Những năm gần đây, du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng số lượng khách quốc tế đến ổn định (trung bình khoảng 11%/năm). Năm 2016, con số này đã đạt kỷ lục 10 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2015. Riêng 9 tháng đầu năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 9.448.331 lượt, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016. Để đạt được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, du lịch Việt Nam cần phải thật sự đổi mới, sáng tạo, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch. Du lịch sáng tạo là một trong những
Phim trường Đảo Đầu Lâu - Kong (Ninh Bình) - một trong những mô hình du lịch sáng tạo độc đáo của Việt Nam
(ảnh: Xuân Bách/TITC)
Du lịch sáng tạo là loại hình mà khách du lịch có cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo của họ thông qua các trải nghiệm học tập, tìm hiểu tại điểm đến. Ở loại hình du lịch này, khách du lịch được tham gia tìm hiểu văn hóa bản địa hoặc những đặc trưng của điểm đến và có sự kết nối với người dân địa phương hoặc những người tạo nên nền văn hóa đặc biệt này.
Du lịch sáng tạo cung cấp những hoạt động đa dạng cho du khách nhờ phát huy tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại điểm đến; đồng thời giá trị của điểm đến cũng được nâng cao nhờ chất lượng của hoạt động du lịch. Ở đây, tính nguyên bản và bền vững của điểm đến được bảo tồn, trở thành nguồn lực của sự sáng tạo, góp phần nâng cao sự tự hào của người dân địa phương về văn hóa truyền thống của họ. Khi đến với hoạt động du lịch sáng tạo, du khách mong muốn được trải nghiệm văn hóa bản địa bằng cách tham gia vào các hoạt động giáo dục, sáng tác nghệ thuật hoặc tham dự các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ cùng người dân địa phương. Điều này sẽ góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch ở điểm đến, từ đó bảo tồn được các giá trị văn hóa phi vật thể.
Việt Nam có nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển du lịch sáng tạo nhờ tài nguyên du lịch phong phú với các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, ẩm thực hấp dẫn, thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng du lịch và công nghệ thông tin phát triển nhanh cũng giúp du khách dễ dàng tiếp cận với những xu hướng mới của xã hội. Việc phát triển du lịch sáng tạo tại Việt Nam góp phần làm đa dạng và nâng cao chất lượng cho hệ thống sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; bảo tồn giá trị văn hóa, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch; phát triển thương hiệu du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch thông qua hiệu ứng mạng xã hội. Một số hình thức du lịch sáng tạo đang phát triển tại Việt Nam như: du lịch thiện nguyện, du lịch bảo vệ môi trường, du lịch tham quan phim trường, du lịch nông nghiệp – nông thôn, âm nhạc đường phố, tham quan Nhà hát lớn Hà Nội và nghe hòa nhạc, tham quan phố đi bộ tìm hiểu văn hóa Việt Nam...
Để phát triển du lịch sáng tạo, ngành Du lịch Việt Nam cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường và tài nguyên du lịch sẵn có; nâng cao giá trị cho tour du lịch truyền thống bằng cách bổ sung các hoạt động du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, giao lưu với cộng đồng địa phương; xây dựng các sản phẩm du lịch mới độc đáo như: du lịch ban đêm tham quan vườn quốc gia, du lịch trải nghiệm ẩm thực, du lịch trải nghiệm phim trường, du lịch trải nghiệm nghề nông, du lịch học tập tham gia quân ngũ, du lịch thiền...; ứng dụng công nghệ trong khai thác du lịch; có cơ chế chính sách khuyến khích dành cho các doanh nghiệp du lịch sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp với các sản phẩm du lịch độc đáo; thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội thảo hoặc phát động các cuộc thi phát triển du lịch sáng tạo trên toàn quốc…
Phát triển du lịch sáng tạo ở Việt Nam chính là một trong những giải pháp mà ở đó tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và con người được du khách trân trọng và làm cho phong phú, đặc sắc hơn.