Di tích đền đá Canh Sơn, thuộc địa phận thôn Vân Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng là một trong Ngũ Linh Từ (năm ngôi đền thiêng) của huyện Tiên Lãng. Đền thờ hai vị thành hoàng: Kinh Sơn và Trí Minh đã có công phò giúp vua Hùng Duệ Vương.
Đền đá Canh Sơn quay hướng Tây. Đền tọa lạc trên một khu đất
cao, rộng 2.900 m2, phía trước có đầm Bì rộng lớn, nơi có 5 nguồn nước đổ về,
xung quanh đền là khu đồng đất có một số đường đống mang hình bút nghiên, ấn kiếm,
phía sau đền là đường Sơn Đôi cao dần về phía Đông.
Trong cùng khuôn viên, ngay phía sau đền có chùa Vân Quang,
tạo thành cụm di tích tôn giáo - tín ngưỡng địa phương.
Đền Canh Sơn được nhân dân biết đến là một di tích độc đáo
và đặc sắc với kiến trúc hoàn toàn bằng đá và đặt lộ thiên không mái che. Nghi
môn đền được gọi là “Vọng vân đài”, kiểu vọng lâu hai tầng. Tầng dưới có cửa kiểu
vòm cuốn. Tầng trên là nơi các thầy Pháp thực hành các nghi lễ cầu mưa (đảo vũ)
hoặc tế thiên. Vọng lâu kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Qua nghi môn là sân đền,
đăng đối qua trục thần đạo đặt hai tượng voi chầu bằng đá.
Đền chính có kiến trúc lộ thiên, được xây dựng hoàn toàn bằng
đá theo tam cấp. Cấp trên cùng, cao nhất, thờ thần Kinh Sơn Linh ứng Đại vương;
cấp giữa thờ Bản cảnh Trí Minh Đại vương; ngoài cùng là ban thờ Công Đồng. Các
cấp đều có Long lầu, mâm bồng, bát hương, chân đèn. Tất cả các đồ thờ tự bằng
đá đều đặt trên mặt những phiến đá lớn, thứ tự thành 2 lớp trong và ngoài theo
các khung cửa võng đá. Cửa võng phía trên đề chữ Hán, chạm đôi rồng chầu mặt trời,
rồng chầu hổ phù, kết hợp hài hòa với hoa dây, vân mây cách điệu.
Theo Ngọc phả của Đền, thần tích của nhị vị thần:
Xưa nước Việt mở vận
ở phương Nam, sông núi phân theo địa phận sao Chẩn, sao Dực, Trung Hoa phân
phong thẳng theo địa phận sao Đẩu, sao Ngưu. Từ Kinh Dương Vương của triều Hùng
thừa mệnh vua cha phân phong làm tông chủ đế vương của nước Việt Nam ta. Ngài
thấy Hoan Châu là nơi thắng địa, cho xây dựng kinh đô, thấy núi Nghĩa Lĩnh hình
thế tốt, cho trùng tu miếu điện. Ngôi vua truyền đến đời thứ hai xưng Lạc Long
Quân, lấy con gái vua ở hồ Động Đình, định cư ở núi Nghĩa Lĩnh. Trên đỉnh núi
có mây lành ngũ sắc sán lạn, thế là bà
Âu Cơ mang thai. Đủ kỳ sinh một bọc trăm trứng, nở ra điềm tốt trăm người
con trai, đều người anh hùng nổi tiếng ở đời, đức độ hơn người. Khi trưởng
thành vua mới phong hầu, lập phên giậu, chia trọng nước làm 15 bộ. Bấy giờ Lạc
Long Quân bảo với bà Âu Cơ rằng:“ Ta là
giống rồng, nàng là giống tiên, tuy khí âm dương ngũ hành hợp lại mà sinh con
nhưng môn loại không cùng, thuỷ hoả xung khắc, không thể chung hợp với nhau”.
