Süddeutsche Zeitung - một tờ báo hàng đầu của Đức - đã có bài viết cho rằng Hạ Long cần những con tàu an toàn hơn là chuyện thống nhất một màu sơn trắng. Những người có trách nhiệm nói gì về bài viết này?
|
Những chiếc tàu đã được “khoác áo mới” ở Hạ Long - Ảnh: CTV |
Thời hạn mà UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải sơn trắng trước ngày 30-4 đã gần kề. Và chuyện nên sơn màu trắng tinh khiết hay làm những việc khác để tăng độ an toàn cho tàu, cũng trở thành nội dung chính của một bài viết dài gần 800 chữ của tác giả Peter Münder trên tờ nhật báo lớn nhất nước Đức, Süddeutsche Zeitung, ngày 15-4.
"Dư luận ngờ rằng động thái sơn trắng toàn bộ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long là nhằm xoa dịu những lo ngại của cộng đồng khách du lịch nước ngoài. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích. Có khoảng 6 triệu lượt khách đến nước này vào năm 2011. Và gần như rất ít người bỏ qua vịnh Hạ Long đẹp như tranh, một trong những tiêu điểm du lịch nổi tiếng thế giới, với các con tàu dáng vẻ cổ điển và những cánh buồm vải góp phần làm nên khung cảnh ấn tượng của vịnh“."
Peter Münder |
Trong hai ngày 20 và 21-4, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở GTVT, Sở VH-TT&DL cùng ban quản lý vịnh Hạ Long, Phòng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp kiểm tra tiến độ sơn các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Đây là đợt kiểm tra thứ hai trước thời hạn cuối cùng (30-4-2012) toàn bộ gần 500 tàu du lịch phải sơn trắng.
“Cưỡng bức”
Ông Ngô Quang Đạo, chủ một tàu du lịch ở vịnh Hạ Long, cho biết: “Những tàu nào không sơn trong đợt kiểm tra cuối cùng này sẽ bị dừng hoạt động. Vì thế đến hôm nay, hầu như 100% số tàu đã được sơn trắng”. Phải tự bỏ tiền sơn tàu dù đã tích cực phản đối quyết định và chủ trương của ngành VH-TT&DL và GTVT, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cho rằng họ đang bị “cưỡng bức” chứ không phải đồng thuận để thay đổi màu vỏ tàu. Chiều 20-4, mang tàu đến cảng Bãi Cháy để đoàn liên ngành kiểm tra cho việc sơn trắng, ông Đạo nói: “Đây không phải là việc tôi muốn làm nhưng đã có quyết định của các ban ngành rồi nên đành chịu”.
Giám đốc một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại vịnh Hạ Long cũng cho rằng nguyên nhân để các doanh nghiệp phản đối quyết định sơn trắng của tỉnh là bởi các tàu gỗ hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long từ trước đến nay đều được đóng bằng gỗ, có màu cánh gián, nay thay đổi màu sơn không chỉ khiến doanh nghiệp tốn kém tiền bạc mà còn mất đi màu sắc truyền thống vốn gắn liền với những con tàu du lịch Hạ Long.
Xác nhận thông tin về những chiếc tàu du lịch đã được mặc “đồng phục trắng”, ông Nguyễn Văn Khái, phó giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa vịnh Hạ Long, cho biết đến thời điểm này, gần như toàn bộ tàu du lịch đã được sơn. Tại ngay cảng tàu, công văn số 958 của Sở GTVT được dán trên tường cũng thể hiện: Từ ngày 1-4-2012 các tàu thuộc diện phải sơn, nếu chưa sơn hoặc sơn chưa đảm bảo yêu cầu, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cho dừng hoạt động, đến khi sơn xong đạt yêu cầu mới được tiếp tục hoạt động. Từ ngày 1-5-2012, chỉ các tàu sơn trắng đạt yêu cầu mới được hoạt động vận chuyển khách tham quan, nghỉ lưu trú trên vịnh Hạ Long.
|
Những chiếc tàu đã “mặc áo mới” - Ảnh: Quang Minh |
“Trắng, ngả xám rồi xỉn đen”
Đó là một trong ba tiêu đề chính mà bài báo Đức đề cập.
“Sơn trắng có phải là mô hình mới nhằm nâng cấp thành tàu du lịch hạng sang không?” - bài báo viết. “Không, hoàn toàn không phải thế - Chuong, một hướng dẫn viên cười và nói - Ở đây chúng tôi vẫn đang tự hỏi quy định này có thật ổn không. Màu trắng thật ra rất khó nhận thấy trong sương mù ở vịnh, và nếu nói đến độ an toàn lẫn sự thoải mái thì màu sơn chẳng liên quan gì” - anh Chuong nói thêm. Còn ông Phạm Văn Hòa, giám đốc Công ty tàu Bài Thơ, khẳng định: “Sơn trắng có lẽ hợp với các tàu chở khách cỡ lớn vỏ thép hơn, chứ không hợp với các tàu du lịch đóng bằng gỗ đã quét sơn bóng như của chúng tôi, chẳng mấy chốc màu trắng lại xỉn đen thôi”.
|
Những hình ảnh này nay chỉ còn là ký ức - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
“Một số vụ tai nạn bi thảm đã xảy ra với những con tàu. Vào tháng 2-2011, một tàu ngủ đêm
chìm trên vịnh khiến 12 du khách nước ngoài thiệt mạng trong lúc ngủ say, hơn chục người khác thoát chết, trong đó có một người Đức. Ba tháng sau, một chiếc tàu khác đang neo tại khu vực hang Sửng Sốt cách đảo Titốp khoảng 300m, bị chìm nhưng toàn bộ khách trên tàu gồm có tám khách Pháp và một số khách VN đã được cứu sống.
