức chi tiêu cao trên 1.000 USD/ khách, cụ thể đó là các thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc – New Zealand và Nga, giảm dần sự lệ thuộc, chi phối vào thị trường khách Trung Quốc. Ở phần lớn các nước phát triển, như Thái Lan họ cũng có nhiều khách du lịch Trung Quốc nhưng họ cũng không để vượt qua 25%.
Riêng khách Trung Quốc cũng có ý kiến là có khách nhà giàu, họ sẵn sàng bỏ ra hàng chục nghìn USD để mua sắm, lượng khách này họ thường đi bằng đường hàng không và đóng góp số tiền cao hơn rất nhiều lượng khách qua cửa khẩu. Đi qua cửa khẩu đường bộ chủ yếu là khách đi tour giá rẻ không tạo được nguồn thu. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần hạn chế khách du lịch Trung Quốc bằng giấy thông hành qua cửa khẩu đường bộ.
Tổng cục Du lịch cần sớm gửi văn bản đến các địa phương, doanh nghiệp để chỉ đạo và quản lý tình trạng khách du lịch mang những hình ảnh không được phép khi vào lãnh thổ Việt Nam, hay tình trạng “tour 0 đồng”… Ngân hàng nhà nước cũng nên sớm có văn bản chỉ đạo, quản lý việc kinh doanh sử dụng POS trái phép, gây thất thoát nguồn thuế, bức xúc dư luận thời gian vừa qua.
Bên cạnh việc có chế tài xử phạt những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm các quy định như: phạt tiền, rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp, trục xuất du khách khi cố tình vi phạm… thì cũng cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm, dịch vụ thu hút khả năng chi trả cao của khách Trung Quốc. Tôi lấy ví dụ như Singapore dù họ không có nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch nhưng họ làm du lịch rất tốt, giá trị xuất khẩu du lịch của họ cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Nếu chúng ta không có sáng tạo gì mới thì hãy học ngay cách họ làm du lịch để phát triển và thu hút khách.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dân Trí
Hà Trang