Vài năm gần đây, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với chợ nổi thu hút khá đông khách du lịch trong và ngoài nước tham gia. Mặc dù giao thông đường bộ khá phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ loại hình du lịch này, vì vậy ghe tàu vẫn là phương tiện được nhiều khách du lịch ưu tiên chọn lựa.
Chứng kiến nhiều chuyến thuyền, ghe, đò chở khách đi tham quan, du ngoạn trên sông nước Cửu Long, tôi luôn cảm thấy bất an, lo lắng cho sự an toàn tính mạng của các du khách vì đi trên những chiếc ghe, thuyền này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xẩy ra tai nạn giao thông đường thuỷ. Hiện nay, trên các dòng sông lớn như Hậu Giang, Tiền Giang hay những con sông nhỏ tại ĐBSCL đã mọc lên nhiều bến đò đưa khách đi du ngoạn bằng phương tiện ghe, thuyền với đủ màu sắc sặc sỡ, nhưng độ an toàn của phương tiện thì không ai dám chắc. Tàu ghe đều không có biển kiểm soát, chở quá tải; người lái không có bằng điều khiển, khách du lịch không được trang bị bất kỳ phương tiện bảo hộ nào…
Tại bến Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) hằng ngày có đến hàng trăm chiếc thuyền, ghe du lịch thô sơ đang nằm neo đậu chờ khách. Khách du lịch khi đến bến lập tức bị “đội xế” thuyền bao vây, lôi kéo, kỳ kèo ngã giá rồi “ấn” lên thuyền. Mỗi chuyến đi thăm quan chợ nổi hoặc du ngoạn miệt vườn, du khách thường phải trả cho chủ thuyền từ 250.000-300.000 đồng. Về giá cả thì du khách không phàn nàn, nhưng chuyện bảo đảm an toàn thì nhiều “thượng đế” cũng tỏ ra ái ngại. Dù vậy, họ vẫn chọn lựa phương tiện du lịch gọn nhẹ này.
Trong dịp tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội trái cây miệt vườn, tôi về khu du lịch sinh thái vườn ở xã An Lạc Thôn và qua Nhơn Mỹ (thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) và chứng kiến hàng chục phương tiện đò ngang chở từ 10-12 người khách qua sông Hậu, bất chấp sóng nước hiểm nguy, trong khi đó không một chiếc ghe nào có phao cứu sinh (!). Hay tại điểm du lịch sinh thái kết hợp với chợ nổi Phụng Hiệp (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), mỗi ngày có gần chục chuyến tàu chở khách du lịch trong tình trạng quá tải- nước mấp mé mạn thuyền, vậy mà cả chủ lẫn khách vẫn vô tư nói cười rổn rảng...
Ông Nguyễn Công Danh, Thanh Tra Giao thông tỉnh Sóc Trăng cho biết: Việc kiểm tra xử lý hàng ngàn phương tiện gần như bị “thả nổi” vì lực lượng quá mỏng. Trong khi đó, việc chấp hành các quy định an toàn giao thông đường thủy của chủ phương tiện lại quá kém, kể cả các doanh nghiệp lữ hành được tổ chức tour, tuyến đàng hoàng. Thực trạng giao thông đường thủy hỗn độn, bát nháo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Hiện nay vẫn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu.
Du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp thăm quan chợ nổi là thế mạnh đặc thù của vùng sông nước Cửu Long, nhưng để đảm bảo an toàn cho du khách, cần phải quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện chở khách nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho khách du lịch.
Nguồn : báo DT&PT