Laodong - Tình trạng tự do hành nghề, “hợp thì làm không thì nghỉ” của hướng dẫn viên (HDV) du lịch hiện nay là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành trong buổi toạ đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức vừa qua.
Hướng dẫn viên du lịch tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn
5 năm không hành nghề sẽ
bị thu thẻ
Việc quản lý đội ngũ
17.000 HDV đang hành nghề trên cả nước hiện nay được các DN lữ hành đánh giá là
còn khá lỏng lẻo, không có sự ràng buộc cụ thể nào, gây ảnh hưởng lớn đến
thương hiệu của các Cty du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung.
Ông Nguyễn Hồng Đài -
TGĐ APT Travel thẳng thắn cho rằng, vì chưa có ràng buộc nên nhiều HDV còn thiếu
ý thức, hành xử chưa chuyên nghiệp, phát ngôn bừa bãi, phông nền kiến thức lẫn
ngoại ngữ yếu kém.
Mặt khác, các HDV đa phần
là cộng tác viên, vì vậy việc tự ý lôi kéo nguồn khách về mình khiến Cty du lịch
biết nhưng… không làm gì được.
“Tôi hoàn toàn nhất trí
với dự thảo Luật cho những điều kiện hành nghề của HDV quốc tế và nội địa. Điều
kiện hành nghề dành cho HDV phải có hợp đồng lao động với một Cty lữ hành, DN
có HDV và tổ chức xã hội nghề nghiệp về HDV phải chịu trách nhiệm quản lý, bồi
dưỡng nghiệp vụ và xử lý vi phạm của hướng dẫn…” - ông Đài nói.
Để tránh tình trạng HDV
vi phạm ở Cty này vẫn đàng hoàng nộp hồ sơ đầu quân về một Cty khác, ông Phan Đức
Mẫn - Chủ tịch Cty CP Lữ hành quốc tế Kim Liên kiến nghị, đối với HDV vi phạm
hoặc 5 năm không hành nghề liên tục sẽ bị thu thẻ, có như thế mới đảm bảo điều
kiện môi trường quản lý, hoạt động, rèn luyện của HDV.
Đưa vào khuôn khổ - quá
khó!
HDV góp phần quan trọng
trong việc xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách quốc tế khi đến VN, vì thế
những đánh giá chưa tốt về HDV nhiều năm qua là thực trạng đáng buồn đối với
ngành du lịch VN. Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN Vũ Thế Bình cho biết, Luật
Du lịch dự kiến sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 19.6 tới, sẽ siết
chặt việc quản lý HDV du lịch.
Ông Bình đánh giá, “Hiệp
hội Du lịch VN đứng trước nhiệm vụ khó khăn khi phải quản lý quá nhiều HDV, thậm
chí có những người gần 20 năm vẫn quen hoạt động tự do nên để đưa họ vào khuôn
khổ nhất định là một vấn đề không đơn giản”.
Chưa kể tình trạng “sao
đổi ngôi” khi xuất hiện người ngoại quốc đến VN làm thuyết minh ở những điểm di
tích lịch sử, di sản văn hoá tại các địa phương cho du khách quốc tế, còn HDV
người Việt lại hoá “bình phong” thực hiện mọi thủ tục pháp lý liên quan khác
làm không ít người trong cuộc phải ngỡ ngàng.
Mới đây, Phó Thủ tướng
Vũ Đức Đam vừa giao Bộ VHTTDL hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý hoạt
động HDV du lịch trên địa bàn, nhất là việc sử dụng nhân viên theo phương thức
hỗ trợ ngôn ngữ, tình nguyện viên... cùng tham gia hướng dẫn cho khách du lịch
ngoại quốc. Đây là một việc làm được cho là thiết thực và cấp bách nhằm bảo đảm
các quy định của pháp luật, đồng thời giải quyết thực trạng thiếu hụt HDV du lịch
biết ngoại ngữ.
Mai Châu