Thêm nhiều điểm tham quan
Lễ hội Núi Voi 2011 diễn ra trong 3 ngày 18, 19 và 20/2 (tức 16,17, 18 tháng Giêng). Một ngày trước khi khai hội, dự án tôn tạo đền thờ nữ tướng Lê Chân được khánh thành và đưa vào sử dụng. Với địa thế hiểm trở, nhiều hang động lớn, được bao bọc bởi 2 con sông lớn Lạch Tray, Đa Độ, thuận lợi giao thông thuỷ, bộ, núi Voi từng được nhiều nhân vật lịch sử chọn xây dựng căn cứ hoạt động. Nữ tướng Lê Chân chọn núi Voi làm địa điểm chiêu tập binh mã và tích trữ lương thảo, che mắt quân thù và xây dựng căn cứ đánh giặc. Tưởng nhớ công ơn của bà, đền thờ nữ tướng Lê Chân được lập trong một động nhỏ ngay tại chân núi thuộc thôn Khúc Giản (xã An Tiến), với kiến trúc hình chữ đinh gồm gian tiền tế và hậu cung. 2 bên đền thờ có động Nam Tào, Bắc Đẩu. Năm 2009, trên mặt bằng đền cũ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập dự án tôn tạo, tu bổ đền thờ Lê Chân. Công trình được thực hiện trên diện tích gần 1 ha gồm các hạng mục chính như đền thờ, tả và hữu mạc, nghi môn, thảm viên xanh, nhà thủ từ… với vốn đầu tư hơn 11,5 tỷ đồng.
Chùa Long Hoa ở thôn Chi Lai, xã Trường Thành được xây dựng dưới thời vua Lý Nhân Tông, từng là trung tâm Phật giáo lớn của khu vực, gắn liền với truyền thuyết về nhân vật lịch sử và di tích danh thắng núi Voi. Năm 2010, với mong muốn tái thiết ngôi chùa cổ, Thành hội Phật giáo Hải Phòng phát tâm công đức kêu gọi đầu tư xây dựng chùa, hoàn thành tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và đại hồng chung chùa Long Hoa. Đúng vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hoàn thành việc đúc, an vị bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni với khối lượng 17 tấn đồng vàng, đại hồng chung hơn 1 tấn. Những năm qua, Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Nhiều tuyến đường vào khu di tích trải nhựa, mở rộng. Huyện đang đề nghị được tạo điều kiện phục dựng hồ nhà Mạc, xây mô phỏng am dạy học của tiến sĩ Nguyễn Hoa trên núi Voi. Khu di tích lịch sử núi Voi ngày càng được tôn tạo khang trang hơn, tạo điều kiện để du khách xa gần tìm hiểu lịch sử, văn hoá, con người vùng đất này.
Đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí
Núi Voi là vùng đất cổ ẩn chứa bao dấu ấn lịch sử, một kho tàng văn hóa phong phú. Núi Voi là thành lũy bảo vệ thành phố trong suốt chiều dài kháng chiến của ông cha ta. Các di tích hang động trong khu quần thể núi Voi đều gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của thành phố. Nơi đây, nhà Mạc xây dựng thành quách, luyện binh, đào hào, đắp luỹ, vẫn còn dấu tích những Vàm chúa cả, Vàm chúa thượng, con sông đào. Những cái tên như hang Thành uỷ, hang Hải quân, hang Chạn (nơi cất giữ lương thảo), hang Già Vị gợi nhớ những năm tháng gian khó, song đầy hào hùng của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ,… Lễ hội núi Voi làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của vùng đất này.
Trên cơ sở kế thừa và phát huy văn hóa lễ hội truyền thống, thời gian, chương trình lễ hội núi Voi ngày càng phong phú hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu tham quan của đông đảo du khách với việc tham gia hoạt động văn hoá thể thao độc đáo. Năm nay, lễ hội ấn tượng 50 với đô vật nữ, đến từ sới vật của An Lão và nhiều quận huyện khác trên địa bàn thành phố. Giải vật tự do với sự tham gia của 75 đô vật ở 18 hạng cân. Mọi năm, lễ hội núi Voi chỉ có giải bóng chuyền các đội mạnh, năm nay có thêm giải bóng chuyền phong trào với sự tham gia của 9 đội bóng của các xã. Nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn: Nhà hát Chèo Hưng Yên, Đoàn Cải lương Hải Phòng, phường múa rối Minh Tân- Bảo Hà (Vĩnh Bảo) tại đình Chi Lai (xã Trường Thành) và sân khấu trung tâm (xã An Tiến). Nằm trong chương trình lễ hội có Hội chợ văn hóa ẩm thực được tổ chức ở khu vực sân vận động chính thuộc xã An Tiến, trưng bày sinh vật cảnh ở khu vực Nhà khách của di tích. Trong những ngày này, Bảo tàng núi Voi mở cửa thường xuyên đón tiếp và giới thiệu với du khách về khu di tích núi Voi. Năm nay, huyện tiếp tục thực hiện chủ trương không thu vé vào khu di tích và biểu diễn nghệ thuật. Công tác bảo đảm an ninh lễ hội được chú trọng, tăng cường.
Với những giá trị độc đáo vốn có cùng sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, lễ hội núi Voi đang ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu lễ hội và vui chơi giải trí của người dân mỗi độ xuân về.
Nguồn : Báo Hải Phòng