Những tiềm năng về du lịch của Phú Yên đang đứng trước cơ hội lớn để “trỗi dậy” khi năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 được tỉnh đăng cai tổ chức.
Với chủ đề: “Du lịch biển, đảo”, sẽ có trên 30 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế diễn ra liên tục trong năm 2011 tại Phú Yên và các tỉnh/thành vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, những sự kiện này được Phú Yên kỳ vọng sẽ “đánh thức” tiềm năng để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Tiềm năng du lịch.
Phú Yên là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm giữa đèo Cù Mông ở phía Bắc và đèo Cả ở phía Nam, được các dãy núi cao của dãy Trường Sơn nối tiếp nhau bao bọc cả ba mặt: Bắc-Tây-Nam và hướng ra biển Đông. Phú Yên có tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, có bờ biển dài 189km, nhiều nơi khúc khủyu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ như: Đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô.
Dọc bờ biển của tỉnh Phú Yên có đến hàng chục bãi tắm thơ mộng trên bờ cát trắng. Nét đẹp chung của hầu hết các bãi tắm ở Phú Yên là có sự kết hợp hài hòa giữa núi non và biển cả tạo nên phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình”. Bên những rặng phi lao và rừng dừa xanh ngát là những bãi cát trắng mịn, thoai thoải, nước biển luôn trong xanh và lặng sóng. Một số bãi tắm tiêu biểu như: Bãi Bàng, Bãi Bàu, Bãi Rạng, Bãi Xuân Hải, Bãi Nồm, Bãi Tràm, Bãi Từ Nham, Bãi Ôm, Bãi Bình Sa, Bãi An Hải, Bãi Phú Thường, Bãi Súng, Bãi Xép, Bãi Long Thủy, Bãi Tuy Hòa, Bãi Gốc. Phú Yên còn có những gành đá nổi tiếng như: Gành Đá Đĩa, gành Đỏ, gành Dưa, gành Yến và nhiều đảo nhỏ ven bờ như: Nhất Tự Sơn, hòn lao Mái Nhà, hòn Chùa, hòn Than, hòn Yến, hòn Dứa, hòn Nưa, thuận lợi cho phát triển các khu du lịch biển.
Dưới biển là những rạn san hô đẹp, thích hợp với du lịch lặn biển và nhiều loại đặc sản biển sẵn sàng phục vụ nhu cầu ẩm thực trong những chuyến hành trình của du khách.
Ngoài ra, các nguồn nước khoáng nóng: Phú Sen, Lạc Sanh, Trà Ô, Triêm Đức với nhiệt độ từ 50 đến 70 độ C rất thích hợp cho phát triển loại hình du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ và nghỉ dưỡng.
Cùng với tài nguyên du lịch tuyến biển, rừng núi Phú Yên cũng có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, hấp dẫn, thích hợp cho du lịch sinh thái. Theo hành trình về phía tây hoặc vào phía nam của tỉnh, du khách sẽ được hòa mình vào không khí nguyên sơ của những khu rừng tự nhiên. Đặc biệt, khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai và khu rừng cấm bắc Đèo Cả rộng hàng ngàn hecta, là những bảo tàng thiên nhiên kỳ thú với hàng trăm loài động thực vật, trong đó có những loài đặc hữu và quí hiếm. Đến Phú Yên , du khách còn có cơ hội khám phá những hồ nước như: Hồ Phú Xuân, hồ Đồng Tròn, hồ Xuân Bình, Hồ Thủy điện Sông Ba Hạ, hồ Thủy điện Sông Hinh và thưởng thức sự trong mát của các thác suối: Thác Hòa Nguyên, thác Cây Đu, thác Mơ, Vực Phun…
Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Phú Yên còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hoá. Một số di tích, địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử: Đá Bia gắn với truyền thuyết về hành trình mở cõi về phương Nam của vua Lê Thánh Tông. Đền thờ Lương Văn Chánh, vị khai quốc công thần của Phú Yên. Đền thờ nhà chí sỹ yêu nước Lê Thành Phương. Thành An Thổ, nơi sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng CSVN. Núi Chóp Chài, nơi quân và dân Phú Yên giải thoát Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Nét đặc sắc của văn hoá Phú Yên là sự đan xen, giao thoa và hòa hợp của nền văn hóa Việt – Chăm với Tháp Nhạn, Thành Hồ cổ kính.
