Thực
tế này đòi hỏi ngành công nghiệp không khói Việt Nam cần có chiến lược
và giải pháp phát triển du lịch xanh, đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu của
du khách sau đại dịch.
Thời gian qua, du lịch Việt Nam đã đạt
được những bước tiến dài cả về lượng khách và doanh thu của thị trường
quốc tế cũng như nội địa; song sự tăng trưởng du lịch mạnh mẽ đang gây
ra những áp lực không nhỏ tới cảnh quan, văn hóa, nhất là tại những điểm
đến có sự phát triển “nóng”.
Với đặc thù khai thác chủ yếu dựa
trên nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn sẵn có, du lịch Việt Nam muốn
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, không cách nào khác cần
phát triển theo hướng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Đây
cũng chính là “chìa khóa” để phát triển du lịch bền vững. Theo Báo cáo
của Ủy ban châu Âu về hành vi tiêu dùng của du khách được thực hiện năm
2020, có tới 82% số dân Liên minh châu Âu (EU) cho biết có thể thay đổi
thói quen để bảo đảm tính bền vững của du lịch; 48% sẵn sàng giảm rác
thải khi đi du lịch; thậm chí chấp nhận trả thêm phí để bảo vệ môi
trường thiên nhiên (35%) hoặc để mang lại lợi ích cho cộng đồng địa
phương (33%).
Báo cáo điều tra xã hội học đối với các doanh
nghiệp du lịch tại Việt Nam về mức độ sẵn sàng của khách du lịch quốc tế
trong phát triển du lịch bền vững được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên
cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) thực hiện gần đây
cũng cho thấy: 76% sẵn sàng giảm rác thải trong kỳ nghỉ; 62% sẵn sàng
tiêu thụ sản phẩm địa phương; 45% sẵn sàng sử dụng phương tiện di chuyển
ít tác động đến môi trường; 45% chọn thời gian nghỉ ngoài mùa cao điểm;
38% sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng địa phương; 31% sẵn sàng lựa chọn điểm
đến ít phổ biến hơn; 28% chọn giảm sử dụng nước trong kỳ nghỉ.
Ngày
càng có nhiều du khách quốc tế quan tâm và lựa chọn những hoạt động du
lịch ngoài trời tại Việt Nam như: Đi bộ, leo núi, bơi lội..., qua đó,
vừa được thưởng thức thiên nhiên, vừa được nâng cao sức khỏe, góp phần
giảm những tác động có hại đến tài nguyên thiên nhiên.
Trên thực
tế, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững không chỉ phổ biến trong cộng
đồng khách quốc tế mà đang dần trở thành thói quen của du khách Việt
Nam. Theo khảo sát của nền tảng Booking.com, có tới 88% số du khách nội
địa cho hay dịch Covid-19 đã thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền
vững.
Dù có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, nhưng du khách sẵn
sàng bỏ thêm chi phí để giảm những ảnh hưởng có hại đến thiên nhiên, di
sản văn hóa địa phương. Không chỉ tìm kiếm các tour du lịch thân thiện
với thiên nhiên, du khách còn tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường
tại điểm đến và ủng hộ các dự án du lịch bền vững.
Tất cả đánh
dấu bước tiến tích cực trong việc hình thành xu hướng du lịch xanh tại
Việt Nam, mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người, đồng
thời giúp ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững, tạo ra những
trải nghiệm tốt hơn, sâu sắc hơn cho cả du khách và điểm đến.
Những
năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát
triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. “Du lịch và đầu tư
xanh” được chọn là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 đã nhấn
mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch xanh để hướng tới
phát triển bền vững. Tại Việt Nam, đón đầu xu hướng này, nhiều địa
phương, điểm đến đã tiên phong phát triển du lịch xanh.
Tiêu
biểu phải nói tới Hội An (Quảng Nam) - điểm đến từ rất sớm đã kêu gọi
cộng đồng, du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Tháng 9/2023,
Hội An chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa”. Thành
phố này phấn đấu mỗi năm giảm từ 13-15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025
không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần.
Gần đây, huyện
đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cũng đã áp dụng thí điểm quy định du khách không
mang chai nhựa, túi ni-lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi
đi du lịch... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch
cũng đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm
nước, chú ý đến các hoạt động tái chế nhằm giảm rác thải nhựa...
Một
số tour du lịch xanh tiêu biểu đã được hình thành, thu hút đông đảo du
khách trong và ngoài nước, như tour chèo thuyền vớt rác ở Hội An; tour
thám hiểm hang động tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); tour xem rùa đẻ
trứng ở Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo...
Nối tiếp Năm Du lịch quốc gia
2022 “Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh”, Năm Du lịch quốc gia 2023 với
chủ đề: “Bình Thuận-Hội tụ xanh” đã tiếp tục khẳng định nỗ lực cũng như
quan điểm nhất quán của Việt Nam trong phát triển du lịch theo hướng
xanh, bền vững.
Tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Thủ
tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hai nhóm
nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch
theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “Ưu tiên phát triển các loại
hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch
cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo
gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm
các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh”.
Chiến
lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định phát
triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng
tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu
phát triển bền vững.
Chiến lược đưa ra nhiều giải pháp như: Ứng
dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng
cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu
quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở
dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm
tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi
trường và giảm phát thải khí nhà kính...
Để nâng cao hiệu quả
phát triển du lịch xanh, các chuyên gia cho rằng bên cạnh đẩy mạnh
truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, du khách
về du lịch có trách nhiệm, Việt Nam nên tập trung phát triển một số
dòng sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên được du khách quan tâm nhiều
sau đại dịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc
sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Đây đều là
những loại hình du lịch thân thiện, đem lại nhiều giá trị trải nghiệm
cho du khách. Theo bà Phạm Thị Hải Yến (Trường đại học Văn hóa Hà Nội),
Việt Nam cần có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án phát triển du
lịch xanh; đồng thời ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ
sử dụng năng lượng thay thế; triển khai công nghệ “3R”
(Reduce-Reuse-Recycle, tức là Tiết giảm-Tái sử dụng-Tái chế) trong hoạt
động phát triển du lịch…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Quốc
Chung, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Vidotour tại Hà Nội khẳng định:
Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt và tận dụng xu thế lựa chọn du lịch
xanh của du khách để hài hòa mâu thuẫn lâu nay giữa phát triển du lịch
và bảo vệ môi trường sinh thái cộng đồng.
Thay vì chỉ đến tham
quan, du khách hiện nay có xu hướng muốn hòa nhập vào cộng đồng, được
trò chuyện, học hỏi, chia sẻ với người dân địa phương, cùng tham gia các
lễ hội, học nấu các món ăn, thực hành nghề thủ công truyền thống...
Bằng cách này, họ vừa trực tiếp đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư bản
địa, vừa góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa địa phương.
Vì
thế, phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững cần đặc biệt quan tâm
đến việc tạo ra những trải nghiệm, tương tác đáng nhớ cho du khách với
cộng đồng địa phương, bởi đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần phát
triển du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội...