Hòn Phụ Tử được công nhận là danh lam thắng cảnh Quốc gia năm 1989 và sau sự cố thiên tai năm 2006 làm đổ sập, vấn đề phục dựng đã nhiều lần được đặt ra nhưng rồi để đấy và giờ người dân lẫn chính quyền vẫn canh cánh trăn trở với những câu hỏi chờ đợi...
Hòn Phụ Tử ngày chưa bị đổ gãy Hòn Phụ. Ảnh: Internet
Hiu hắt chốn bồng lai tiên cảnh
Theo truyền thuyết của cư dân địa phương, ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ hay đánh đắm thuyền để ăn thịt ngư dân. Có hai cha con làm nghề chài lưới, người cha quyết tâm tiêu diệt con quái thú trừ hại cho bà con, chấp nhận lấy cái chết bằng cách tẩm thuốc độc vào mình để dụ ác thú.
Con thuồng luồng đến cắn đứt đầu lão ngư dân nuốt chửng và trúng độc rồi chết, người con đi tìm cha chỉ thấy thân thể nên ôm khóc, bị thuốc độc ngấm mà chết. Ở đó, tự nhiên mọc lên 2 hòn đá lớn và nhỏ tựa cha con, người dân gọi là Hòn Phụ Tử.
Trải qua nhiều biến cố, Hòn Phụ Tử vẫn là một điểm tham quan cuốn hút với vẻ đẹp hữu tình, với núi non sừng sững và biển cả trong xanh phẳng lặng. Đặc biệt, cạnh đó lại có chùa Hang - ngôi chùa được dựng ngay trong hang đá tự nhiên và đưa du khách lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh”. Xuyên qua hang động ở chùa, mở ra là mặt biển bao la với Hòn Phụ Tử. Thế nhưng cảnh đẹp mà quá thưa vắng du khách trong khi dịch vụ cũng đìu hiu.
Hòn Phụ Tử nay thưa vắng khách do Hòn Phụ đổ gãy đã 12 năm.
Ngày 9/8/2006, sau một trận mưa gió lớn, Hòn Phụ đã bị đổ gãy xuống biển. Khảo sát, phần gãy của Hòn Phụ là 20m, đường kính 20m, khối lượng khoảng 1.000 tấn và phần còn lại chỉ còn khoảng trên 13m. Từ khi Hòn Phụ đổ gãy chỉ còn Hòn Tử đứng côi cút một mình. Và người dân rất mong chính quyền cho phục dựng lại Hòn Phụ như ban đầu, để danh thắng nổi tiếng này thu hút khách du lịch đến tham quan, tăng thu nhập cho địa phương.
Ông Giang Thanh Khoa - Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương - cho biết, từ sau khi Hòn Phụ bị đổ gãy, lượng khách du lịch đến tham quan danh thắng Hòn Phụ Tử giảm nhiều. Đã có một cuộc khảo sát bàn về vấn đề có phục dựng lại hay không, nhưng do kinh phí quá lớn nên không triển khai được. Hiện nay, Sở Du lịch Kiên Giang cũng đang chuẩn bị cho Dự án phát triển khu danh thắng nhưng không có hạng mục phục dựng lại Hòn Phụ.
“Mong muốn của nhân dân cũng như chính quyền địa phương huyện Kiên Lương là cho phục dựng lại Hòn Phụ để đảm bảo một danh thắng Hòn Phụ Tử như lịch sử vốn có” - ông Khoa bày tỏ nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Có nên đổi tên thành Hòn “Mồ Côi”?
Ông Diệp Hoàng Du - GĐ Sở VHTT tỉnh Kiên Giang - cho biết, hiện Kiên Giang chưa có chủ trương phục dựng lại Hòn Phụ. Về quan điểm cá nhân, ông chia sẻ không phục dựng nữa vì tốn kém, khó đảm bảo chống chịu được qua thời gian và đặt ra vấn đề nên chăng sẽ đổi tên Hòn Phụ Tử thành Hòn “Mồ Côi” cho đúng với thực tế hiện trạng.
Ông Nguyễn Văn Sáu - PGĐ Sở Du lịch Kiên Giang - cũng khẳng định, sau khi Hòn Phụ bị đổ gãy, UBND tỉnh đã nhiều lần tổ chức hội thảo bàn về vấn đề có nên phục dựng hay không. Kết quả, đa số ý kiến cho rằng không nên vì tốn kém và nếu phục dựng thì cũng là nhân tạo chứ không còn lại tự nhiên nữa nên tỉnh quyết định là không. Ông cũng cho rằng, không nên đổi tên Hòn Phụ Tử thành Hòn “Mồ Côi” mà cứ giữ nguyên như tên gọi bấy lâu nay.
Hiện nay, Hòn Phụ Tử đã có Dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng gồm đường giao thông, cống thoát nước, xây bến cầu cảng, khu mua bán, công viên ven biển... với tổng kinh phí khoảng hơn 100 tỉ đồng và năm 2018 sẽ tổ chức đấu thầu để triển khai thi công. Giải thích về nguyên nhân thưa vắng khách tại danh lam thắng cảnh này, ông Sáu cho rằng, ngoài việc giảm vẻ đẹp tự nhiên do Hòn Phụ Tử bị gãy thì cũng có một số nguyên nhân khác nữa, như do cơ sở vật chất xuống cấp, vệ sinh môi trường chưa tốt và cả cách làm du lịch...
Theo Lao động