Là một tỉnh vốn có truyền thống văn hóa lịch sử với điểm nhấn chính là quần thể khu du lịch Phố Hiến - Đền Đa Hoà - Dạ Trạch.
Hiện nay, Hưng Yên đang tập trung phát triển một số loại hình du lịch như: du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa, du lịch lễ hội dân gian truyền thống, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được vẫn chưa cân xứng với tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh; lượng khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế đến Hưng Yên còn ít so với các tỉnh trong khu vực.
Kết quả chưa cân xứng với tiềm năng
Hưng Yên còn là vùng đất có rất nhiều đặc sản nổi tiếng như: nhãn lồng, hạt sen, chè hạt sen long nhãn, bún thang thế kỷ, ếch om phượng tường, tương bần, cam đường canh, bánh rănh bừa, bánh cuốn… Ngoài ra, nơi đây còn có các làng nghề truyền thống như: làng đúc đồng Đại Đồng, làng chạm bạc Phù Ủng, làng nghề mây tre đan, dệt thảm, thêu ren; các loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: hát trống quân, hát chèo, hát ca trù…
Tuy nhiên tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh Hưng Yên có 167 cơ sở lưu trú với khoảng 1.962 phòng, trong đó có 22 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 đến 2 sao, với 521 buồng nghỉ. Năm 2012, ngành du lịch Hưng Yên đã đón được 218.450 lượt khách (tăng 17.5% so với năm 2011), trong đó khách nội địa là chủ yếu, khách quốc tế đạt 8.036 lượt (tăng 17% so với năm 2011). Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 77.812 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011.
Hiện nay, doanh thu từ du lịch của Hưng Yên còn thấp, chưa khai thác được tiềm năng sẵn có; sản phẩm du lịch chưa phong phú; công tác xúc tiến du lịch chưa được đẩy mạnh; cơ sở hạ tầng du lịch chưa phát triển; nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế; sự quan tâm đầu tư cho phát triển du lịch chưa được chú trọng thường xuyên…
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên bày tỏ sự tiếc nuối khi vùng quê văn hiến Hưng Yên chật vật trong phát triển du lịch và không phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh vì cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và nguồn nhân lực du lịch thiếu trầm trọng. Hằng năm, Hưng Yên có hơn 400 lễ hội truyền thống được tổ chức trên khắp các vùng quê thuộc địa bàn tỉnh. Cũng như các tỉnh còn lại trong khu vực, khi du lịch tâm linh, du lịch lễ hội không được khai thác hài hòa với các loại hình du lịch khác thì Hưng Yên chỉ có thể đón những khách hành hương hoặc khách du lịch nội địa, tự đi du lịch, sử dụng rất ít hoặc không sử dụng dịch vụ tại điểm đến.
Phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khách du lịch nhiều hơn, nâng cao nguồn thu nhập từ du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch vào GDP của tỉnh, Hưng Yên đã đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch địa phương trong thời gian tới như: mở rộng thị trường du lịch với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kết hợp liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố nhằm kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch; tập trung đầu tư các khu di tích đang thu hút khách du lịch; huy động nguồn vốn trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, tạo điểm đến hấp dẫn du khách; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực hiện có, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch…
Trong thời gian tới Hưng Yên sẽ sớm lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, hướng tới việc xây dựng những sản phẩm du lịch có thương hiệu; đầu tư xứng đáng cho công tác quản lý về du lịch và nhanh chóng xây dựng các tour du lịch kết nối với các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hà Nội, trong đó có tour du lịch đường sông; tập trung vào thị trường khách nội địa; đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh các khu di tích tiêu biểu của địa phương nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.
Nguồn : vccinews