Đã thành lệ, cứ vào cuối tháng 11 âm lịch, từng đoàn người lại nô nức về với Lễ hội đền Trạng Trình, thành kính dâng hương tưởng nhớ Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Kỷ niệm 425 năm ngày mất của ông, với việc mở rộng biên độ lễ hội từ quê nội Vĩnh Bảo sang cả quê ngoại ở huyện Tiên Lãng, cuộc hành hương tìm về mảnh đất gắn liền với “cây đại thụ bóng trùm thế kỷ” thêm trọn vẹn và thiêng liêng, giúp cho lớp người hậu thế hiểu hơn về bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở của dân tộc…
Mở đầu cho loạt hoạt động diễn ra trong 3 ngày lễ hội là cuộc diễu hành, hành hương về quê hương Trạng Trình sáng ngày 1/1/2011 bằng mô-tô và xe đạp do Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tổ chức.
Cuộc diễu hành với sự tham dự của khoảng 50 xe mô-tô, 150-170 xe đạp nhằm giới thiệu, quảng bá cho lễ hội lần đầu được tổ chức ở cả hai quê nội, ngoại của Trạng Trình. Đồng thời, chuyến hành hương về với miền đất học, quanh năm dãi dầu sương gió, nhưng lại sản sinh ra bậc kỳ tài cho dân tộc cũng mang những ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Trước khi tới Khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học (Vĩnh Bảo), đoàn dừng chân dâng hương Từ đường Nguyễn Nhữ – một trong hai di tích quan trọng tại quê ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Kiến Thiết (Tiên Lãng).
Nếu như Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học (Vĩnh Bảo) đã rất nổi tiếng trong cả nước, thì với cụm di tích họ ngoại của Trạng Trình, không phải ai cũng biết. Sinh thời, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu rất nhiều ảnh hưởng từ thân mẫu Nhữ Thị Thục. Người con trai thứ bảy của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nguyễn Ngọc Liễn được cử sang sinh cơ lập nghiệp để trông coi phần mộ và thờ phụng Thượng thư Nhữ Văn Lan và bà Nhữ Thị Thục đã lập ra Từ đường Nguyễn Nhữ. Từ đường được xây dựng thờ Tiến sĩ – Thượng thư Nhữ Văn Lan, họ Nguyễn (từ đời Nguyễn Ngọc Liễn trở về sau) và thờ vọng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là di tích lịch sử - văn hóa được UBND thành phố công nhận năm 2003. Cùng với từ đường, hành trình về thăm cụm di tích họ ngoại Trạng Trình không thể thiếu khu Mả Nghè- nơi tọa lạc 3 ngôi mộ của Tiến sĩ, Thượng thư Nhữ Văn Lan, và phu nhân thân mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà Nhữ Thị Thục. Theo những người dân nơi đây, dù đã trải qua nửa thiên niên kỷ, nhưng khu đất này hầu như không có gì đổi khác. Được tổ chức với quy mô mở rộng sang cả quê ngoại của Trạng Trình, lễ hội đền Trạng và kỷ niệm 425 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm góp phần đưa những giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích họ ngoại Trạng Trình đến với đông đảo du khách, giúp họ hiểu hơn về cuộc đời, thân thế của một con người bình dị nhưng có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử dân tộc.
Điểm kết thúc của chuyến hành hương là Khu di tích Trạng Trình tại huyện Vĩnh Bảo. Làng Trung Am xưa vốn là làng quê hẻo lánh ven biển phía Đông, nay nức tiếng gần xa là nơi sinh thành và nuôi dưỡng một tài năng, nhân cách lớn cho dân tộc. Về với Trung Am hôm nay, niềm vui của những du khách như được nhân lên cùng với sự khang trang của cảnh quan khu di tích. Hệ thống đường vào được chỉnh trang mở rộng, đường thoát nước được xây dựng và thiết kế hoàn chỉnh. Toàn bộ hệ thống tượng trong khuôn viên khu di tích được sơn, sửa lại những chỗ bị gãy, nứt. Cùng với đó là việc tu sửa dãy núi sấm từ 5 ngọn lên 9 ngọn, xây dựng thêm đền thờ song thân phụ mẫu, sửa chữa khu vực tượng đài… Những di tích như chùa Song Mai, Quán Trung Tân, Bút Kình Thiên… cùng với Khu di tích hợp thành một quần thể kết nối với cụm di tích họ ngoại tại Tiên Lãng trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, giàu giá trị văn hóa, lịch sử, lôi cuốn khách thập phương.
Nguồn : báo Hải Phòng