“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Câu ca dao cho thấy ý nghĩa thiêng liêng và gần gũi của ngày giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản văn hóa chung của cả nhân loại.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn kết dân tộc
Với niềm tin thành kính, trong lịch sử
ngàn năm dựng nước và giữ nước, hết thế hệ này qua thế hệ khác, người
Việt ở vùng đất cổ Phong Châu đã không ngừng giữ gìn hương hỏa, thờ
phụng các Vua Hùng và đồng bào cả nước, trong nước và nước ngoài không
nguôi lòng thành kính hướng về đất Tổ. Các nhà nghiên cứu gọi đó là thực
hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện
lòng biết ơn tiên tổ, khởi nguyên của dân tộc. Do ý nghĩa đặc biệt đó,
tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là được đánh giá là một hiện tượng văn
hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan toả sâu rộng và bền vững trong cộng
đồng người Việt.
Có thể nói, giá trị của lòng yêu nước,
tinh thần độc lập dân tộc được khởi nguồn từ sự khai sinh ra nước Văn
Lang của các Vua Hùng, được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối và
khẳng định như trong bài thơ Thần: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành
rành định phận ở sách Trời”, và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các
Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Có nhà thơ viết về non sông gấm vóc với
niềm tự hào, về lòng biết ơn tổ tiên sâu sắc: “Đất là nơi con chim
phượng hoàng bay về hòn núi bạc/ Nước là nơi con cá ngư ông móng nước
biển khơi/ Thời gian đằng đẵng/ Không gian mênh mông/ Đất Nước là nơi
dân mình đoàn tụ/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc
trứng/ Những ai đã khuất, những ai bây giờ/ Yêu nhau và sinh con đẻ cái/
Gánh vác phần người đi trước để lại/ Dặn dò con cháu chuyện mai sau”…
Tác giả cảm nhận đất nước không chỉ là
biên cương, lãnh thổ địa lý mà còn gắn với lịch sử, gắn với huyền sử
lung linh về dòng dõi con Rồng cháu Tiên của dân tộc. Câu truyện cổ “Sự
tích trăm trứng” đã ra đời từ lâu đời nhằm lý giải nguồn gốc của người
Việt. Từ câu chuyện ấy, dân tộc ta tự hào mình là con Rồng cháu Tiên,
con cháu các Vua Hùng. Vì thế, mỗi người dân Việt “Hằng năm ăn đâu, làm
đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”. Câu thơ gợi nhớ câu ca dao “Dù
ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.
Ngày Giỗ Tổ hằng năm ở Đền Hùng, Khu di
tích lịch sử đặc biệt quốc gia ở núi Nghĩa Lĩnh, là biểu hiện cụ thể, cô
đọng nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tín ngưỡng này được các
các triều đại trong lịch sử quan tâm, ghi chép vào sử sách, ban sắc
phong, định lễ nghi, cấp ruộng đất… phục vụ cho việc thờ phụng. Ngày
nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được quy định là ngày Quốc lễ.
Những giá trị bền vững
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khẳng định
người Việt có chung một nguồn gốc riêng biệt, tạo nên niềm tin tâm linh
mạnh mẽ, tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ
cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết
nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm gia đình, làng xã
và dân tộc.
Kính ngưỡng các Vua Hùng cũng chính là ý
thức về cội nguồn dân tộc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, dâu bể thời
gian, ý thức độc lập tự chủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia được các thế hệ
người Việt tiếp nối nhau trao truyền, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng
tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật
trong thang bảng giá trị đạo đức của người Việt.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bắt
nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước, nhất là
các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và vào phương Nam theo dấu chân
của người Việt. Giờ đây, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế
giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.
Hiện nay, theo thống kê, trong cả nước có
1.417 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải
khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng
Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai,
Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng
Vương đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam với
nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt
động văn hóa dân gian. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích
gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Giá trị nhân loại
Ngày 6/12/2012, Ủy ban Liên Chính phủ
thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu
biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của
Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí,
đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức
chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Giá trị của di sản không phải là di tích
Đền Hùng hay hệ thống đền miếu cả nước mà chính là nghi lễ thờ phụng,
thực hành tín ngưỡng với rước kiệu, lễ vật dâng cúng là bánh chưng, bánh
dày tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước, hành hương về nguồn... Sau
phần lễ, đến phần hội cũng rất đặc sắc, đó là thi gói bánh chưng, giã
bánh dày, diễn xướng dân gian, múa rối nước, hát xoan, bơi chải…
Nghi lễ thờ cúng Hùng Vương thể hiện đạo
lý “Uống nước nhớ nguồn” cũng là tinh thần cần khích lệ của cả nhân loại
về lòng biết ơn, về sự tôn trọng đa dạng văn hóa giữa các dân tộc.
Những nghi lễ ấy được đồng bào ta thực
hiện trang trọng, nhuần nhuyễn và bền vững từ thế hệ này sang thế hệ
khác nên UNESCO đánh giá rất cao, theo tiêu chí “thực hành tốt nhất
trong đời sống”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể
hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả dân tộc với những
giá trị khoa học, minh chứng cho sức mạnh lan tỏa của văn hóa Việt Nam,
mang những giá trị riêng có hòa vào giá trị chung của văn hóa thế giới.
Với quyết định của UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ
đã trở thành tài sản văn hoá của nhân loại.
Gìn giữ và phát huy giá trị vô giá của
“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” theo đúng những chuẩn mực truyền thống,
những tinh hoa mà cha ông đã đúc kết, cũng là góp phần gìn giữ di sản
tinh thần cho nhân loại nói chung là vấn đề luôn luôn cần được quan tâm
một cách cẩn trọng và sâu sắc./.
Thái Vũ
Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam