Thời gian qua, tại không gian Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, vở cải lương “Cành khế ngọt” do Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn đã để lại nhiều cảm xúc sâu lắng và ấn tượng khó quên trong lòng du khách dịp Tết đến, Xuân về.
Vở cải lương “Cành khế ngọt” biểu diễn tại không gian Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ảnh: Lại Tấn
Theo đó, tác phẩm đưa khán giả trở lại những năm 30 của thế kỷ XX, khi Nhân dân Việt Nam phải sống cảnh “một cổ hai tròng” dưới hai tầng áp bức. Vở diễn nhắc lại những ký ức đau buồn của quá khứ để thấy được giá trị đích thực của độc lập, tự chủ, hòa bình và ổn định hôm nay. Từ đó, phát huy tinh thần đại đoàn kết, hướng tới một Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Với mục đích tiếp cận ngày càng nhiều hơn các tầng lớp khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ, vở diễn đã được dàn dựng theo định dạng mới: ca nhạc kịch cải lương đương đại. Ngoài ra, tác phẩm còn được NSND Trọng Đài đưa vào 8 ca khúc sáng tác mới dựa trên những âm hưởng truyền thống dân gian như vè, đồng dao, dân ca Bắc Bộ…
So với nhiều vở cải lương thông thường, tác phẩm “Cành khế ngọt” có thời lượng ngắn hơn, phù hợp với đối tượng khách du lịch với nhiều thử nghiệm mới. Với không gian kiến trúc 200 năm tuổi tọa lạc trên khu phố cổ Hà Nội, vở diễn mang đến cho khán giả một trải nghiệm mới lạ và gần gũi hơn, khi các diễn viên và công chúng như hòa làm một trong suốt quá trình diễn xuất.
Cũng trong dịp này, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn” đã được tổ chức tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, thu hút sự quan tâm của hơn 1.600 người.
Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn” được tổ chức tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nam Nguyễn
Chủ đề của chương trình gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý những năm 1010 - truyền thuyết và di tích hiện hữu về bốn vật thần hộ pháp linh thiêng trấn giữ kinh thành Thăng Long là Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên và Quán Thánh. Đây còn được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kỳ chính bởi lịch sử hình thành và vẻ đẹp văn hóa trong tín ngưỡng của người Việt Nam.
Với sự tham gia của 6 nhà hát gồm Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam, “Việt Nam - Huyền sử diễn ca” như một chuyến hành trình nghệ thuật độc đáo, tái hiện những giá trị văn hóa và lịch sử của Thăng Long tứ trấn.
Bên cạnh đó, chương trình trải nghiệm “Điệu tuồng” của Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn ở Rạp Hồng Hà cũng có những con số ấn tượng - thu hút hơn 1.300 lượt truy cập mua vé. Trong đó, hơn 600 khán giả trực tiếp tham gia.
Để giới thiệu nghệ thuật tuồng đến với du khách và gắn kết hoạt động biểu diễn này với du lịch, ê kíp sáng tạo của nhà hát đã thiết kế chương trình phân thành hai phần. Trong đó, phần 1 kéo dài 8 - 10 phút là hoạt động tương tác tại sảnh, đưa khán giả khám phá, tìm hiểu về lịch sử, trang phục, mặt nạ, đạo cụ tuồng… Phần 2 bao gồm các màn diễn, những đoạn diễn tiêu biểu trong số hàng trăm vở tuồng nổi tiếng.
Kết nối nghệ thuật Việt Nam với khán giả quốc tế
Với những lợi thế về lịch sử và văn hóa, Hà Nội hiện đang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Với sự gia tăng mạnh mẽ số lượng du khách quốc tế đến Thủ đô, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc kết hợp giữa nghệ thuật và du lịch không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Nhiều khán giả thưởng thức vở diễn “Cành khế ngọt”. Ảnh: Lại Tấn
Nhận thức được tầm quan trọng của việc gắn kết nghệ thuật truyền thống với phát triển du lịch, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 3206/QĐ-BVHTTDL ngày 06/12/2022 về việc “Hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch” . Theo đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn được giao nhiệm vụ triển khai chuỗi chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh, nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống gắn liền với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch.
Mục tiêu là xây dựng chuỗi sản phẩm gắn liền với tên tuổi và thương hiệu của 12 nhà hát, đồng thời hướng tới phục vụ khán giả đại chúng tại các điểm diễn công cộng, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước.
Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên nhận định rằng, việc đầu tư dàn dựng, công diễn vở “Cành khế ngọt” không chỉ là dịp để Nhà hát Cải lương Việt Nam trình bày và định hướng phong cách nghệ thuật của mình mà còn nhằm quảng bá rộng rãi những nét đẹp độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Để giúp du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận và thưởng thức nghệ thuật cải lương, vấn đề dịch thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng. Lời dịch được ví như “linh hồn” của vở diễn, giúp người xem không chỉ hiểu nội dung mà còn cảm nhận được cảm xúc và tinh thần của tác phẩm. Hiểu rõ điều này, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang tích cực hoàn thiện phần phụ đề và nội dung giới thiệu bằng tiếng Anh để phục vụ tốt hơn đối tượng khán giả nước ngoài.
"Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - tứ trấn” được dàn dựng công phu, gây ấn tượng với du khách
Với những bước tiến mạnh mẽ trong việc đổi mới hình thức biểu diễn, nâng cao chất lượng nghệ thuật và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc.
Trong tương lai, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà hát nghệ thuật, đơn vị lữ hành và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục là chìa khóa mở ra cánh cửa kết nối nghệ thuật truyền thống với công chúng trong nước và quốc tế. Qua đó, không chỉ thu hút du khách mà còn nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào về bản sắc văn hóa trong mỗi người dân Việt Nam.
NSND Nguyễn Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) cho biết: "Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung mọi nguồn lực để chương trình biểu diễn thu hút, hấp dẫn hơn, tạo thành nhiều điểm đến cho khách du lịch”.
Cẩm Tú
Báo điện tử Kinh tế & Đô thị - kinhtedothi.vn - Đăng ngày 14/01/2025