Festival Huế 2010 đã chính thức khai mạc vào ngày 5/6/2010 bằng một chương trình nghệ thuật ấn tượng mang chủ đề “Tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam và cuộc hội ngộ cố đô 5 châu lục trên Thế giới”. Đây là hoạt động trong chương trình Quốc gia hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 50 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn.
Đậm đà bản sắc dân tộc, tính cộng đồng cao
Festival được diễn ra từ ngày 5-13/6/2010, Festival Huế 2010 đang diễn ra nhiều chương trình lễ hội quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng. Nội dung tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival Huế trước đây như: Lễ hội Nam Giao, “Đêm hoàng cung” (đêm 5, 8 và 11/6), “Huyền thoại sông Hương” (chiều 6 và 12/6) “Đêm Phương Đông”, chương trình Vẻ đẹp Việt II với tên gọi “Đồng Vọng Sông Ngân”. Nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và sự kiện chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long làm thủ phủ có các lễ hội mới được tái hiện bằng sân khấu hóa như “Hành trình mở cõi”, tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời Nguyễn”.
Lễ sắp đặt, trình diễn và hành trình 1.000 con diều Huế từ Cố đô Huế ra Thăng Long – Hà Nội, trình diễn tại làng Sen quê Bác và cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Lễ hội áo dài năm nay tiếp tục được tổ chức tối 8/6 nhưng diễn ra tại cửa Thượng Tứ với tên gọi “Vọng thiên niên”, hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trung tâm Đại Nội là hạt nhân của Festival Huế lần này với 5 sân khấu ngoài trời và một số các địa điểm trong nhà. Không gian diễn xướng chính thức được mở rộng ở các khu vực: Hồ Tịnh Tâm, Cung An Định, Quảng trường Ngọ Môn, bờ nam sông Hương, các khu vực ngoại thành.
Không chỉ diễn ra ở TP.Huế, Festival Huế 2010 còn mở rộng ở khắp các địa phương của tỉnh như Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền và 2 huyện miền núi A Lưới, Nam Đông. Tại các điểm này, sẽ có một số chương trình nghệ thuật của các đoàn trong và ngoài nước biểu diễn. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức sẽ kết hợp các tuor du lịch sinh thái, cộng đồng đến các điểm trên.
Các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật đều mang tính cộng đồng. Các cuộc triển lãm mỹ thuật – nhiếp ảnh của Hội Văn học Nghệ thuật các địa phương trong nước: “Từ Cố đô đến Cố đô”, Trưng bày Sắc phong và sách cổ. Các hoạt động thể dục thể thao, Giải quần vợt đồng đội toàn quốc, lễ hội Diều, Hội vật võ dân tộc, biểu diễn cờ người, ngày hội ẩm thực “món chay xứ Huế” sẽ là những hoạt động thu hút công chúng, du khách trong và ngoài nước.
Festival Huế 2010 có sự tham gia của 20 đoàn nghệ thuật trong nước tham dự: các đơn vị nghệ thuật Trung ương, các nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Bông Sen, Đoàn Ca múa An Giang, Đăk Lăk, Phú Yên, Đà Nẵng, Nhà hát Ca kịch Huế...; các nhóm nghệ thuật từ ba địa phương kết nghĩa: Hà Nội – Huế - TP.HCM. Đoàn Nghệ thuật dân tộc Lào Cai sẽ trình diễn chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hồn núi”, giới thiệu những vũ khúc tưng bừng, những tiếng khèn, tiếng sáo dìu dặt của người Mông, hòa cùng điệu nhảy thăng hoa của người Dao đỏ cùng điệu xòe của người Hà Nhì... Đoàn Ca múa nhạc Đăk Lăk với chương trình “Cội nguồn – Khát vọng”, hứa hẹn mang lại cho người xem những tiết mục ấn tượng, độc đáo, đậm chất núi rừng Tây Nguyên trù phú. Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển (Phú Yên) với những điệu hát bài chòi, điệu lý, câu hò trữ tình, tái hiện những đêm trăng thanh bình nơi đồng nội. Đặc biệt, đoàn còn giới thiệu những tiết mục hòa tấu đàn đá, kèn đá (có niên đại trên 3.000 năm được tìm thấy tại Phú Yên).
Tổng đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, ngoài việc gìn giữ, khai thác giới thiệu các yếu tố văn hóa đậm đặc bản sắc, các chương trình được kết hợp với những sáng tạo mới lạ để các yếu tố truyền thống được song hành cùng hiện đại, bản sắc dân tộc được nổi bật trong giao lưu quốc tế; góp phần tôn vinh vẻ đẹp tiềm ẩn của văn hóa Huế nói riêng, của cuộc “Hành trình mở cõi” và “Thống nhất non sông” gần 10 thế kỷ của dân tộc Việt Nam nói chung
Giao lưu và hội nhập quốc tế
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2010 cho biết: “Điểm mới của Festival Huế 2010 là có 48 đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sỹ đến từ 27 quốc gia ở cả 5 châu lục, bao gồm: Pháp (đối tác chính), Achentina, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc... với 550 nghệ sĩ. Trong đó, có nhiều quốc gia lần đầu tiên tham dự: Cuba, Haiti, Senegal, Đan Mạch, Na Uy, Ba Lan, Mexico, Mông Cổ. Nhiều loại hình nghệ thuật phong phú và hấp dẫn gồm: ca múa nhạc, xiếc, sân khấu, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, rối, điện ảnh, triển lãm... Các đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ có những chương trình biểu diễn tại các sân khấu ngoài phạm vi thành phố.
Chương trình nhạc điện tử kết hợp với nghệ thuật video của nhạc sỹ nổi tiếng thế giới Darrin Verhagen đến từ Melbourne, giới thiệu những thương hiệu rượu vang nổi tiếng nhất của vùng Nam Australia. Nước Nga xinh đẹp có 2 đoàn nghệ thuật tham gia: Đoàn ca múa nhạc dân gian Zvontsy sẽ biểu diễn tiết mục “Đám cưới Nga”, cùng một số tiết mục, trò chơi vui nhộn. Nhóm múa Raduga - Divertisment & Flamingo với chương trình nghệ thuật “Tình yêu từ nước Nga”, những điệu múa ballet cổ điển, những điệu nhảy dân gian, hiện đại xen lẫn các tiết mục múa, nhào lộn hấp dẫn.
Festival Huế 2010 là dịp tôn vinh các giá trị truyền thống trên nền tảng cuộc sống hiện đại.
Lễ hội 'Huyền thoại sông Hương' 2008
Nguồn : Báo DT&PT