Đặc biệt là di sản Văn hóa Đá với các di tích danh thắng quốc gia Núi Đá Bia, chùa Đá Trắng, tiêu biểu là bộ Kèn đá và Đàn đá Phú Yên có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Nhiều lễ hội gắn với cư dân vùng biển, đặc trưng Lễ hội cầu ngư, các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ rất đặc sắc như Hô bài chòi, Hò khoan, Hò bá trạo, hò kéo lưới… Những làng nghề truyền thống như: nghề chế biến nước mắm, bánh tráng, sản phẩm mỹ nghệ ốc đá, vỏ gáo dừa.... Ẩm thực Phú Yên với những đặc sản nổi tiếng như: Ốc nhảy Sông Cầu, ghẹ Đầm Cù Mông, Sò huyết, hàu đầm Ô Loan, gỏi sứa, gỏi cá ngừ đại dương, các loại nước mắm... sẵn sàng phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách.
Ngoài ra du khách còn được thưởng thức các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ rất đặc sắc. Đó là những tiềm năng to lớn, là cơ sở cho phát triển du lịch văn hóa ở Phú Yên.
Cơ hội quảng bá tiềm năng, phát triển du lịch.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho tổ chức năm du lịch quốc gia 2011 với chủ đề: “Du lịch biển, đảo” tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, do tỉnh Phú Yên chủ trì, đăng cai tổ chức nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611 – 2011) cùng với các tỉnh/thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây là cơ hội để Phú Yên đẩy mạnh quảng bá du lịch biển, đảo miền trung, đưa hình ảnh đất nước, con người Phú Yên đến khắp mọi miền đất nước và thế giới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng và sản phẩm du lịch biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu tiềm năng, xúc tiến đầu tư du lịch Phú Yên tại nhiều nơi trong nước và nước ngoài, Phú Yên còn tổ chức các hoạt động lễ hội với quy mô quốc gia diễn ra suốt trong năm du lịch quốc gia 2011 nhằm thu hút một lượng lớn nhà đầu tư khách đến tham quan các điểm du lịch độc đáo của tỉnh. Đó là thời cơ lớn để quảng bá tài nguyên du lịch địa phương. Hiện tại các điểm được quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh còn rất “tự nhiên” nên vấn đề đặt ra phải làm sao tạo ấn tượng tốt cho nhà đầu tư, khách du lịch về triển vọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của những điểm đến đó bởi trong chiến lược phát triển du lịch, công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu có vai trò rất quan trọng.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xây dựng tỉnh Phú Yên thành một cửa ngõ mới ra hướng Đông cho vùng Tây Nguyên, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước. Ngành Du lịch Phú Yên sẽ được phát triển mạnh để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp "sạch" mang màu sắc độc đáo riêng. Phát triển du lịch miền núi gắn liền với văn hóa các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, kết hợp hình thành các tuyến nối liền giữa miền biển và các tỉnh Tây Nguyên.
Tỉnh Phú Yên đã có cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư cơ sở kinh doanh du lịch như: hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi giải phóng mặt bằng, ưu đãi về thời hạn thuê đất, giá thuê đất, thuế thuế thu nhập doanh nghiệp…
Khắc phục điểm yếu về cơ sở hạ tầng, Phú Yên đã đầu tư nhiều dự án về hạ tầng du lịch. Đã đưa vào sử dụng tuyến đường từ bắc cầu An Hải đến gành Đá Dĩa, khi cầu An Hải hoàn thành sẽ thông suốt với trung tâm Thành phố Tuy Hòa; tuyến đường từ quốc lộ 1A đến gành Đá Dĩa cũng kịp hoàn tất để đưa vào phục vụ Tết Nguyên đán; đường lên Mũi Điện đang khẩn trương thi công nâng cấp kịp đưa vào sử dụng dịp khai mạc năm du lịch quốc gia 2011; các tuyến ĐT643 đi Nhà thờ Bác Hồ, tuyến đến khu du lịch Đá Bàn đang khẩn trương thi công nhằm kịp phục vụ năm du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, các quần thể di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô, Thành An Thổ, Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, Núi Nhạn cũng được đầu tư nâng cấp tạo diện mạo mới. Các công trình khoa học, xã hội và nhân văn phục vụ cho năm du lịch quốc gia gắn với kỷ niệm 400 năm Phú Yên cũng đang được các ngành liên quan khẩn trương thực hiện như phim tài liệu 400 năm Phú Yên, vở tuồng danh nhân Lương Văn Chánh…
Với tiềm năng du lịch phong phú và con người giàu lòng nhân hậu, mến khách, Phú Yên đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước. Trong tương lai không xa Phú Yên sẽ trở thành điểm hẹn văn hóa, thể thao, du lịch mới của quốc gia và khu vực.
Nguồn : TSD