Tín hiệu vui từ du lịch biển
Vào cuối tháng 11 vừa qua, Sở Du lịch
tỉnh Bình Định đã có báo cáo tổng kết hoạt động du lịch năm 2024 và
phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho
biết, năm 2024, lượng khách tham quan, du lịch tại tỉnh ước đạt 9,2
triệu lượt, tăng 83,9% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt
93.850 lượt, còn khách nội địa vượt 9,1 triệu lượt. Doanh thu du lịch
ước đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 55,4%
so với năm 2023 (16.405 tỷ đồng).
Sở Du lịch tỉnh Bình Định cũng chia sẻ,
đây là lần đầu tiên Bình Định đạt hơn 9 triệu lượt khách và doanh thu từ
khách du lịch đạt 25.500 tỷ đồng, là tín hiệu cho thấy hoạt động du
lịch của tỉnh đang phát triển vượt bậc.
Thông tin được công bố trong phiên họp
UBND tỉnh Thanh Hóa thường kỳ tháng 11/2024, cho biết, năm 2024 là một
mùa “bội thu” của du lịch tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, năm 2024, tổng lượng
khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 15,3 triệu lượt khách,
vượt 10,9% kế hoạch và tăng 22,5% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng khách
quốc tế ước đạt 719 nghìn lượt, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Tổng thu du
lịch của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 33.815 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch và
tăng 38% so với cùng kỳ.
Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới
- World Travel Awards lần thứ 31 vừa diễn ra tối 24/11 tại Bồ Đào Nha,
Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) của Việt Nam thắng lớn với 4 giải thưởng danh
giá. Đặc biệt, lần thứ 3 liên tiếp đảo ngọc Phú Quốc được vinh danh là
“Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2024”.
Ngoài ra, còn hàng loạt các tỉnh du lịch
biển khác của Việt Nam “thắng lớn” trong năm 2024. Như ngành du lịch
tỉnh Khánh Hòa đã về đích sớm trước ba tháng so với kế hoạch. Ngành du
lịch biển tỉnh Quảng Ninh đón đầu hàng loạt xu thế du lịch hạng sang với
những du thuyền cao cấp,...
Tiếp tục đổi mới để phát triển
Mặc dù còn vài tuần nữa mới kết thúc năm
2024, nhưng hiện nay rất nhiều tỉnh, địa phương có thế mạnh về du lịch
biển đang lên kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất, khai thác các sản phẩm
du lịch mới. Hứa hẹn trong năm 2025, du lịch biển Việt Nam sẽ ngày càng
trở nên hấp dẫn trong mắt khách du lịch trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị chuyên đề về phát triển du
lịch Phú Yên diễn ra vào tháng 10, đại diện Sở Giao thông vận tải Phú
Yên cho hay, giao thông là một trong ba lĩnh vực chính của du lịch, gồm
lữ hành, lưu trú và vận chuyển. Giao thông là “đầu mối” kết nối mọi hoạt
động của du lịch. Do vậy, việc chủ động, ưu tiên phát triển đồng bộ hạ
tầng giao thông sẽ làm tăng sức cạnh tranh, khai thác hiệu quả các tiềm
năng, thế mạnh của tỉnh.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Phú
Yên sẽ huy động, phân bổ nguồn vốn vào các công trình động lực, có tính
lan tỏa như: mở rộng Cảng hàng không Tuy Hòa đạt công suất 3 triệu hành
khách/năm, nâng tần suất bay, xúc tiến mở các tuyến bay mới đến một số
tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; đường sắt sẽ nâng cấp, mở rộng
nhà ga hành khách đường sắt Bắc - Nam, xây dựng các đường gom dọc đường
sắt, hoàn thiện quy hoạch phát triển tuyến đường sắt Tuy Hòa - Tây
Nguyên và tuyến đường sắt đô thị qua địa phận tỉnh; cảng biển sẽ nâng
cấp để thu hút thêm nhiều du thuyền du lịch đến với TP Tuy Hòa.
Còn tại Khánh Hòa, UBND tỉnh cũng đang
dự kiến khai thác và phát triển du lịch ở khu vực Bích Đầm, một làng đảo
còn tương đối hoang sơ tại Nha Trang. Được biết, Bích Đầm (tổ dân phố
Bích Đầm) hay làng đảo Bích Đầm, nằm trên đảo Hòn Tre, cách Nha Trang
khoảng 15km, là làng đảo xa nhất của thành phố. Khu vực hiện có khoảng
hơn 200 hộ gia đình với gần 1 nghìn người, sinh sống chủ yếu bằng nghề
đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Theo dự thảo Đề án Phát triển du lịch
cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Bích Đầm, nêu mục tiêu đến năm
2025 nơi này được công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Năm 2030 thu hút
trên 30 nghìn lượt khách (40% du khách quốc tế) đến tham quan hàng năm;
tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động.
Ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), thành
phố đang chú trọng khai thác thêm nhiều sản phẩm du lịch khác, để phát
triển du lịch 4 mùa quanh năm. Chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Văn
Trọng, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long cho biết, thời gian tới
thành phố tiếp tục tập trung phát triển kinh tế di sản, làm cho di sản
văn hóa và thiên nhiên trở thành nguồn lực, động lực cho tăng trưởng,
tạo đột phá phát triển kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương;
xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của hoa và lễ hội; phát triển hệ
sinh thái du lịch Hạ Long.