Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn 2015 đã đặt mục tiêu đến năm 2015 Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí lớn của cả nước. Gần 2 năm sau khi có Nghị quyết, ngành du lịch đã có những chuyển biến mạnh.
Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định 4 trung tâm du lịch và vùng du lịch. Theo đó, TP. Vũng Tàu là thành phố du lịch biển với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao ven biển, giải trí về đêm và du lịch thương mại – hội nghị.
Cụm du lịch Long Hải – Phước Hải phát triển thành cụm văn hóa, thể thao, nghỉ dưỡng biển kết hợp tham quan di tích, danh thắng. Cụm du lịch Núi Dinh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, lâm viên văn hóa trên núi kết hợp với trung thâm thương mại TX. Bà Rịa thành tuyến du lịch nghỉ dưỡng và mua sắm.
Cụm du lịch Bình Châu – Hồ Linh phát triển các khu du lịch phức hợp bao gồm loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp điều dưỡng, giải trí văn hóa, thể thao cao cấp, sân gofl và du lịch sinh thái. Đến nay, sau hai năm thực hiện nghị quyết, ngành du lịch đã phát triển theo đúng định hướng, có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án, UBND tỉnh chủ trương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước và viễn thông) đến hàng rào các dự án du lịch bằng ngân sách nhà nước. Các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, TP. Vũng Tàu… đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Trong những năm gần đây đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, góp phần đa dạng hóa, khai thác được thế mạnh của tỉnh như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng suối khoáng nóng, du lịch hội nghị, hội thảo…
Một số dự án du lịch mới được đưa vào hoạt động đã góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đáp ứng nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng của du khách như khu du lịch Bến Thành – Long Hải (giai đoạn 1), khu du lịch Sài Gòn – Bình Châu – Hồ Cốc, khách sạn Imperial, khu du lịch cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ…
Điều đáng mừng là các đơn vị kinh doanh du lịch thuộc các thành phần kinh tế ngày càng phát triển về số lượng và có chuyển biến nhanh về chất lượng. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch đã có tính chuyên nghiệp hơn, bước đầu hình thành các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, với nhiều sản phẩm mới, lạ có chất lượng dịch vụ tốt. Năm 2005, toàn tỉnh có 101 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch thì đến hết tháng 8-2010 đã tăng lên gần 176 doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng nhanh chóng, từ 90 khách sạn, resort năm 2005 tăng lên 160 khách sạn, resort (tháng 8-2010) với 6.659 phòng, trong đó có 75 khách sạn đạt chuẩn từ 1 đến 5 sao và căn hộ cao cấp, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú đa dạng của du khách từ bình dân đến cao cấp.
Mặt khác, công tác thu hút đầu tư vào du lịch cũng đạt hiệu quả cao. Đến nay toàn tỉnh có 168 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên tổng diện tích 6.411ha, với tổng vốn đăng ký 37.319 tỷ đồng và gần 11,956 tỷ USD. Các dự án du lịch được phân bố khá đồng đều tại tất cả các địa phương có thế mạnh về du lịch biển, chạy dài từ TP. Vũng Tàu đến các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và ở cả Côn Đảo. Hầu hết mỗi địa phương đều có những dự án du lịch phức hợp, mang tính đột phá, được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ trở thành đầu tàu thúc đẩy ngành du lịch và các ngành khác tại các địa phương phát triển.
Nguồn : báo BR-VT