Du lịch miền Trung đang phát triển hai loại hình du lịch chính là du lịch biển-sinh thái và du lịch văn hóa-lịch sử. Cả hai loại hình du lịch này đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch biển và giá trị văn hóa bản địa không pha tạp của đồng bào Tây Nguyên.
Sự phát triển du lịch của vùng Duyên hải miền Trung không thể tách rời với sự phát triển du lịch các tỉnh Tây Nguyên, thậm chí để có thể khai thác được thị trường xa phải liên kết với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế ở biên giới phía Tây.
Sự liên kết này không chỉ là sự gắn liền trong hệ thống tuyến, điểm du lịch của hai vùng, của khu vực mà còn liên kết trong quảng bá du lịch, phối hợp trong xây dựng hình ảnh "Con đường di sản," "Sunrise beach" với "Con đường xanh Tây Nguyên," "Con đường hữu nghị theo tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây." Mở rộng ra, các địa phương cần nghiên cứu khả năng liên kết theo trục du lịch Bắc-Nam và các địa phương ở các quốc gia trong Hành lang Kinh tế Đông-Tây.
Các tỉnh miền Trung xác định việc phát triển du lịch bền vững cần phải quán triệt trong quy hoạch phát triển vùng, địa phương, trong dự án đầu tư và chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp, tránh tình trạng vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ quy hoạch.
Du lịch thuộc vào các ngành mà công nghệ về cơ bản ít thay đổi, chủ yếu thực hiện sự chuyển dịch tiệm tiến. Vì vậy, phát triển du lịch trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay đỏi hỏi các nỗ lực phải diễn ra thường xuyên, liên tục. Dù vậy, một số mặt hoạt động như phát triển ngành công nghiệp giải trí, thực hiện liên kết ngành và liên kết địa phương cần phải có những bước đột phá./.
Nguồn : TTXVN