Thu hút du khách từ các thị trường ngoài Trung Quốc, kích cầu du lịch nội địa là giải pháp được các công ty nhắm tới để phục hồi.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt với hơn 20 năm hoạt động lữ hành, nhìn nhóm hướng dẫn viên (HDV) đang ngồi ở văn phòng và nói, gần như tất cả HDV của công ty hiện ngồi ở đây, một số về nhà thăm gia đình trong kỳ nghỉ phép bù.
"Chưa bao giờ xảy ra tình trạng này. Các HDV được điều động qua làm mới danh sách khách hàng, tham gia huấn luyện nhân sự; số khác chuyển làm nhân viên kinh doanh, xây dựng lại tour tuyến mới... Đây là thời điểm tốt nhất để chúng tôi tái cơ cấu hoạt động của công ty, xác định lại thị trường trọng điểm và nguồn khách", ông Mỹ nói.
Du khách phương Tây đang chọn mua đồ lưu niệm ở Bưu điện TP HCM. Ảnh: Tâm Linh.
Các doanh nghiệp lữ hành khác cũng đang tất bật như công ty ông Mỹ, bởi với họ, trong cái rủi ảnh hưởng của Covid-19 cũng có cái may, khi đây là cơ hội tốt để cả ngành du lịch tái cơ cấu thị trường và làm mới điểm đến, nhất là tái cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam (inbound).
Nhiều năm qua, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường khách Trung Quốc, luôn chiếm 25 - 30% tổng lượng khách quốc tế. Các địa phương cũng phụ thuộc vào một hay hai thị trường cụ thể, không đa dạng như Nha Trang, Đà Nẵng phụ thuộc vào lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc; Mũi Né chiếm phần đông là khách Nga. Do đó, khi xảy ra khủng hoảng, các điểm đến này hoàn toàn vắng bóng du khách.
"Làm du lịch nếu phụ thuộc vào vài thị trường thì mức độ rủi ro rất cao. Cho nên, tái cơ cấu thị trường khách nguồn là việc phải làm", ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc công ty du lịch Hi Travel chuyên làm tour inbound, nhấn mạnh.
Ngành du lịch cần tăng cường thu hút khách từ Nga, Đông Âu, Australia, New Zealand, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ; duy trì và mở rộng thị trường Tây và Bắc Âu, theo đại diện Tổng cục Du lịch.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour cho biết, công ty đang tập trung vào nguồn khách đến từ châu Âu, Mỹ, Australia và khách MICE (hội nghị, hội thảo, khen thưởng) nội địa. Việc này sẽ được đẩy mạnh khi công ty tham dự hội chợ Du lịch quốc tế ITB diễn ra ở Đức từ ngày 4 đến 8/3. "Tùy tình hình thực tế của dịch bệnh, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và đối tác liên quan để thiết kế sản phẩm với điểm đến mới, thời gian phù hợp và đảm bảo an toàn cho du khách", ông Dũng nói.
Đoàn du khách Ba Lan do Lữ hành Fiditour tổ chức đang tham quan tour "Biệt động Sài Gòn". Đây là một tour mới. Ảnh: Đỗ Quyên.
Khi tái cơ cấu thị trường, ông Dương Thanh Tùng - Giảng viên khoa du lịch, Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng phải thay đổi cả công tác xúc tiến, quảng bá. "Mỗi thị trường khách, nhu cầu khác nhau. Hiện nay, chúng ta đang triển khai theo kiểu 'dùng một ngư cụ để đánh bắt xa bờ' với tất cả thị trường. Nội tại cũng phải đáp ứng nhu cầu, dịch vụ cho từng đối tượng khách mà chúng ta mời vào", ông Tùng nói.
Nhiều công ty lữ hành cùng quan điểm khi cho rằng, để cơ cấu lại thị trường khách, ngành du lịch cần đề xuất Chính phủ tạo điều kiện trong việc gia hạn, nới lỏng, đơn giản thủ tục thị thực cho thị trường các nước châu Âu, các thị trường tiềm năng; đẩy mạnh triển khai cấp thị thực tại cửa khẩu... để chuẩn bị thu hút khách quốc tế trong giai đoạn khó khăn hậu Covid-19.
Covid-19 khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 50 - 60% và kết thúc quý I/2020, lượng khách quốc tế có thể giảm gần một triệu lượt so với khi không có dịch bệnh xảy ra, theo Tổng cục thống kê. Ngành du lịch có thể thiệt hại 5 - 7 tỷ USD.
Cùng với việc đa dạng nguồn khách đến, theo các hãng lữ hành, ngành du lịch Việt Nam cần thúc đẩy lượng khách nội địa đi du lịch trong nước. Tổng cục Du lịch ước tính, tỷ lệ người Việt đi du lịch trong nước giảm mạnh trong thời gian dịch bệnh với khoảng 50 - 70% do "tâm lý vết dầu loang". Nhiều tour, tuyến du lịch bị hủy, ảnh hưởng đến các ngành liên quan như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, bán lẻ...
Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) đề xuất ngành du lịch cần có các chính sách ưu đãi cho thị trường khách nội địa, từ đó, kích cầu người dân đi du lịch trong nước. Bởi đây sẽ là nguồn khách chính, vực dậy ngành du lịch trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Đồng quan điểm, ông Lê Hòa Hiệp nói thời gian tới các khách sạn, hãng hàng không, điểm vui chơi, giải trí cùng các công ty lữ hành cần liên kết để xây dựng một gói kích cầu chung. "Chúng ta phải có sản phẩm kích cầu, giảm giá tour, để thu hút người dân đi du lịch trong nước. Đây cũng là sản phẩm để cạnh tranh với thị trường outbound (khách trong nước đi nước ngoài). Để làm được điều đó, mọi lĩnh vực của ngành du lịch cần chung tay đóng góp giảm mỗi doanh nghiệp một ít, sẽ có giá tour cạnh tranh", ông Hiệp nói thêm.
Hiện tại, công ty của ông Hiệp có 7 đoàn khách (khoảng 400 người) đã đăng ký tour đi Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore nhưng đổi lịch trình để đi chơi trong nước. Điểm đến là miền Trung, miền Bắc và Tây Nguyên vì "thấy an tâm hơn".
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM vừa gửi kiến nghị lên Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam để mong các cơ quan này đề xuất với Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể, kiến nghị miễn, giảm 50% thuế VAT; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế đất phần không xây dựng trong khu du lịch; kéo dài thời gian ân hạn và giảm lãi suất ngân hàng; miễn thị thực cho các thị trường như Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Hà Lan, Bỉ...
Nguyễn Nam