Lo lắng khi Covid-19 bùng phát trở lại, hàng loạt du khách hủy tour đến các điểm du lịch chưa xuất hiện ca nhiễm trên cả nước.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS (Đà Nẵng) cho biết, trong dịp Tết Nguyên Đán, đơn vị dự kiến phục vụ 10.000 du khách đi tour trọn gói, hoặc đặt các combo vé máy bay và khách sạn. Tuy nhiên, tính đến 2/1, hầu hết các khách hàng này đã liên hệ để hủy dịch vụ.
Trong đó, công ty hủy toàn bộ các đường tour đưa du khách miền Trung ra miền Bắc như Ninh Bình - Hà Nội; Hải Phòng - Quảng Ninh - Hà Nội; Hà Nội - Sa Pa và tour phục vụ du khách miền Bắc vào miền Trung. Các du khách đặt tour từ miền Trung tới miền Nam, miền Tây, Phú Quốc và chiều ngược lại cũng đã có động thái hoãn hủy, sau khi Bình Dương và TP HCM xuất hiện ca nhiễm Covid-19.
Rút kinh nghiệm từ đợt bùng dịch thứ 2 trong năm 2020, công ty đã tư vấn kỹ với khách về các sự cố không mong muốn như dịch bệnh và thiên tai khi chọn mua tour. Vì vậy, phần lớn du khách bình tĩnh hơn để cùng giải quyết theo chính sách hoàn, hủy chứ không ồ ạt đòi hoàn tiền.
Theo ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, dù địa phương chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nhưng du khách đặt tour đã có động thái hoàn hủy. Tới ngày 1/2, dù chưa có số liệu cụ thể nhưng theo khảo sát, khoảng 30% lượng khách đặt tour qua các đơn vị lữ hành trong hiệp hội đã hủy dịch vụ, chủ yếu là các du khách từ Hà Nội và TP HCM.
Để phòng chống Covid-19, từ ngày 4/2 Hội An dừng hoạt động phố đi bộ và Hội An show vào tối thứ 7. Ảnh: Duy Hậu
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours (HanoiRedtours) cho biết, trong đợt Tết Nguyên Đán, đơn vị phục vụ gần 30 đoàn khách ghép trên 20 người đến Đông Bắc và Tây Bắc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho du khách, công ty chủ động liên hệ, thông báo tạm dừng chuyến đi. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty sẽ thông báo ngày khởi hành của các tour này để khách đăng ký lại.
Ngoài ra, đơn vị dự kiến phục vụ 8.000 khách chọn tour nghỉ dưỡng, không tham quan. Đây là các nhóm khách đơn lẻ, chọn nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng riêng biệt, nhiều cây xanh. Vì vậy, những khách hàng này chỉ hỏi thông tin, chưa thống nhất hủy chuyến đi.
"Đợt dịch lần này, tôi nhận thấy du khách đã chuẩn bị tâm lý, vì vậy phần lớn đều thống nhất cùng công ty nghe ngóng tình hình kiểm soát dịch chứ không ồ ạt đòi hủy tour", ông nói.
Trong trạng thái "im lặng và chờ đợi", công ty Tricolour Travel đã hủy 9/10 tour trước và sau Tết tới các khu vực lân cận Hà Nội. Ông Lại Văn Quân, trưởng phòng điều hành chia sẻ, công ty áp dụng chính sách hoàn tiền 100% cho khách hàng. Tuy nhiên, khoản tiền đã đặt cọc tại các khách sạn đang bị kẹt lại, vì các đơn vị này chỉ áp dụng đổi ngày chứ không hoàn cọc.
"Đây là lần thứ 3 bùng dịch kể từ năm ngoái, những người làm du lịch bây giờ cũng chỉ biết chờ đợi đến khi dịch được khống chế. Công ty cũng chưa có bất kỳ hành động hoặc lời khuyên nào cho du khách, ngoài hoãn chuyến đi", ông nói.
Phố đi bộ Hà Nội trong ngày cuối tuần. Ảnh: Trung Nghĩa
Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch Sa Pa, trong đợt Tết, địa phương dự kiến đón 70.000 du khách, trong tổng số 100.000 khách đến Lào Cai. Tuy nhiên tới 31/1, dù tại địa phương chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, đã có 18 - 25%, tương đương với 12.600 - 17.500 khách hủy tour Sa Pa.
Ông Phạm Cao Vỹ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa, chia sẻ, du khách không nên quá hoang mang mà hoàn hủy phòng, tour quá sớm. Địa phương đã và đang áp dụng nghiêm khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế và thực hiện khai báo y tế. Các khách sạn, nhà hàng tiến hành khai báo lưu trú và vệ sinh khử khuẩn cơ sở vật chất. Trong trường hợp bất khả kháng: du khách hủy dịch vụ, các khách sạn thành viên của hiệp hội sẽ cam kết hoàn tiền cọc hoặc dời ngày.
Trước đó, các công ty như Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour... đã thông báo chuyển hướng điểm tham quan hoặc hủy các tour đến Quảng Ninh.
Lan Hương