Cẩm Phả đang tăng cường đầu tư xây dựng, quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên thế mạnh sẵn có về tài nguyên, đó là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và đặc biệt là tham quan, trải nghiệm ở mỏ than.
Ông Nguyễn Hải Khiên, Phó Chủ tịch UBND
TP Cẩm Phả, cho biết: Du lịch của Cẩm Phả đã bắt đầu có sự chuyển biến
và đạt được những kết quả nhất định sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị
quyết 07-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Quảng
Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt là sự quan
tâm chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền từ thành phố đến xã, phường
trong sự nghiệp phát triển du lịch; quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư vào
các dự án phát triển du lịch trên địa bàn trong thời gian qua. Hiện
thành phố tiếp tục phát huy và tăng cường đầu tư xây dựng, quảng bá các
sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên thế mạnh sẵn có về tài nguyên, đó là
du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và đặc biệt
là tham quan, trải nghiệm mỏ.
Sở Du lịch, Công ty Du lịch Viettravel khảo sát điểm tham
quan mô hình khai thác than tại Trường Cao đẳng Nghề Than - Khoáng sản Việt
Nam. (Ảnh do Phòng VHTT TP Cẩm Phả cung cấp)
Là trung tâm khai thác, sản xuất than
lớn của tỉnh và cả nước, đây là lợi thế để Cẩm Phả phát triển du lịch,
tạo ra những sản phẩm tham quan, trải nghiệm độc đáo tại các khu công
nghiệp như mỏ than Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn, Mông Dương... Bên cạnh đó,
Cẩm Phả còn duy trì nghề điêu khắc than đá, tập trung chủ yếu ở các
phường Cẩm Thành, Cẩm Sơn. Đây là nghề thủ công truyền thống với nguyên
liệu là từ than để làm ra các sản phẩm mỹ thuật có chất lượng. Những sản
phẩm này sẽ được phát triển trở thành đồ lưu niệm độc đáo và đặc trưng
của thành phố mỏ. Vừa qua, TP Cẩm Phả đã có tờ trình UBND tỉnh công nhận
2 tuyến du lịch trên địa bàn thành phố: Tuyến du lịch tâm linh (Trung
tâm thành phố - chùa Phả Thiên - Công viên Văn hoá Cao Sơn lưu thuỷ -
đền Cửa Ông); tuyến du lịch giải trí, nghỉ dưỡng (Trung tâm thành phố -
Cụm dịch vụ văn hoá - Khu di tích và danh thắng Vũng Đục - bãi tắm Quảng
Hồng - Trung tâm khoáng nóng Địa chất). Bên cạnh đó, Cẩm Phả đang xây
dựng tuyến du lịch Than, bao gồm các điểm: Trung tâm thành phố - Quảng
trường 12/11, ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai - Địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ
Đèo Nai năm 1959 - Khu di tích và danh thắng Vũng Đục - đền Cửa Ông, hầm
chỉ huy của Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa
Ông), tượng đài Ngô Huy Tăng. Từ đầu năm đến nay, thành phố phối hợp
với Sở Du lịch, Công ty Du lịch Viettravel, Đoàn Farm - trip với gần 30
doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, đã khảo sát cơ sở vật chất,
tìm hiểu quy trình khai thác than, thăm khai trường lộ thiên và hầm lò
của Công ty CP Than Cao Sơn, Công ty CP Than Đèo Nai, Trường Cao đẳng
Nghề Than - Khoáng sản Việt Nam... Các đoàn cũng đã tìm hiểu thực tế về
đời sống công nhân mỏ và tìm hiểu khả năng tổ chức cho du khách tham
quan, trải nghiệm khai thác than để tìm kiếm, kết nối đưa vào chương
trình tour tham quan. Nếu đưa vào khai thác, du lịch trải nghiệm khai
thác than hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch mới, riêng có và độc đáo của
Cẩm Phả nói riêng và Quảng Ninh nói chung thời gian tới.
Phương Thuý