Ngày 6/3, lễ hội Thập Tam Trại - lễ hội tưởng nhớ Nguyễn Quý Công, người có công khai khẩn vùng đất hoang phía Tây kinh thành Thăng Long, tạo nên vùng nông nghiệp trù phú ven kinh đô, đã diễn ra tưng bừng tại miếu Núi Sưa, vườn Bách Thảo, Hà Nội.
Mở đầu lễ hội là nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai khẩn, tạo nên các làng trại nông nghiệp.
Tiếp đó, nhân dân 13 làng trại (thập tam trại) thuộc quận Ba Đình và làng Lệ Mật, phường Việt Hưng (quận Long Biên), làng Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) đã làm lễ rước xung quanh vườn Bách Thảo.
Đi đầu là đội trống thiếu nhi, đội hồng kỳ, kế đến là đội rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội rước mô hình 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và sau cùng là đội rước của các làng trại.
Lễ rước thêm phần sôi động bởi các tiết mục "Chém rắn" giới thiệu truyền thuyết Thập Tam Trại do làng trại Lệ Mật biểu diễn và phần hợp diễn tôn vinh danh nhân Nguyễn Quý Công.
Lễ hội còn có nhiều hoạt động sôi nổi khác như biểu diễn võ thuật, múa quạt, thi đấu cờ người, trưng bày cây cảnh, bày mâm ngũ quả, thi đập niêu đất.
Thập Tam Trại là tên gọi chung của 13 làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long, tương truyền được lập nên từ thời nhà Lý. Đó là các làng: Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Đại Yên, Liễu Giai, Kim Mã, Vạn Phúc (tên khác là Vĩnh Phúc, Vạn Bảo), Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Giảng Võ.
Hiện nay, đa phần các làng trại này thuộc địa phận quận Ba Đình./.
Nguồn : Vietnam+