Theo 1 số tài liệu nghiên cứu, gốm Chu Đậu đã đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật từ thế kỷ 14 - 15. Từ đó gốm Chu Đậu tản rộng ra một vùng trong châu thổ đồng bằng Bắc Bộ mà Bát Tràng cho đến nay đã lưu tải được một phần thần thái của gốm Chu Đậu.
Thương hiệu lịch sử
Bị thất truyền và mới chỉ được tìm thấy và khôi phục lại trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Nhưng qua các tài liệu khảo cổ, có thể thấy gốm Chu Đậu là một thương hiệu tồn tại từ cách đây hàng trăm năm và cũng là mặt hàng được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Ở Chu Đậu, niên đại phát triển rực rỡ nhất của gốm là vào thế kỷ thứ 16. Đó cũng là thế kỷ mà mỹ thuật Việt Nam trở về các làng xã, mang hơi thở trực tiếp của đời sống gốm Mạc. Nói một cách cụ thể, gốm Chu Đậu có thể được coi là chìa khóa mở ra niên đại của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 16, đồng thời nó chính là đỉnh cao nhất của nghệ thuật gốm mang tính chất thuần Việt.
Di chỉ Chu Đậu là hình ảnh thu nhỏ và cô đọng những bước phát triển của lịch sử nghệ thuật gốm Việt Nam với những mốc kỹ thuật điển hình: men ngọc, hoa nâu, hoa lam. Gốm men ngọc với mô típ cánh sen khắc chìm là tiêu biểu của thời Lý. Men trắng ngà hay men vàng nhạt điểm trang trí hoa nâu, đôi khi dưới chân còn được bôi nâu của đời Trần.
Những hiện vật gốm cổ được khai quật ở Chu Đậu cho phép ta hình dung rằng nơi đây đã từng tồn tại kỹ thuật chế tác này. Bên cạnh đó, kỹ thuật gốm hoa lam được Chu Đậu phát triển thời kỳ đỉnh cao và chuyển thành nghệ thuật gốm thuần Việt để rồi truyền bá mãi tới sau này và Bát Tràng là một ví dụ tiêu biểu nhất.
Mặt khác, qua các sản phẩm gốm Chu Đậu được tìm thấy ta có thể nhận thấy sự phong phú về mặt hàng gốm sứ từ thời xa xưa. Hàng vạn sản phẩm đã được tìm thấy, hầu hết không còn nguyên vẹn gồm các loại bát, đĩa, ấm, chén, bình âu, lon, chậu, tô, bình vôi, lư hương….
Tiêu biểu nhất có lẽ là chiếc bình gốm hoa lam, men trắng hình củ tỏi cao 54,9 cm, trang trí hoa sen và hoa cúc được vẽ năm 1450 của thế kỷ 15 hiện còn lưu giữ tại bảo tàng Topkapi Saray, thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chiếc bình gốm độc đáo đó xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ là qua con đường giao thương buôn bán từ nhiều thế kỷ trước. Hơn nữa, trên 1 số tác phẩm gốm cũng vẽ lại những hình ảnh các con thuyền giao thương, buôn bán mặt hàng này trên biển. Năm 1993, ở vùng biển phía bắc Cù Lao Chàm, Quảng Nam – Đà Nẵng , người ta cũng đã phát hiện những con tàu đắm mang nhiều sản phẩm gốm Chu Đậu. Hiện nay, rất nhiều hiện vật gốm Chu Đậu cổ đang được trân trọng lưu giữ tại hơn 46 bảo tàng danh tiếng trên thế giới.
Tinh hoa văn hóa Việt
Gặp gỡ chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, một người có nhiều năm tâm huyết với làng gốm Chu Đậu đã giới thiệu những nét đặc sắc của nghệ thuật gốm nơi đây.
Một sản phẩm gốm muốn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật cần đáp ứng được các tiêu chí: Sáng như gương, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông. Và tất cả các tiêu chí đó đều có thể tìm thấy được trong mỗi tác phẩm gốm Chu Đậu.
Qua những sản phẩm gốm tìm thấy được qua các cuộc khai quật và tìm thấy ở làng gốm Chu Đậu và nhiều nơi khác ở cả Việt Nam và thế giới, có thể nhận thấy cách trang trí phong phú từ khắc vạch nổi chìm, vẽ công bút, phóng bút cho đến thần bút điêu luyện.
Xét về họa tiết, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Gốm Chu Đậu là tinh hoa văn hóa Việt Nam".
Trên các tác phẩm người ta đã mô tả đời sống Việt Nam ở họa tiết gốm. Đó là cỏ, cây, hoa, lá, côn trùng…Gốm Chu Đậu còn được coi là gốm đạo, gốm bác học, nó thấm đẫm văn hóa vật chất tâm linh, in đậm những giá trị nhân văn của Phật giáo, Đạo giáo, đạo nhà, đạo nho.
Mỗi sản phẩm gốm được chia làm 3 phần: đầu, thân, gốc. Phần đầu là những chiếc lông chim hoặc lá lúa, nếu để ý có thể thấy rất giống chiếc vương miện của các vua Hùng ngày xưa. Điều đó thể hiện khát khao độc lập, tự cường của dân tộc Việt Nam. Phần thân thể hiện triết lý nho học: sinh, lão, bệnh, tử qua các họa tiết về cây cối như cânh trúc, cành tre hoặc 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.... Chỗ phân cảnh hình sóng nước Bạch Đằng, Bình Than. Phần gốc là những cánh sen được cách điệu…
Ở gốm Chu Đậu, người ta thấy được vẻ đẹp dung dị của người Việt Nam, một bản sắc thuần Việt biểu trưng của nền văn minh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình hoa lam và bình tỳ bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ, tượng trưng cho tín ngưỡng phồng thực âm dương – trời đất – vợ chồng.
Bình tỳ bà mang dáng dấp hình cây đàn tỳ bà, đại diện cho tính ân, đất mẹ, hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, hiền thục, nết na. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương, là chồng, là cha, là trụ cột, nền tảng, chỗ dựa vững chắc cho gia đình và xa hơn nữa là đất trời, vũ trụ. Trên những bình hoa lam được trang trí bằng hoa cúc đại đóa thể hiện cho người chính nhân quân tử.
Với những giá trị về nghệ thuật, có thể khẳng định gốm Chu Đậu là một thương hiệu mang đậm những phẩm chất của con người Việt Nam.
Nguồn : Vnmedia