Cùng với các địa phương trong cả nước, du lịch tỉnh Hậu Giang cũng có sự chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí và hiệu quả của sự nghiệp phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy sự phát triển.
Các cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch dần được đầu tư, nhiều loại hình, sản phẩm du lịch được xây dựng, công tác xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh…
Ông Phạm Thanh Nhu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã nhấn mạnh như vậy trong buổi trả lời phỏng vấn báo VEN về tiềm năng, thế mạnh phát triển ngành du lịch Hậu Giang.
Thưa ông, là một tỉnh nằm trong vùng ĐBSCL vốn có tiềm năng thế mạnh du lịch tương đồng, song đâu là thế mạnh riêng của Hậu Giang ?
Hậu Giang là tỉnh mới chia tách, ngành du lịch Hậu Giang còn khá non trẻ so với các tỉnh, thành trong cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, Hậu Giang vẫn được đánh giá là một tỉnh giàu tiềm năng du lịch. Hậu Giang có khí hậu điều hòa, ít bão, đất đai phì nhiêu, sông ngòi chằng chịt, nơi đất trời sông nước, thảm thực vật xanh quanh năm phong cảnh hữu tình.
Điểm nổi bật của Hậu Giang là một vùng quê ngọt ngào hoa trái và sản vật như: Khóm Cầu đúc, Bưởi năm roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, hoặc các món ăn được chế biến từ cá thác lác. Người Hậu Giang chất phát, đôn hậu, hiền hòa và giàu lòng mến khách. Là vùng đất có sự cộng cư của các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer... nên có sự giao thoa về văn hóa, đa dạng, phong phú về tín ngưỡng, phong tục, tập quán... Hậu Giang còn được biết đến với những nét họp chợ độc đáo “chợ nổi Ngã Bảy”, hay các làng nghề truyền thống - biểu thị cho sự sáng tạo, cần cù lao động của cư dân miền Hậu Giang. Đồng thời, Hậu Giang còn là nơi ghi dấu chiến công vang dội như: Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, di tích lịch sử văn hóa Chiến thắng Cái Sình, di tích lich sử văn hóa Tầm Vu… Có thể nói du lịch Hậu Giang có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn sông nước gắn với lịch sử truyền thống, du lịch văn hóa, du lịch lễ hội… và là điểm đến lý tưởng trong tương lai.
Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến 2020 của Chính phủ đã chọn Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ làm trung tâm phát triển du lịch của vùng, như thế Hậu Giang sẽ nhận được nhiều quan tâm, ưu đãi đầu tư. Mặt khác, tỉnh cũng đang tập trung đầu tư cho các công trình, sản phẩm du lịch tạo dấu ấn Hậu Giang như: Công viên Xà No, Công viên Chiến thắng, tháp Truyền hình, khách sạn 5 sao Diamond Plaza, khu sinh thái Việt - Úc… Một lợi thế khác là việc hoàn thành dự án xây mới, mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A, cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc, khai thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nằm trong Tiểu vùng Tây sông Hậu sẽ tạo động lực cho Hậu Giang có điều kiện phát triển về du lịch, tạo cơ hội trong việc liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tăng sức cạnh tranh trong thu hút khách, kêu gọi đầu tư và đẩy mạnh đào tạo nhanh nguồn nhân lực.
Việc phối hợp cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh, các tỉnh thành lân cận tạo thế liên kết nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của Hậu Giang đã được Sở Văn hoá Thể thao Du lịch quan tâm thực hiện ra sao, thưa ông?
Đối với các ngành trên địa bàn tỉnh, Sở luôn quan tâm phối kết hợp chặt chẽ thực hiện các mặt công tác phát triển ngành du lịch như cùng ký kết các kế hoạch liên tịch xây dựng chương trình lễ hội, tổ chức hội thảo khôi phục làng nghề truyền thống, thực hiện đề tài khoa học phục hồi chợ nổi Ngã Bảy, tổ chức chợ đêm tại thành phố Vị Thanh thu hút du khách.
Đối với các tỉnh thành lân cận, Hậu Giang có ký kết chương trình hợp tác cùng TP.HCM, Cần Thơ, Kiên Giang và các tỉnh bạn nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, hợp tác quảng bá xúc tiến du lịch, hợp tác quy hoạch kêu gọi đầu tư, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác đào tào nguồn nhân lực…Ngoài ra Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hậu Giang cũng đã ký kết cùng các trung tâm thông tin xúc tiến du lịch các tỉnh bạn để tạo các tour tuyến và điểm đến du lịch.
Tại diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2011, đặc biệt là tại Hội nghị đầu tư phát triển hạ tầng du lịch ĐBSCL ở TP.HCM sắp tới, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hậu Giang sẽ phối kết hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch vào các dự án như: Khu du lịch sinh thái Tầm Du, Khu du lịch hồ Đại Hàn, Khu du lịch hồ Sen phường 7 thành phố Vị Thanh, Khu căn cứ thị xã ủy xã Vị Tân, Khu du lịch sinh thái Lâm trường Mùa Xuân, Khu du lịch kênh Lầu Hoả Tiến, Khu trung tâm thương mại dịch vụ, Khu B di tích căn cứ Tỉnh ủy…
Trong tương lai, du lịch Hậu Giang hướng tầm phát triển như thế nào gắn với tổng thể phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước, thưa ông ?
Phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh ngành du lịch của tỉnh với sự đầu tư lớn để đưa Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch của vùng ĐBSCL, Nam bộ và cả nước; Gắn du lịch với quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử và văn hóa địa phương; dựa vào truyền thống lịch sử, văn hóa của Hậu Giang để phát triển du lịch. Phát triển du lịch gắn liền với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời gắn với an ninh, quốc phòng và giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người dân địa phương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh du lịch và Nhà nước. Đánh thức tiềm năng du lịch sẽ là động lực mới không chỉ phát triển ngành mà còn góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, xoá vùng trũng du lịch và tạo vị thế mới cho Hậu Giang trên bản đồ du lịch cả nước./.
Xin cảm ơn ông !
Nguồn : VEN