Việc giá vé máy bay tăng cao cũng là một thách thức lớn trong việc phát triển du lịch nội địa. Nỗi lo lớn nhất là lượng khách nội địa sẽ sụt giảm khi sắp vào mùa du lịch và doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc “ôm” vé giá rẻ như mọi năm.
Ngày 20/3, tại họp báo về Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM 2024, sẽ diễn ra từ 11-14/4 tại Hà Nội, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay, năm 2024 ngành du lịch tập trung thu hút khách quốc tế, tuy nhiên không thể bỏ qua thị trường nội địa. Việc giá vé máy bay tăng cao cũng là một thách thức lớn trong việc phát triển du lịch nội địa.
Không khuyến khích du lịch giá rẻ
Trước đây, các đơn vị lữ hành thường chào bán tour du lịch nội địa giảm giá 10-20%, thậm chí 30-50% trong thời gian diễn ra hội chợ. Ví như, một tour đi Mỹ giá từ 100-120 triệu cho hành trình 15 ngày có công ty giảm còn 70-80 triệu đồng, từ đó thu hút và kéo khách đến hội chợ. Nhưng việc giảm giá này, theo ông Bình, là khó kéo dài.
“Dù có ý kiến hô hào, tiếp tục tung ra các tour kích cầu, giá rẻ nhưng trên thực tế Hiệp hội và các doanh nghiệp không ủng hộ. Ban tổ chức không đặt nặng vấn đề về khuyến mại, giảm giá sản phẩm, dịch vụ và sẽ tập trung cho các hoạt động hướng tới thu hút khách quốc tế và cung cấp các sản phẩm, du lịch cho người Việt đi du lịch nước ngoài”, ông Bình nói.
Nỗi lo lớn nhất là lượng khách nội địa sẽ sụt giảm khi sắp vào mùa du lịch do giá vé máy bay nội địa tăng cao
Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội du lịch, cho rằng chúng ta không nên tự hào là quốc gia có dịch vụ rẻ nhất mà nên cố gắng để có những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất, hướng tới khách có mức chi tiêu cao.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, hiện nay, rất nhiều người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Đây cũng là đối tượng khách mà ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm, qua đó cung cấp dịch vụ tốt nhất, hỗ trợ người dân trong nước đi du lịch nước ngoài tiếp cận các sản phẩm với chi phí hợp lý nhất. “Nếu kéo tất cả khách chạy theo du lịch giá rẻ sẽ lặp lại tình trạng du lịch 0 đồng mà chúng ta đang cố gắng xóa bỏ”, ông Bình nói.
Các doanh nghiệp lữ hành cho biết giá tour năm nay khó giảm, thậm chí còn tăng là bởi giá vé máy bay khan hiếm, đắt đỏ cũng là một thách thức lớn trong việc phát triển du lịch nội địa. Bởi sau dịch COVID-19 kinh tế còn gặp khó, nếu tiếp tục tăng giá các hãng hàng không sẽ không có khách. Gần đây nhất, việc tăng giá trần vé máy bay gây ảnh hưởng khá lớn đến các đơn vị lữ hành trong việc bán các tour cho dịp lễ 30/4-1/5.
“Mức khuyến mại tùy thuộc các công ty lữ hành, tùy vào thời điểm. Các doanh nghiệp có thể chỉ giảm 20-30% giá tour trong 4-5 ngày hội chợ, sau đó ngừng hẳn”, một doanh nghiệp cho hay.
Đại diện Vietnam Airlines, bà Lê Thị Tố Linh, Phó trưởng phòng Thương mại hành khách, cho hay, hãng sẽ có chương trình giảm giá, cao nhất là 15%, cho khách bay nội địa tham dự trực tiếp tại hội chợ VITM 2024.
Để ưu đãi cho nhóm nhỏ, hãng cũng tung ra 10.000 combo vé khuyến mãi cho khách đi từ 4 người trở lên. Tuy nhiên, việc áp dụng giảm giá này chỉ trong 4 ngày diễn ra tại hội chợ. Đặc biệt, với đường bay nội địa, khách lẻ và các đơn vị doanh nghiệp lữ hành sẽ được hưởng chính sách giá ưu đãi là combo; áp dụng chương trình giá ưu đãi cho nhóm nhỏ 4 khách trong thời điểm thấp điểm vào tháng 9-10.
Với các công ty du lịch, đại diện Vietnam Airlines cho rằng cần có sự hợp tác hai bên. Hãng có giá vé máy bay ưu đãi nhưng du lịch cũng cần đàm phán để có giá landtour tốt, từ đó có giá tour hợp lý cho khách.
Giá tour khó giảm
Lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội cho biết tăng giá vé máy bay đồng nghĩa đẩy chi phí vận chuyển lên tới 50%, thậm chí 70% giá tour trọn gói. Đây là điều bất hợp lý khi khách hàng không được hưởng lợi nhiều so với số tiền phải bỏ ra.
Ông lo ngại, việc giá vé máy bay tăng cao sẽ bằng, thậm chí cao hơn cả giá landtour, khiến tour nội địa ngày càng đắt hơn tour nước ngoài. Các tour nội địa bị ảnh hưởng nặng nhất là từ TP.HCM đi Đà Nẵng/Hà Nội/Quy Nhơn/Tuy Hoà/Phú Quốc,... và tương tự từ đầu Hà Nội tới các điểm đến đó.
“Tour nội địa đi 6 ngày đã gồm vé máy bay chắc chắn sẽ cao hơn tour nước ngoài 6 ngày ở một số nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore…”, vị này khẳng định. Thế nên, lượng khách trong nước đổ đi du lịch nước ngoài là tất yếu, thậm chí tới đây còn tăng nữa.
Bà Vũ Bích Huệ, đại diện truyền thông Flamingo Redtours, cho hay, giá tour Hà Nội - Buôn Ma Thuột tháng 3 khoảng 6,7 triệu đồng (4 ngày 3 đêm) thì sang tháng 4 lên tới 7,1 triệu đồng. Trong khi đó, với số tiền này, khách đi đường bộ được trải nghiệm hai nước Lào - Thái Lan, chi phí hết 7,4 triệu đồng/người cho hành trình 5 ngày. Hoặc chỉ từ 9,44 triệu, khách có thể đi du lịch Trung Quốc (5 ngày)…
“Chúng tôi đang trao đổi với hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ để đưa mức giá tour trọn gói tốt nhất, tương xứng với chất lượng với mức giảm giá dự kiến khoảng 30%”, đại diện Flamingo Redtour.
Thực tế, còn hơn 1 tháng nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, hiện nay các công ty lữ hành đã chào bán tour nội địa. Vé máy bay khan hiếm, giá đắt đỏ nên các doanh nghiệp mở bán tour sớm để giữ chỗ và đo lường sức mua. Ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết, doanh nghiệp đã mở bán tour du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 từ ngay sau Tết Nguyên đán 2024.
Nguyên nhân chính là để đề phòng tình trạng khan hiếm vé máy bay trong dịp cao điểm như những năm trước. Ngoài ra còn để "né" giá vé tăng cao sau khi giá trần đã tăng từ ngày 1/3.
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, giá tour trong thời gian tới sẽ tăng 5 - 7% do giá vé máy bay tăng. Điều này sẽ tác động mạnh đến nhu cầu đi du lịch của người dân. Vì thế, để hút khách, doanh nghiệp lữ hành phải xoay xở, tìm các phương án thích nghi.
Thanh Hoa
Nguồn: VnBusiness