Ngày 26/2, tức ngày 1 tháng 2 năm Đinh Dậu, tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), đã làm lễ hạ thủy thuyền hai buồm cánh dơi tiêu biểu ở Vịnh Bắc Bộ do TS Nguyễn Việt làm chủ có chiều dài khoảng 1100 cm, rộng 360 cm, mớn nước 120cm, sức chứa khoảng 20 MT, được gắn tên “PHT-Bạch Đằng 01”, in hình chân dung Giáo sư Phạm Huy Thông và biểu tượng logo của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á trên hai cánh buồm đỏ thắm.
TS Nguyễn Việt (đứng ngoài cùng bên trái) chủ thuyền
Để bảo
tồn, phát huy một di sản quý giá có liên quan đến truyền thống kỹ thuật
chế tác, sử dụng cũng như cuộc sống trên sông nước và công cuộc bảo vệ
chủ quyền lãnh hải của dân tộc, bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm
Tiền sử Đông Nam Á đã chủ trì, đầu tư và phối hợp với Hội tàu thuyền
Việt Nam, Phòng Văn Thể thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), xưởng thuyền của
nghệ nhân Lê Đức Chắn tiến hành đóng và tư liệu hóa toàn bộ quá trình
tạo dựng một con thuyền cánh dơi ba ván truyền thống được đăng kiểm
chính thức để có thể sử dụng lâu dài và góp phần phát huy truyền thống
trên vùng sông nước Bạch Đằng truyền thống, đón chào 730 năm (1288-2018)
chiến thắng Bạch Đằng chống Nguyên Mông.
Lễ hạ thủy với chủ thuyền TS Nguyễn Việt (đứng ngoài cùng bên trái) trong khi nghệ nhân Lê Đức Chắn đang khấn.
Con thuyền
hai buồm cánh dơi này trong khoang chính trang hoàng các phù điêu khắc
gỗ đời Trần, có bố trí ngăn tủ, bàn, ghế đủ chỗ cho 12 du khách với tiện
nghi đày đủ cho hành trình và sinh hoạt trên thuyền. Cạnh vách khoang
chính có gắn biển đồng ghi nhận ngày tháng phát mộc, hạ thủy, tên chủ
thuyền và nghệ nhân đóng thuyền. Thuyền có hai cột buồm, xiếm lái lòng
và lái mũi, một chèo nụ và một thuyền lai. Các thiết bị an toàn, cứu
sinh, cứu hỏa tuân thủ chặt chẽ quy định của đăng kiểm hằng hải.
Thuyền hai buồm cánh dơi trước khi hạ thủy..
Lễ phát
mộc khởi công đóng thuyền "PHT-Bạch Đằng 01" được tiến hành vào ngày
30-11-2016 (tức ngày 2-11 năm Bính Thân) đến hôm nay hạ thủy kỹ thuật.
Lễ hạ thủy chính thức dự kiến tổ chức nhằm dịp chiến thắng Bạch Đằng ,
9-3 âm lịch, tức 5-4-2017 với hành trình mang tên “Hưng Đạo Vương” đi từ
đền Kiếp Bạc theo sông Kinh Thày qua Dương Nham, Kính Chủ, xuôi sông
Giá đến miếu Vua Bà và đền Trần Hưng Đạo ở Bạch Đằng với ý tưởng phục
hồi lại con đường mà Trần Hưng Đạo đã rời Vạn Kiếp về vùng sông Bạch
Đằng để quan sát và chuẩn bị chiến trường cho trận Bạch Đằng năm 1288.
Với hạch
toán sơ bộ hoàn thiện con thuyền này (bao gồm cả gắn máy và hệ thống ánh
sáng sinh hoạt, vệ sinh, nấu nướng đơn giản) vào khoảng 500-600 triệu
VNĐ. Hoạt động kể trên của nhóm đóng thuyền buồm cánh dơi ba ván sẽ như
một công trình pilot để có được hồ sơ tư liệu khoa học và hạch toán
chuẩn, đi tới việc phát động các doanh nghiệp, tổ chức hảo tâm góp sức
vào sự nghiệp cứu vãn một di sản kỹ thuật, làng nghề có nguy cơ thất
truyền bằng cách ký hợp đồng với xưởng làng nghề để đóng thuyền cho
chính doanh nghiệp, đơn vị mình theo khuôn mẫu “Bạch Đằng 01” với những
tên khác nhau của những thương hiệu thành đạt, như FPT-Bạch Đằng 02,
HP-Bạch Đằng 03 (Hòa Phát), VH (Vinhome), EW (Eurowindow), TN (Cà phê
Trung Nguyên) ...
Mô hình thuyền buồm cánh dơi ba ván vịnh Bắc Bộ.
Nguyện vọng của ban quản lý di tích
Bạch Đằng là sau khi chạy thử, kiểm định con thuyền đầu tiên và nhận
thấy khả năng hiện thực của đội thuyền buồm cánh dơi sẽ chính thức đưa
vào lễ hội nội dung Đua Thuyền buồm Cánh Dơi Bạch Đằng bên cạnh Đua chèo
chải vẫn tổ chức hàng năm, với hy vọng sẽ dần phát triển thành một bộ
môn thi đấu SEA GAME.
Hội tàu thuyền Việt Nam đánh giá rất
cao sáng kiến này với hy vọng sẽ mở rộng mô hình thuyền buồm cánh dơi
truyền thống, như một biểu trưng tàu thuyền truyền thống Việt Nam ra các
vùng du lịch sông nước khác của cả nước.
Vũ Xuân Bân
Theo Văn Hiến Việt Nam