Nhân vì thế mà từ biệt, mới chia 50 người con theo cha về miền
biển làm thuỷ thần, chia nhau cai trị các đầu sông góc biển; 50 người con theo
mẹ về miền rừng làm son thần, chia nhau cai trị các đỉnh núi sườn non. Lại hẹn
ước với nhau nếu có sự cố thì báo nhau đến tương trợ, không được bỏ nhau. Vì vậy
trong suốt triều Hùng có bách thần sông núi thường hay ủng hiện, đầu thai vào
người nhà làm con để giúp nước cứu dân, nhà nào có phúc tất sẽ được gặp.
Lại nói: đương thời vào đời vua Hùng thứ mười tám, tương
truyền ngôi vua trao cho Duệ Vương, đóng đô ở sông Bạch Hạc Việt Trì, đặt quốc
hiệu là Văn Lang, đặt tên kinh đô là Phong Châu. Duệ Vương là người đại lược
hùng tài, tư chất như thánh triết, thừa hưởng cơ đồ thịnh trị do tổ tông bồi đắp
qua mười bảy đời. Bên trong tu luyện người tài đức, bên ngoài củng cố biên
cương, để chí chấn hưng giúp đất nước thanh bình.
Đương vào thời gian đó, tại đất Vân Sơn huyện Thượng Hiền phủ
Nghĩa Hưng đạo Sơn Nam Hạ có gia đình họ Đào, tên huý là Phức, vợ là Nguyễn Thị
Thuần, gia cảnh bần bách, lấy đánh cá làm nghiệp sống nhưng hay làm việc thiện.
Việc thiện dù nhỏ cũng làm, còn việc ác dù mảy may cũng không làm. Nửa điểm hại
người không can dự, một hào lợi lộc chẳng vun vén.cho bản thân. Nhân dân địa
phương thường khen ngợi gia đình ông là một nhà làm việc thiện, tất sẽ hưởng
phúc lớn.
Một hôm vợ chồng đánh cá ở một con sông nhỏ, bắt được hai
mươi hốt vàng, ngày ngày sinh nhai, dần dần trở nên sung túc. Thế là từ nghề
đánh cá trở thành một ông nhà giàu nhưng năm ông họ Đào đã 50 tuổi còn bà họ
Nguyễn ngoài 40 mà chỉ sinh được mấy người con gái, còn con trai vẫn hiếm muộn.
Nhân vì thế ông không vui, thường than vãn rằng:“ Vàng có chất thành núi, thóc
có lấp đầy biển đều xem nhẹ như cỏ rác, chỉ có con hiếu cháu hiền mới quý như
vàng ngọc”.
Thế là ông bà phân phát hết của cải trong nhà giúp nghèo cứu
khổ, lại thấy nơi nào có danh sơn thắng cảnh hoặc có động thiêng đền thiêng đều
bỏ của cải sửa sang và tìm đến cầu đảo.
Một hôm ông bà nghe tin ở phủ Quốc Oai đạo Sơn Tây có chùa
Sài Sơn cực kỳ linh ứng, cầu gì được ấy, nguyện được như ý, liền chuẩn bị một chiếc
thuyền cùng hai người chèo lái, mang đầy đủ lễ vật tiền hương, theo dòng chảy
mà đến cửa sông Hát, tìm đến núi Sài, thấy nơi đây núi cao chót vót, khí tượng
muôn hình, linh thiêng khôn đoán, thực là nơi cảnh đẹp nhất nước Nam. Đêm hôm ấy
ông bà vào chùa làm lễ cầu đảo, thắp hương khấn rằng: Thần ở nơi trần thế, tiền
tài như dải mây trôi, chỉ nghĩ đường con cái còn muộn mằn, những mong trời đất
quỷ thần hiển ứng soi xét mà ban phúc, khiến vợ chồng thần được đội ơn, muôn phần
nhờ sự giúp đỡ của trời đất thần linh”.
Đêm hôm ấy vợ chồng ông nằm ngủ trong động, đến cuối canh ba
mông lung ngủ thiếp đi, mộng thấy một ông già thân thể dị kỳ, hình dạng kỳ
quái, tự xưng là quan Sơn thần, bảo rằng:“ Nhà ngươi là người đức hậu, trời đã
thấu tỏ, sau này sẽ cho con trai, ắt sẽ toại nguyện, không phải lo lắng gì nữa”.
