Vịnh Hạ Long của Việt Nam, đền Angkor Wat của Campuchia và Vạn lý trường thành của Trung Quốc, các di sản lớn của châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng vì bùng nổ du lịch, theo AFP.
|
Du khách ở đền Angkor Thom |
Trong năm 2010, số tiền thu được của du khách đến thăm công viên quốc gia Angkor tại Campuchia đạt mức 1,15 triệu USD, tăng 25% so với năm trước. Ở nhiều điểm du lịch di sản nổi tiếng khác của châu Á, tình hình cũng diễn ra tương tự khi kinh tế thế giới hồi phục sau khủng hoảng và cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng tốt hơn, càng có nhiều người đổ về khám phá châu Á.
Trong khi du lịch mang đến nguồn thu quan trọng, nhiều chuyên gia lo ngại tăng trưởng quá nóng đang gây sức ép lớn lên các khu di sản thế giới vốn dễ bị tổn thương. Tại khu di tích có niên đại từ thế kỷ 12 Angkor Wat, du khách hoàn toàn tự do đi lại, leo trèo và thường xuyên bỏ qua các tấm biển cảnh báo. Nhiều người dựa vào tường hoặc tìm cách bóc các viên gạch bằng tay.
Theo Quỹ di sản toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ đang nỗ lực bảo tồn các di sản ở những nước đang phát triển. “Angkor bị đe dọa nghiêm trọng vì thiếu kiểm soát. Khu di sản này đã có tuổi đời 600-800 năm và cần được bảo vệ chuẩn mực khi khai thác du lịch bằng các biện pháp lát lại đường, che chắn và củng cố”, AFP dẫn lời giám đốc điều hành nhóm Jeff Morgan.
Cơ quan Aspara, hiện đang bảo trì Angkor, nói họ đang nỗ lực giảm thiểu các tác hại với khu đền và đã triển khai 270 bảo vệ để đảm bảo du khách không làm gì gây hại cho khu di sản. Hai năm một lần, tổ chức này có cuộc gặp với các quan chức UNESCO và chuyên gia nước ngoài về các biện pháp và thách thức bảo tồn di sản, theo lời Ngeth Sothy, phó giám đốc Phòng phát triển du lịch Angkor.
Tại Trung Quốc, Vạn lý trường thành, một kỳ quan thế giới, thu hút trung bình 10 triệu du khách mỗi năm. Một phần bức tường, được xây từ hàng nghìn năm trước và kéo dài hơn 8.800 km, đã bị che phủ bởi những bức tranh graffiti.
Du khách cũng bóc gỡ các viên gạch và xả rác ở nhiều nơi. “Chỉ có khoảng 550 km là còn trong điều kiện tốt” - William Lindesay, một người Anh đã làm việc một phần tư thế kỷ qua để bảo tồn tường thành, nói với AFP. Các biện pháp như hạn chế khu vực thăm và cấm xây dựng trong phạm vi 500 m từ khu tường thành đã được triển khai, nhưng Lindesay nói như vậy chưa đủ.
|
Vịnh Hạ Long, Việt Nam |
Một nỗ lực bảo tồn khác thành công hơn là ở Indonesia. Khu đền Phật giáo Borobudur được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 và thu hút khoảng 2 triệu du khách mỗi năm, theo người đứng đầu khu di sản Marsis Sutopo.
“Các du khách bị cấm hút thuốc ở Borobudur, giày đế cứng cũng bị cấm. Chúng tôi đã có những quy tắc bảo tồn được ban hành và thực thi đầy đủ cũng như công tác bảo trì thực hiện hằng năm. Năm nay, chúng tôi sẽ thông hệ thống thoát nước khu đền. Mỗi hai năm chúng tôi phải báo cáo với UNESCO về những việc này” - AFP dẫn lời Sutopo.
Nhưng những thành công như Borobudur khá hiếm hoi. Tại Ấn Độ, ngôi đền từ thế kỷ 17 Taj Mahal, một biểu tượng của đất nước, thu hút khoảng 3 triệu du khách mỗi năm, hiện đang gặp nguy cơ lớn vì du lịch quá tải và ô nhiễm từ những thành phố xung quanh đó. Khu đền đã được bảo trì lớn vào năm 2007, nhưng các chuyên gia nghi ngờ khả năng Taj Mahal được bảo tồn tốt trừ khi số du khách bị hạn chế lại.
Vịnh Hạ Long của Việt Nam, theo AFP, thu hút hơn 2,3 triệu du khách trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 114% so với cùng kỳ. Một vấn đề với khu vịnh biển và núi đá vôi tuyệt đẹp này, theo Morgan, là rác thải từ các con thuyền trên vịnh.
“Vịnh Hạ Long gặp rắc rối vì chất thải rắn gây tác hại cho môi trường - AFP dẫn lời Morgan - Câu hỏi lớn đặt ra là khi nào chúng ta sẽ đối xử với những khu di sản này với nguồn ngân quỹ và sự tôn trọng mà chúng xứng đáng”.
Nguồn : Tuổi Trẻ