Nhiều địa phương trên cả nước dừng hoạt động bắn pháo hoa, lễ hội Tết, sự kiện kích cầu du lịch để tránh tập trung đông người, phòng chống Covid-19.
Ngày 30/1, tại Hà Nội, Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm tạm dừng chương trình "Chợ Tết quê em". Chương trình dự kiến tổ chức tại khu vực cổng làng Mông Phụ, với nhiều hoạt động cho du khách như gói bánh chưng, làm kẹo, chơi các trò chơi dân gian...
Trước đó vào tối 29/1, UBND quận Hoàn Kiếm không tổ chức lễ khai mạc Chợ hoa Tết Hàng Lược. Tuy nhiên hoạt động chợ hoa và không gian phố bích họa Phùng Hưng vẫn diễn ra.
Chợ Tết được tổ chức trên các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Rươi, Hàng Khoai, Phùng Hưng. Ảnh: Lan Hương
Ngày 29/1, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra công văn yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu không tổ chức bắn pháo hoa chào mừng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên toàn địa phương.
Cùng ngày, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản yêu cầu tạm dừng các lễ hội quy mô lớn như Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu, lễ hội Đền Ngự Dội...
Từ 0h ngày 29/1, UBND tỉnh Bắc Ninh dừng các hoạt động vui chơi, giải trí gồm dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Mọi hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, thể thao đông người bị hủy.
Trước đó, tỉnh Sơn La quyết định dừng giải chạy marathon quốc tế Mộc Châu 2021, dự kiến khai mạc ngày 30/1. Địa phương đã thông báo đến 4.300 vận động viên đăng ký. Mọi hoạt động vui chơi, giải trí khác được dừng hoặc tổ chức nhưng hạn chế người tham dự.
Cuộc thi chạy đường mòn Vietnam Trail Marathon 2020 (VTM 2020) diễn ra vào mùa hoa mận khoe sắc trên những thung lũng ở Mộc Châu. Ảnh: Kiều Dương
Tại Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu "dừng tất cả lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng". Đơn vị này cũng lùi thời gian tổ chức đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ATK Hiệp Hòa. Các nghi lễ tôn giao, hoạt động tập trung từ 50 người trở lên tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự đều bị dừng.
Sở khuyến cáo người dân giảm quy mô, đơn giản lễ nghi, thủ tục cưới, tang. Người dân được vận động hạn chế đến tụ điểm karaoke, quán bar, xông hơi, massage, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, ca nhạc phòng trà; sân bóng đá, sân golf, hồ bơi, phòng tập gym, yoga, erobic, khiêu vũ, phòng sân tập, câu lạc bộ thể thao các loại; khu điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh...
Tỉnh Cao Bằng đã hoãn tổ chức các sự kiện văn hóa tại phố đi bộ Kim Đồng (TP Cao Bằng) từ tối 28/1. Các hoạt động bị hủy gồm triển lãm, thể thao, văn nghệ, trình diễn trang phục, hội thi hát dân ca...
Tại Đà Nẵng, ban tổ chức tạm dừng sự kiện Toom Sara Fest - Chợ Tình, dự kiến tổ chức ngày 14 - 16/2, tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa Cơ Tu, đồng thời tạo ra sinh kế cho người dân từ chính những giá trị truyền thống.
Trước đó, UBND huyện Hòa Vang gửi văn bản dừng Lễ hội Tết Việt xuân Tân Sửu 2021, dự kiến tổ chức ngày 5 - 7/2. Đây là lễ hội quảng bá hình ảnh quê hương đất nước, không gian văn hóa truyền thống của dân tộc, nhằm thu hút du khách tới Hòa Vang trải nghiệm Tết cổ truyền, tham quan, mua sắm...
Ngoài ra, một số chương trình tại Bảo tàng Đà Nẵng như: Phiên chợ ngày Tết 2021, Chợ phiên đồ xưa Đà thành và lễ khai mạc Triển lãm tiền Việt Nam qua các thời kỳ ngày 30-31/1 cũng dừng tổ chức.
Trong khi đó, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam dừng hoạt động phố đi bộ và xe không động cơ tại khu vực phố cổ từ ngày 4/2. Ngày 30/1, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thông báo tạm dừng Hội An show, chương trình biểu diễn thực cảnh diễn ra vào mỗi tối thứ 7 tại phố cổ. Đây là một trong những hoạt động của dự án "Thức giấc Hội An", do chính quyền thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp tổ chức, nhằm thu hút du khách, phục hồi du lịch.
Các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao trên 30 người ở Khánh Hòa phải dừng từ 0h ngày 30/1 để phòng chống Covid-19. Những sự kiện cần thiết tổ chức, người tham dự phải đeo khẩu trang, rửa tay nước sát khuẩn và giữ khoảng cách đúng quy định. Sở ngành phải kích hoạt hệ thống phòng chống dịch.
UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị vẫn tiến hành các sự kiện, lễ hội đã được duyệt nhưng bảo đảm tuyệt đối biện pháp chống dịch. Trước đó, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM báo cáo về một số sự kiện văn hóa diễn ra thời gian tới và đề xuất hướng xử lý từng trường hợp.
Cụ thể, theo kế hoạch tối nay diễn ra nhạc hội Đờn ca tài tử chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII. Sự kiện này dự kiến làm hai đêm 30-31/1, hiện công tác chuẩn bị đã đầy đủ, nhưng sở đề xuất chỉ tổ chức đêm 30/1 để phòng dịch. Tiếp đó, ngày 2/2 thành phố khai mạc triển lãm Mừng xuân mừng Đảng. Trong kế hoạch, ban tổ chức có mời lãnh đạo TP HCM và các đại biểu. Sở Văn hoá - Thể thao đề xuất vẫn tổ chức bình thường nhưng không làm khai mạc.
Lễ hội Tết Việt Tân Sửu 2021 khai mạc vào ngày 27/1 tại Nhà văn hóa Thanh Niên, thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: Thanh Hằng
Sở Văn hoá - Thể thao cũng xin ý kiến lãnh đạo UBND TP HCM về việc có nên diễu hành xe tuyên truyền cổ động về ngày thành lập Đảng, 24 quận huyện cùng tham gia, vào sáng 3/2; tổ chức lễ hội chợ hoa "Trên bến dưới thuyền" ở quận 8, dự kiến khai mạc tối 6/2 (25 tháng Chạp).
Ngoài ra, để mừng Tết Nguyên đán, trước đó UBND TP HCM đã duyệt kế hoạch tổ chức loạt lễ hội, sự kiện như: Đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, Hội hoa xuân ở Công viên Tao Đàn, bắn pháo hoa, chiếu sáng 3D, Ngày hội bánh tét...
Lan Hương