Thành phố cho phép các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự
thực hiện các hoạt động trực tiếp với điều kiện không tập trung quá 20
người, 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh
Covid-19 và phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 giờ...
Với quy định mới này, các di tích như: đình, đền, chùa, miếu… trên địa
bàn thành phố được phép mở cửa trở lại, tạo đà để du lịch Hà Nội thu hút
khách.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa, Ban Quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội
đã lên các kịch bản đón khách phù hợp với các cấp độ phòng dịch khác
nhau. Trong đó, với cấp độ 1 (nguy cơ thấp, hay vùng xanh), đơn vị phụ
trách di tích phải huy động lực lượng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ di
tích, chuẩn bị các vật tư phòng dịch, đặt biển hướng dẫn về thực hiện
phòng dịch, bố trí nước sát khuẩn… Đối với khách tham quan, khách phải
thực hiện giãn cách, khai báo y tế, thực hiện thông điệp 5K, giữ khoảng
cách tối thiểu 2m với người hướng dẫn.
Với cấp độ 2 (nguy cơ trung bình hay “vùng vàng”), ngoài các biện
pháp phòng dịch như tại cấp 1, các đơn vị triển khai thêm các biện pháp
như: Đón tiếp, phục vụ các đoàn tham quan không quá 20 người; thực hiện
các biện pháp khử khuẩn định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cán bộ
thuyết minh phải tiêm ít nhất một mũi vaccine (sau 14 ngày) hoặc là
người đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, có giấy xét nghiệm theo
quy định của ngành y tế.
Nếu dịch bệnh ở cấp độ 3, các di tích đón tiếp, phục vụ các đoàn tham
quan không quá 10 người. Ngoài ra, còn thực hiện các biện pháp phòng
dịch tăng cường khác theo quy định của Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội.
Hiện, các biện pháp phòng dịch tại di tích đang được cơ quan chức năng chính thức thông qua.
Hà Nội đang trong khoảng thời gian thời tiết đẹp nhất trong năm. Việc
UBND TP Hà Nội công bố cụ thể cấp độ dịch, các hoạt động được phép và
chưa được phép mở cửa trở lại, nhất là các loại hình dịch vụ, di tích sẽ
tạo điều kiện để thành phố đón khách du lịch trở lại, từng bước phục
hồi du lịch, kinh tế từ nay đến cuối năm.