Cách đây gần 300 năm, Mạc Thiên Tích, người sáng lập ra Tao Đàn Chiêu Anh Các, đã cảm tác ra bài thơ “Hà Tiên Thập Cảnh” nói về 10 cảnh đẹp của Hà Tiên, đến nay đã qua bao thế hệ nhưng còn rất nhiều người thuộc lòng.
Thế nhưng 10 cảnh đẹp đó đang dần biến mất, điển hình là cảnh đẹp Kim Dự Lan Đào (Núi Pháo Đài) đã bị bao chiếm xây dựng khách sạn, nhà hàng quán nhậu; Hay Lộc Trĩ Thôn Cư (xóm Bãi Nò) đã hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ du lịch Hà Tiên, do một dự án lấn biển; Đông Hồ Ẩn Nguyệt (Đầm Đông Hồ) cũng đang bị xâm lấn làm biến dạng.
Ngoài ra, một số di tích lịch sử thắng cảnh khác như Thạch Động Thôn Vân (Núi Thạch Động) nơi sản sinh ra truyền thuyết Thạch Sanh chém chằn tinh cứu công chúa, hay Châu Nham Lạc Lộ (Núi Đá Dựng) tuy còn nguyên trạng, nhưng cũng đang bị lạm dụng khai thác du lịch theo hướng tâm linh là chính, dẫn đến làm sai lệch đi những gì tốt đẹp xưa nay của nó.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo với chuyên đề Di sản Văn hóa Hà Tiên - Bảo tồn và phát triển với sự tham dự của hơn 200 đại biểu.
Tại hội thảo, đa số các ý kiến của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa đều thấy sự cần thiết phải bảo tồn vốn di sản văn hóa quí giá của vùng đất Hà Tiên. Bởi Hà Tiên không chỉ có phong cảnh hữu tình nên thơ, mà còn là vùng đất mang tính đặc thù và đa dạng về văn hóa, được hình thành bởi 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer.
Với bề dày lịch sử hơn 300 năm, trấn Hà Tiên xưa từng có một thời được xem là chiếc nôi về văn hóa, văn học nghệ thuật của vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long./.
(TTXVN/Vietnam+)