Nói xong, ông già biến mất. Trong chốc lát, vợ chồng ông tỉnh dậy mới biết là mộng
nhưng còn bán tín bán nghi. Hôm sau vợ chồng làm lễ bái tạ, xuống thuyền trở về
đến địa phận trang Vân Đôi huyện Tiên Minh phủ Nam Sách trấn Hải Dương, bỗng thấy
trời đất mịt mù, gió mưa nổi lên dữ dội, sóng nước dâng lên cuồn cuộn, vợ chồng
kinh sợ chạy lên bờ ẩn trú trong một ngôi miếu.
Một lúc sau bỗng thấy một dải hào quang từ giữa miếu bay ra,
rồi vây bọc lấy người bà họ Nguyễn. Bà họ Nguyễn kinh sợ, ngã xuống đất nằm mê
man tự mộng, mộng thấy một người con trai y mạo chỉnh tề, hình thể đẹp lạ, tử
trong miếu đi ra, tự xưng là quan Sơn thần, bảo rằng:“ Thần phụng mệnh thiên
đình xin đầu thai vào bà làm con”. Người đó nói xong liền biến mất. Bà họ Nguyễn
sợ hãi tỉnh dậy mới biết đây là mộng, liền kể lại với ông. Ông bảo:“ Đây tất là
điềm lành”. Vợ chồng ông liền làm lễ bái tạ, xuống thuyền trở về nhà mình.
Từ đó bà họ Nguyễn mang thai, đến ngày 12 tháng 11 năm Giáp
Thìn, sinh một người con trai thiên tư dĩnh dị, thể mạo khác thường, ông biết
đây là thần nhân xuất thế nên rất yêu quý con, mới đặt tên là Thượng. Năm lên
ba tuổi biết nói, biết lễ nghĩa, năm lên bảy tuổi bắt đầu đi học. Thiên tư cao
mại, lực học tinh thông, an tường sử tử, thành thạo võ nghệ. Đến năm 22 tuổi,
than ôi, sự biến khôn lường, họa vô đơn chí, cả cha và mẹ của ông Thượng cùng mất.
Ông khóc thảm sầu, thế không làm sao được, đành chọn thế đất quý làm lễ an
táng, đèn nhang thờ phụng tại gia đường theo nghi thức.
Sau ba năm mãn tang cũng là lúc Bộ chủ Ai Lao, họ Thục, tên
Phán, vốn là tông phái nhà Hùng, cai quản ở Ai Lao, đổi thành họ Thục, đến lúc
này nghe tin từ xa thấy Duệ Vương hưởng tuổi thọ của trời đã nhiều, 20 hoàng tử
đều về tiên bồng tuyệt tích, không có người kế dõi, sắp nhường ngôi cho con rể
là Sơn Thánh, liền thừa thế phát động chiến tranh, cầu viện các nước láng giềng,
chỉnh đốn đem 100 vạn quân tinh nhuệ, 3000 ngựa chiến, phân làm 5 đạo, thuỷ bộ
cùng tiến. Thanh thế trong quân rầm rộ, thư từ biên cương báo tin địch sang xâm
phạm gửi gấp về triều, khiến vua rất lo lắng.
Vua mới triệu Sơn Thánh hỏi kế đánh giặc, Sơn Thánh tâu rằng:“
Hơn trăm năm nay vua là bậc thánh hiền, ân trạch của sáu bảy đời vua trước thấm
vào cốt tuỷ người dân, còn nay nước giàu binh mạnh, uy đức của bệ hạ lẫy lừng hải
ngoại, lại có lòng trời giúp đỡ, ban cho nhiều vị anh tài như ông Thượng, như
bách thần sông núi, thường xuất thế giúp nước. Nay cơ sự như thế thần xin bệ hạ
triệu ông Thượng đến rồi trao quan tước, cho ông mang quân tiến hành tuần tiễu
trước tại các đạo để gây thanh thế trong quân mà đề phòng bất trắc, còn thần tự
nguyện thay vua lo phần nặng nhọc, tự chọn tướng tài, quân Thục không quá mười
ngày sẽ bị đánh tan!”.
