Đây
là một trong nhiều khuyến nghị được Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại
Việt Nam (EuroCham) nêu lên trong cuốn Sách Trắng năm 2023, với chủ đề
“Hướng tới Kinh tế xanh và Phát triển bền vững”.
EuroCham nhận
định, chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những đòn bẩy có tác
động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế. Sau đại dịch, nhiều quốc
gia đang nghiên cứu phương án mở rộng phạm vi miễn thị thực. Điều này sẽ
giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và gia tăng
dòng khách du lịch quốc tế, từ đó tăng thu ngoại tệ và tạo thêm nhiều
việc làm.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Chỉ số Năng lực Phát triển Du lịch
của Việt Nam năm 2019 tăng cao nhất trên toàn cầu, từ vị trí thứ 116
trong số 136 nền kinh tế vào năm 2017 lên thứ 52 trong số 117 nền kinh
tế vào năm 20218. Tuy nhiên, ngành du lịch và lữ hành Việt Nam cần cố
gắng nhiều hơn nữa để cạnh tranh với các nước ASEAN khác như Thái Lan
(thứ 36), Singapore (thứ 9) và Indonesia (thứ 32).
Bắt đầu từ
ngày 15/3/2022, Việt Nam đã cho phép miễn xét nghiệm Covid-19 khi nhập
cảnh và tiếp tục thực hiện chính sách miễn thị thực như trước đại dịch
cho công dân từ 25 quốc gia, trong đó có 8 quốc gia châu Âu.
Theo
EuroCham, chính sách hiện tại yêu cầu phải có thị thực trước khi khởi
hành/thị thực nhập cảnh/thị thực điện tử là nghiêm ngặt, cùng với thời
gian và chi phí phát sinh từ thủ tục này, đang cản trở Khách du lịch tự
túc (FIT) từ châu Âu, vốn là tệp khách hàng chi tiêu cao.
EuroCham
cũng cho rằng, Việt Nam cần xem xét là việc đa dạng hóa thị trường du
lịch trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Do
đó, danh sách các quốc gia được miễn thị thực cần được mở rộng hơn nữa
để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và hoàn thành vai trò là một ngành
mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam.
“Theo quan điểm của chúng
tôi, cấp thị thực du lịch 3 tháng cho khách du lịch từ châu Âu muốn đi
nghỉ dài, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ mùa đông của châu Âu, sẽ giúp thu
hút nhiều du khách có mức chi tiêu cao”, EuroCham nhận định.
EuroCham
cho hay, thị thực du lịch dài ngày (3 tháng) thường được sử dụng bởi
những người đã nghỉ hưu có kinh phí và thời gian để lưu trú lâu hơn bình
thường.
Khi so sánh với các quốc gia ASEAN khác, Việt Nam hiện
đang ít hơn về số quốc gia được miễn thị thực khi mới chỉ thực hiện miễn
cho 25 quốc gia. Hơn nữa, thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của
Việt Nam (15 ngày) cũng ngắn hơn nhiều so với thời hạn được cấp cho
khách du lịch ở các nước khác trong ASEAN (thường là 30 ngày trở lên).
Thí
dụ, hiện Thái Lan đã tăng thời hạn lưu trú lên 45 ngày đối với khách du
lịch từ các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn thị thực, và 30 ngày đối
với những khách du lịch đủ điều kiện xin Thị thực Nhập cảnh (VOA) để
kích thích mùa du lịch cao điểm sắp tới. Điều này đã thúc đẩy sự gia
tăng đáng kể lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan trong ba tháng
tiếp theo.
EuroCham chỉ rõ: “Điều này (thời gian miễn thị thực
ngắn) không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách mà còn gây khó
khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế kế hoạch du lịch”.
Báo
cáo từ các đại lý lữ hành cho thấy du khách châu Âu sau đại dịch đi du
lịch ít hơn, nhưng ở lại lâu hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Các
chuyến bay thẳng đường dài từ châu Âu có thời gian trung bình là 12 giờ
và thường phải bay qua đêm.
Trên thực tế, điều này làm giảm thời
gian miễn thị thực ở Việt Nam xuống chỉ còn 13 ngày, trong khi du khách
châu Âu có xu hướng lưu trú dài ngày và chi một khoản tiền đáng kể
trong các chuyến đi đến Việt Nam. Các kế hoạch du lịch này hiện đang bị
rút ngắn để phù hợp với thời hạn eo hẹp 15 ngày.
Từ thực tế đó, EuroCham “đặc biệt khuyến khích tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày”.
Chỉ ra những yếu tố thách thức trong vấn đề thị thực khi so sánh lợi thế
cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các quốc gia trong ASEAN, EuroCham
đưa ra 4 khuyến nghị: (1) Mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị
cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và kéo dài thời hạn miễn
thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày; (2) Kéo dài thời hạn chương trình miễn
thị thực được công bố với thời hạn chương trình miễn thị thực mới trong
5 năm; (3) Cấp thị thực du lịch ba tháng cho những du khách châu Âu
muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài ngày để thu hút thị trường cao cấp với
mức chi tiêu cao; (4) Miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số tình
huống nhất định, đặc biệt là để hỗ trợ các diễn đàn, triển lãm và sự
kiện thể thao.
Tại lễ công bố Sách trắng 2023 hôm 16/2 vừa qua, EuroCham cũng cho
biết thêm, Hiệp hội đã báo cáo với Chính phủ về việc hành vi du lịch của
du khách đã thay đổi do đại dịch: Đi du lịch ít hơn nhưng dành thời
gian lâu hơn ở một điểm đến.
"Chúng tôi đánh giá cao dự thảo
quyết định gần đây của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng thời hạn miễn
thị thực cho khách du lịch nước ngoài từ 15 lên 30 ngày và chúng tôi hy
vọng quyết định này sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất. Mặt
khác, chúng tôi khuyến nghị chính phủ Việt Nam xem xét cấp miễn thị thực
3 tháng hoặc 6 tháng cho những người châu Âu thượng lưu muốn có kỳ nghỉ
dài ngày tại Việt Nam", đại diện của Tiểu ban Du lịch và Nhà hàng khách
sạn EuroCham khuyến nghị.