Nói đến du lịch sinh thái miệt vườn thì tỉnh Tiền Giang được xem là nơi phát triển mạnh nhất và là địa phương có lượng khách quốc tế đến tham quan nhiều nhất ở ĐBSCL.
Trong thời gian tới, Tiền Giang vẫn tiếp tục phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn. Tạo điểm nhấn để không “đụng hàng” với các địa phương khác, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn, thú vị trong lòng du khách.
Coi trọng liên kết vùng, tiểu vùng
Ở Đồng bằng sông Cửu Long nổi danh khung cảnh sông nước hữu tình, người dân hiền hòa chất phác và mến khách, Tiền Giang là địa phương đi đầu trong việc khai thác tiềm năng ngành công nghiệp không khói vì quốc kế dân sinh. Ngay từ những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, tỉnh tiên phong khai mở các tour du lịch sinh thái "Mêkông tour" nổi tiếng trong ngoài nước với những địa điểm hấp dẫn du khách từ xưa đến nay như cù lao Thới Sơn, cồn Rồng, cồn Phụng, chùa Vĩnh Tràng, bãi biển Tân Thành, lăng Hoàng Gia, Khu di chỉ Óc Eo, miệt vườn và nhà cổ Cái Bè,..
Trong thời kỳ mới, du lịch Tiền Giang cũng ngày càng tạo được dấu ấn riêng với nhiều loại hình du lịch độc đáo hấp dẫn thu hút lao động, tăng thêm thu nhập, tăng nguồn thu cho địa phương. Tiền Giang cũng là tỉnh biết tận dụng thế mạnh của mình để kết hợp với những tỉnh lân cận để khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch sinh thái. Gần thì có Tp Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vĩnh Long...xa hơn có Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng và các tỉnh bán đảo Cà Mau.... Bên cạnh đó, tỉnh đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tích cực giúp ngành du lịch tăng trưởng một cách bền vững.
Chính vì những nỗ lực không mệt mỏi mà ngành du lịch đã đạt được những thành tích nổi bật. Theo sở Văn hóa và Thể Thao và Du lịch thì từ đầu năm đến nay, Tiền Giang đã đón trên 465.000 lượt du khách, tăng 11% so với cùng kỳ, doanh thu trên 118 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh phấn đấu trong năm 2012 đón trên 1,13 triệu khách, doanh thu trên 257 tỷ đồng.
Định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2012 – 2015, Tiền Giang coi trọng liên kết vùng, tiểu vùng, tập trung nguồn lực để đưa du lịch thành ngành kinh tế động lực, để địa phương trở thành điểm du lịch hấp dẫn và đặc trưng vùng sống nước. Mục tiêu đến năm 2015 của ngành du lịch Tiền Giang là sẽ đón 1,5 triệu lượt du khách, trong đó trên 800.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 410 tỷ đồng và mức tăng trưởng đạt 9%/năm về lượt khách , 17% doanh thu cả năm.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng tạo mọi điều kiện để du lịch tỉnh nhà phát triển, các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch, phát triển các dự án hấp dân, tạo được nhấn riêng để thu hút được du khách…
Phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để ngành này phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ đào tạo nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp cao. Để từ đó đáp ứng được nhu cầu của ngành trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phát huy những thế mạnh từ thiên nhiên, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… hấp dẫn với du lịch. Từ đó tạo động lực để kinh tế xã hội ngày càng phát triển.
Du lịch miệt vườn hấp dẫn bậc nhất khu vực ĐBSCL
Trong giai đoạn mới, Tiền Giang đưa du lịch thành ngành kinh tế động lực có đóng góp to lớn cho sự phát triển của tỉnh nhà. Thì loại hình du lịch sinh thái miệt vườn cũng được xem lại động lực to lớn giúp ngành du lịch hoàn thành “nhiệm vụ” được giao.
Điều đó cho thấy du lịch sinh thái miệt vườn có vai trò quan trọng như thế nào. Và cũng cho thấy ở đây loại hình này hấp dẫn và tiền năng đối với du khách trong và ngoài nước. Để du lịch sinh thái miệt vườn tăng trưởng mạnh là nhờ Tiền Giang được thiên nhiên ưu đãi với 2 con sông lớn chảy qua là sông Vàm Cỏ ở phía Bắc và sông Tiền ở phía Nam. Dọc các bờ sông là những vườn cây ăn trái bạt ngàn với hơn 67.000 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn mỗi năm.
Do đó, hầu như quanh năm, Tiền Giang đều có trái cây để phục vụ du khách. Ngoài ra, tỉnh còn có 20 di tích cấp quốc gia, 84 di tích cấp tỉnh, bãi biển Tân Thành thơ mộng, khu bảo tồn Đồng Tháp Mười… kết hợp đan xen cùng vườn cây ăn trái để giới thiệu cho khách tham quan.
Một thuận lợi khác là Bến tàu thủy du lịch ở thành phố Mỹ Tho nằm trong dự án của Chương trình phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ thực hiện, nhằm đón các tàu du lịch quốc tế trong tuyến từ Tp.HCM đi Campuchia và ngược lại. Theo các chuyên gia trong ngành thì Tiền Giang đang có nhiều thuận lợi để đưa ngành du lịch tăng tốc. Và đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy ngày càng hoàn thiện, kết nối được với các tỉnh bạn xung quanh.. điều này tạo điều kiện thuận lợi để đưa khách du lịch đi lại rất nhanh.
Theo đại diện sở Văn hóa, thể thao & du lịch Tiền Giang thì du lịch sinh thái miệt vườn đã trở thành thế mạnh đặc thù của Tiền Giang, từ mô hình này đã thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng nhanh hơn, đồng thời là tỉnh có tỷ lệ khách quốc tế đến cao nhất ĐBSCL.
Trong thời gian tới, Tiền Giang vẫn tiếp tục phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn. Tạo điểm nhấn để không “đụng hàng” với các địa phương khác, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn. Biến Tiền Giang trở thành điểm thăm quan hấp dẫn, thú vị. Các chương trình du lịch sẽ được xây dựng gần gũi với thiên nhiên, vùng sông nước, cây trái, kết hợp cùng làng nghề truyền thống và các di tích lịch sử - văn hóa.
Nguồn : Vccinews