Vào năm mới, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã công bố chỉ tiêu 2011: đón từ 5,3-5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 30 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập từ du lịch đạt 110.000 tỉ đồng, ước chiếm 4,6% GDP.
|
Bãi biển trên hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo nhìn từ ngọn hải đăng |
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2010 ta đã đón 5 triệu lượt khách quốc tế và 28 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, du khách quay lại chỉ chiếm 15%, trong khi tỉ lệ này của khu vực là 30% (nguồn: Tổng cục Du lịch).
Cần nhưng chưa đủ
Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác quảng cáo, tiếp thị, phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng hơn thị trường khách nội địa.
So với các nước trong khu vực, chúng ta cũng có đầy đủ biển xanh, cát trắng, nắng vàng, hệ động thực vật phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, có nền văn minh lâu đời. Ta lại có tình hình chính trị ổn định, còn ẩm thực không thua kém ai (“second to none”, như lời nhà báo Đan Mạch Judith Betak). Tuy nhiên, đây chỉ là những điều kiện cần nhưng chưa đủ để Việt Nam trở thành một nước mạnh về du lịch.
Cái thiếu và yếu nhất của ngành du lịch Việt Nam là chưa có được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và lâu dài giữa các cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị tham gia khai thác du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ, gìn giữ môi trường du lịch hầu kéo du khách trở lại và cạnh tranh với các nước khác. Nỗ lực của ngành du lịch những năm qua mới chỉ dừng ở mức thu hút.
Không chỉ “đánh” vào tính hiếu kỳ
Slogan mới được chọn “Sự khác biệt Á Đông” cũng bộc lộ quan điểm của ngành du lịch Việt Nam là “đánh” vào tính hiếu kỳ của du khách. Nhưng nếu du khách lựa chọn một điểm đến chỉ vì hiếu kỳ sẽ ít có chuyện trở lại, trừ phi đó là một đất nước rộng lớn với thật nhiều di tích, thắng cảnh, không thể tìm hiểu hết trong một chuyến du lịch ngắn ngủi.
Hơn thế nữa, nếu làm du lịch mà bị chi phối bởi tư tưởng “khách đến rồi đi” thì dễ sinh lơ là với chất lượng phục vụ.
Về phát triển du lịch thời gian tới, lãnh đạo tổng cục nói nhiều đến trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch, ý thức văn minh nơi công cộng, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội... Nhưng không thấy đề cập biện pháp cụ thể hoặc trách nhiệm thực hiện.
Một thí dụ điển hình cách làm kiểu phong trào là chuyện bình chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Tuy rất rầm rộ thời gian đầu nhưng giờ chẳng mấy người biết vịnh Hạ Long đang đứng thứ mấy, cũng chẳng thấy ai nói gì về các biện pháp bảo vệ kỳ quan này!
Hiện Việt Nam đang có hai địa điểm được các tạp chí chuyên về du lịch uy tín như Lonely Planet, Condé Nast Traveller đánh giá rất cao là Phú Quốc và Côn Đảo do thiên nhiên còn giữ được vẻ hoang sơ, môi trường không ô nhiễm, người địa phương thật thà, chân chất...
Tuy nhiên, với sự phát triển ào ạt và nặng tính tự phát của ngành du lịch hiện nay, thật không dám chắc Phú Quốc và Côn Đảo còn giữ được vẻ hoang sơ bao lâu nữa.
Ngành du lịch Việt Nam có thể ví như một con chim hải âu cánh dài, muốn bay lên phải có đủ không gian sải cánh. Không gian ở đây không chỉ là những chiến dịch quảng cáo, tiếp thị rầm rộ tại nước ngoài mà ở ý thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn những gì được thừa hưởng từ thiên nhiên, cha ông... để phát triển và sinh lợi từ đó.
Nguồn : Tuổi Trẻ