Vua nghe xong, rất vui mừng, lập tức cho triệu ông Thượng đến
hỏi kế đánh giặc. Vua thấy ông Thượng trả lời trôi chảy, cho thi văn võ cũng đều
thấy tài. Vua cho đây là người giỏi nhất trong nước, lập tức thăng cho ông chức
Điện tiền đô chỉ huy sứ Đại tướng quân, mang quân tiến hành tuần phòng trước ở
hai lộ Đông và Bắc. Bấy giờ ông bái tạ vua nhận quan tước, lĩnh quân thuỷ bộ đường
hoàng mà tiến.
Một hôm ông cho quân tiến đến trang Vân Đôi huyện Tiên Minh
phủ Nam Sách trấn Hải Dương thì cho hội họp quân nghỉ tại một ngôi miếu. Đến đầu
canh hai đêm hôm ấy ông thấy một ông già từ trong miếu đi ra, bảo rằng:“ Thần
vâng chiếu của thiên đình làm thần Bản cảnh, vị hiệu của thần là Hiển liệt, ngự
trị tại miếu, nay biết tin Tướng quân cầm quân đánh giặc đến địa phận nơi này
nên thần muốn đến yết kiến, xin âm phù cho ngài đánh giặc lập công, về sau hiển
vị thì cùng được tế tự”. Ông già nói xong liền biến mất.
Hôm sau ông triệu phụ lão trong trang đến hỏi nguyên cớ cho
được tường tận. Phụ lão mới tâu rằng:“ Trong trang từ trước đến nay phụng thờ một
vị Thượng đẳng thần, vốn rất linh ứng nhưng trước đây 20 năm có đôi vợ chồng đến
trú ở miếu này thì từ đó đến nay không thấy linh nghiệm nữa”. Ông cười rồi bảo:
Đó chính là cha mẹ ta nên ta mang quân đến trú ở đây”.
Đương lúc bấy giờ nhân dân trong trang rất sợ hãi, mới làm lễ
xin làm thần tử cho ông, ông bảo:“ Sau khi ta trăm tuổi, trang các ngươi là nơi
có hậu, ta coi đó làm trọng nên ta di mệnh mãi mãi về sau trang nơi này phụng
thờ ta”. Ông truyền quân sĩ thiết yết tiệc, mời nhân dân gia thần trong trang đến
ăn uống. Trong lúc hưởng yến bỗng thấy sứ giả mang chiếu thư đến sai ông mang
quân đánh giặc.
Ngay lập tức ông phụng mệnh theo chiếu thư, lựa chọn hơn 20
người cường tráng trong trang làm gia thần tôi tớ, cho quân tiến thẳng đến đồn
giặc ở núi Sóc đạo Kinh Bắc. Khi đến nơi, ông hội họp quân sĩ dưới chân núi bàn
kế sách tiến công quân Thục.
Bỗng thấy quân Thục trùng trùng lớp lớp kéo đến, bốn mặt
vang tiếng quân địch hò reo. Quân của ông chưa kịp mặc áo giáp, chưa kịp đóng
yên ngựa, lập tức đánh để giải vây. Triều đình không biết tin nên không cho
quân đến cứu viện.
Ông ôm đầu ngẩng lên trời ngầm khấn rằng:“ Ta là Tướng quân
mà chết ở đây chăng? Mong lòng trời hãy tương trợ âm phù giúp ta đánh giặc”.
Trong chốc lát, trời đất tối tăm, gió mưa ào ào, quân Thục đại bại, chém được
chính tướng của địch, tịch thu lương thực và ngựa của chúng nhiều vô số.
Từ đó thiên hạ thanh bình, vua ban chiếu triệu hồi, ông phụng
mệnh cho quân trở về triều, mở yến tiệc lớn ăn mừng thắng trận, gia phong cho
tướng sĩ theo thứ tự công lao khác nhau.
