Tỉnh Hà Giang nổi tiếng là vùng cao nguyên đá mà đỉnh cao là cao nguyên Đồng Văn, núi cao, rừng sâu, hang động, sông suối với hệ động thực vật phong phú.
Trong thiên nhiên hùng vĩ ấy, cảm nhận đầu tiên của du khách khi đến với Hà Giang là đến với một vùng dân tộc đa sắc màu, đến với những bản làng của người Mông, Tày, Nùng, Lô Lô, Dao, Mường, Pà Thẻn, Thái… mỗi nơi đều có lịch sử, văn hóa riêng.
Giờ đây nhiều du khách đã chọn Hà Giang trong những chuyến du lịch trở về với thiên nhiên hoang sơ và đi tìm những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Lượng du khách đến Hà Giang tăng đột biến trong vòng 2 năm nay. Theo thống kê từ ngành du lịch, từ năm 2010 đến hết năm 2011, đã có 32.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng cao nguyên đá Hà Giang. Doanh thu từ du lịch đạt đến con số trên 280 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với thời kỳ 2009-2010.
Những con số này rất có ý nghĩa đối với một địa phương thuộc diện khó khăn nhất nước như Hà Giang. Các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái được ưu tiên phát triển thời gian qua đang có đóng góp nhất định trong việc thu hút du khách đến với Hà Giang, cũng như góp phần vào sự tăng trưởng doanh thu từ ngành du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình vùng cao đá còn nhiều vất vả, khó khăn.
Vào cuối năm ngoái đã được Uỷ ban UNESCO quốc tế chính thức công nhận Công viên địa chất Cao nguyên Đá Đồng Văn – Hà Giang vào hệ thống công viên địa chất toàn cầu. Việc xây dựng thành công Công viên địa chất đầu tiên tại Việt Nam sẽ bảo tồn được di sản thiên nhiên và sự đa dạng văn hoá của 17 dân tộc anh em đang sinh sống tại dải biên cương Tổ quốc này. Đây là mô hình xây dựng Công viên địa chất gắn với xoá đói giảm nghèo chưa từng có tại quốc gia nào trên Thế giới.
Hiếm có nơi nào núi cao, vực thẳm, suối khe uốn lượn như cảnh sắc Đồng Văn. Thiên nhiên bao la với những khu rừng nguyên sinh, thảm thực vật xanh tươi, núi đá vôi hùng vĩ, chứa đựng nhiều bí ẩn về động thực vật đặc trưng của rừng núi đá vôi để du khách tìm hiểu, khám phá. Du lịch sinh thái về với núi, rừng, sông suối, leo núi, băng rừng, vượt thác, không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn hút hồn khách quốc tế một lần đến với núi rừng này.
Những cái tên đã trở thành “thương hiệu” của Hà Giang như cổng trời Quản Bạ, Phó Bảng, Phố Cáo, Lũng Cú... du khách cũng có thể chinh phục những đỉnh núi cao sừng sững Mã Pí Lèng, Mèo Vạc… . Du khá́ch cũng sẽ không thể nào quên con đường ẩn hiện trong mây và sương mù, và một rừng đá xám của vùng cao nguyên đá. Con đường Hạnh Phúc vắt vẻo ở lưng chừng núi, nhìn xuống dòng sông Nho Quế hun hút dưới chân núi xa xăm đường lên Tây Côn Lĩnh.
Với 22 dân tộc cùng sinh sống, Hà Giang còn lưu giữ những nét đặc trưng văn hoá đa sắc tộc làm say lòng du khách. Người Mông ở phía trên cao, phía trên đỉnh núi chiếm tới 32% dân số, với váy xoè thổ cẩm rực rỡ, với điệu khèn say lòng người. bản làng người Mông với kiến trúc đặc trưng là những nếp nhà thấp, trình tường (tường đất), khuôn viên được bao bọc bằng bức tường đá xếp…, nằm cheo leo trên những sườn núi cao quanh năm đầy sương mù.Ở phía tây, nơi vùng cao núi đất, du khách bắt gặp những bản làng của người Tày, Nùng, Dao… những nếp nhà sàn, những chân ruộng bậc thang đẹp như trong mơ, là đề tài không dứt của các tay máy cả chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Những lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc Hà Giang rất phong phú, bao gồm lễ hội thôi nôi của trẻ em, lễ mừng nhà mới, cơm mới, lễ ma khô của người Mông, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ đưa linh của người Lô Lô, các phiên chợ tình say đắm Khau Vai, các cuộc hát cọi, hát Then, hát lượn, hát hội, múa khèn, múa bát, múa cấy, múa cầy… Đến một phiên chợ vùng cao nguyên đá, uống rượu ngô và thưởng thức ẩm thực đặc sản của địa phương, bạn sẽ cảm nhận được cái hồn của núi rừng với men say niềm vui và hạnh phúc ở nơi này, dẫu rằng cuộc sống của đồng bào bản địa còn nhiều gian khó.
Hà Giang cũng đã đặt ra chiến lược phát triển du lịch, xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng tại các huyện và các bản làng dân tộc trên tuyến du lịch. Hoạt động của làng văn hóa du lịch bao gồm: giao lưu văn hóa, văn nghệ, giới thiệu phong tục, tập quán, lễ hội của từng dân tộc cho du khách thưởng lãm và tham dự. Từ năm 2012, với mong muốn bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, khai thác tối đa tiềm năng du lịch trên địa bàn cũng như tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, Hà Giang đã quyết định xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tham gia làm du lịch cộng đồng, tính bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 10-20 triệu đồng/năm, một con số rất có ý nghĩa với đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, lực lượng người dân tham gia làm du lịch và lợi ích khai thác từ du lịch cộng đồng cũng chưa nhiều, chưa là phổ biến. Trước đây việc xây dựng 29 làng văn hoá của Hà Giang chưa thành công, bài học được rút ra là làng văn hóa du lịch muốn thu hút được du khách thì nó phải có sức hấp dẫn tự thân của nó, gồm: vị trí địa lý gần các trung tâm du llịch, điểm du lịch tiêu biểu, nằm trên tuyến du lịch, tài nguyên du lịch. Làng văn hoá không nằm trên tuyến du lịch thì rất khó thu hút khách, người ta không thể đi hàng trăm kilômét để đến chỉ thăm một vài sản phẩm văn hóa truyền thống của một dân tộc.
Vấn đề cảnh quan môi trường, sắc thái văn hoá đặc trưng cần được bảo tồn. Sự bêtông hóa ồ ạt từ đường đi lối lại đến chỗ ăn ngủ tại các làng được quy hoạch và tân trang cũng làm mất đi bản sắc riêng của văn hóa bản làng đồng bào dân tộc vốn luôn gần gũi với thiên nhiên.
Theo số liệu điều tra của Tổ chức du lịch thế giới, ngày nay có trên 80% số khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hoá độc đáo và khác biệt với nền văn hoá của dân tộc họ.
Vấn đề quan trọng quyết định thành công của mô hình du lịch sinh thái cộng đồng chính là lợi ích của cộng đồng người dân được hưởng lợi từ du lịch, những bản làng văn hoá mới trở nên hấp dẫn và là địa chỉ bảo tồn các giá chị chung cộng đồng.
Nguồn : Vccinews