Một số vụ tai nạn tương tự xảy ra trước đó cho thấy có nhiều tàu du lịch đã quá hạn sử dụng, không còn hoạt động ổn định. Đây có phải là lý do cho ra đời quyết định yêu cầu các doanh nghiệp, chủ tàu sơn trắng toàn bộ tàu trước ngày 30-4-2012?” - tác giả Peter Münder đặt câu hỏi khi nhắc lại lập luận của UBND tỉnh Quảng Ninh trên tờ nhật báo Vietnam News cho rằng “khách du lịch chuộng màu trắng và màu sơn mới cũng sẽ đem lại diện mạo mới cho du lịch Hạ Long”.
“Theo quy định sơn trắng này, ước có khoảng 500 tàu du lịch phải thực hiện, ngốn khoảng 2.000 USD mỗi tàu, chưa kể không thể kinh doanh trong ba tháng, bị phản đối quyết liệt. Dư luận trên mạng chê cười lãnh đạo tỉnh không biết làm gì khác ngoài việc phá hỏng màu sắc truyền thống và chẳng hề nâng cao sự an toàn cho du khách đi tàu. Chưa kể tỉnh Quảng Ninh đã tăng gấp đôi giá vé tham quan vịnh Hạ Long từ tháng 12-2011”. Và bài báo khẳng định: “Trong suốt các cuộc tranh luận về nội dung sơn trắng toàn bộ tàu du lịch Hạ Long, khía cạnh an toàn không hề được đặt ra”!
Trả lời Tuổi Trẻ về nội dung bài viết đăng trên báo Đức, bà Vũ Thị Thu Thủy, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phủ nhận mình đã trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn nước ngoài, còn về vấn đề an toàn cho các tàu du lịch mà bài báo khẳng định, bà Thủy không bình luận. Ông Nguyễn Minh Bạch, giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, cũng từ chối bình luận về những gì báo chí nước ngoài đăng tải. |
An toàn là trên hết
Người Đức đi du lịch nhiều nhất trên thế giới, vì vậy tất cả tờ báo lớn nhỏ ở Đức đều có chuyên mục, chuyên trang du lịch. Vài năm gần đây, Việt Nam trở thành xu hướng du lịch tại Đức nên báo chí, truyền hình Đức cũng liên tục giới thiệu các danh lam thắng cảnh tại đất nước này. Mức độ an toàn, an ninh và sự thoải mái cho khách du lịch thường được họ đặt lên hàng đầu, vì thế các vụ tai nạn tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đều được đưa tin, viết bài tìm hiểu nguyên nhân.
Rất đông người Đức chọn cách du lịch cá nhân không theo đoàn, các con tàu du lịch bị đắm ở Hạ Long đều là những chuyến du lịch dành cho khách đi lẻ đến Việt Nam, mua tour với giá rẻ từ Hà Nội, vì thế vấn đề an toàn trên những con tàu này cũng khiến họ quan tâm.
Khách mua tour trọn gói, đi theo đoàn được thăm vịnh trên những chuyến tàu tốt, đảm bảo an toàn và đặt trước hàng tháng. Trong khi đó khách lẻ chi khoảng 900.000 đồng cho một tour ngủ đêm trên tàu trong hai ngày một đêm, chưa kể còn trích lại hoa hồng cho đại lý du lịch, người môi giới, cuối cùng công ty lữ hành tổ chức tour và nhà tàu chẳng còn lại là bao. Với giá đó, tất nhiên họ phải cắt giảm chi phí và dùng tàu cũ mới có được chút lãi. Vậy chẳng lẽ để có khách chúng ta chỉ có một cách là giảm giá tới đáy và không thể đưa ra dịch vụ tốt cho khách? Chỉ những người kinh doanh thiếu hiểu biết mới dùng cách giảm giá hết mức để thu hút khách trong lĩnh vực dịch vụ.
Ở thị trấn Portofino ven biển Địa Trung Hải tại Ý, các nhà dân bắt buộc phải sơn đúng như màu cũ ngôi nhà để giữ gìn truyền thống từ hàng trăm năm vốn là làng chài - mỗi nhà sơn một màu khác nhau để ngư phủ nhận ra nhà mình ngay từ ngoài biển mà trở về. Những tàu thuyền tại Địa Trung Hải không hề có quy định nào bắt buộc phải sơn như nhau và an toàn vẫn luôn được họ đặt trên hết.
Quy định sơn trắng vỏ tàu du lịch Hạ Long mà không hỗ trợ kinh phí cho các chủ tàu vì thế cho thấy sự quản lý áp đặt, không thật sự quan tâm tới lợi ích của doanh nghiệp. Chưa kể tình trạng lơi lỏng để các tàu cũ nát tiếp tục kinh doanh chở khách thăm vịnh và chưa có các lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nhân sự làm việc trên tàu. |
Nguồn : Tuoitre