Ông phụng mệnh theo chiếu trở về đến miếu của trang Vân Đôi,
mở yến tiệc khao quân sĩ nhân dân và gia thần, bảo với phụ lão nhân dân rằng: “
Ta phá được quân Thục là do lòng trời giúp đỡ, thần linh phù trợ, ta từ đây được
hiển danh. Phàm việc tế tự thì cung thỉnh vị thần Bản cảnh với thần hiệu như thế
để phối hưởng với ta. Ta ban cho dân 5 hốt vàng để về sau tu sửa đồ tế khí”.
Nói xong, bỗng trời đất tối đen, mây mù nổi lên bốn phía, thấy
một dải mây vàng như hình dải lụa từ trời giáng thẳng xuống trước miếu. Ông
theo dải mây vàng bay lên không trung, nhập vào núi Sài, không thấy ông đâu, tức
ông đã hoá (hôm ấy là ngày 15 tháng 5).
Đương lúc ấy nhân dân và quân sĩ ai cũng hoảng sợ, mới làm lễ,
dâng biểu tâu lên triều. Vua biết tin, sai bề tôi trở về làm lễ. Lễ xong, sai sứ
mang sắc phong ban tặng cho ông là Thượng đẳng thần. Gia tặng mỹ tự cho ông là
Tĩnh trấn Trịnh ninh Quảng hậu Tú ngưng Chiêu dụ Thượng đẳng Tôn thần. Tặng
phong cho vị Bản cảnh mỹ tự là Trung túc Anh nghị Trí minh Hiển liệt Ngưng hưu
Trung đẳng thần. Cùng đất nước hưởng niềm vui, giữ làm thường lệ. Chuẩn cho
trang Vân Đội rước mỹ tự trở về trong dân, tu sửa miếu vũ lấy làm nơi thờ tự.
Đều rất linh ứng hiển hiện, do vậy trải các đời đế vương thường
ban sắc, gia phong mỹ tự cho hai vị Đại vương.
Trải đến thời Trần Thái Tông, giặc Nguyên sang xâm lược nước
ta, kinh thành bị chúng vây hãm, Trần Quốc Tuấn phụng mệnh vua đi cầu đảo bách
thần ở các ngôi đền thiêng. Khi đến ngôi đền thờ hai vị cũng thấy hiển ứng linh
phủ, nên ông được phong là Chiêu dụ Đại vương, còn vị Bản cảnh được phong là
Khoan hoằng Uy liệt Hiển hựu Trợ thuận Đại vương.
Đến thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh Liễu Thăng nhà Minh, khi
thu phục được đất nước, vua gia phong mỹ tự cho hai vị là Phổ tế Cương nghị Anh
linh Đại vương. Ban sắc cho trang Vân Đôi tu sửa miếu điện để phụng thờ hai vị.
Tốt đẹp thay!
Phụng khai ngày sinh, ngày hoá, các tiệc, tên huý phải cấm sẽ
kê dưới đây. Ngày sinh thần: 12 tháng 11, lấy làm lệ chính. Lễ dùng trên có mâm
chay, dưới có lợn đen, xôi, rượu, bánh dầy, mở các trò đánh cờ, đấu vật.
Ngày hoá của thần: 15 tháng 5, lấy làm lệ chính. Lễ vật dùng
như ngày sinh của thần. Cấm không ca hát.
Tên huý phải cấm, gồm chữ Thượng. Chuẩn cho trang Vân Đôi phụng
thờ.
Ngày tốt tháng 1 niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572).
Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, bề tôi là Nguyễn Bính phụng
mệnh soạn
bản chính.
Ngày tốt tháng 8 niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) triều Lê.
Nội các Bộ Lại tuân mệnh sao lại theo bản chính.
Ngày 13 tháng 12 niên hiệu Khải Định thứ 8 (1923) triều Nguyễn,
sao lại theo bản cũ. Do bản cũ lưu tại đền Hùng Vương ở xã Cổ Tích tỉnh Phú Thọ.
Đền Canh Sơn đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng là di
tích lịch sử văn hoá cấp thành phố theo Quyết định số 2260/QĐ-UBNDngày
19/9/2003.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng