Hang động Krông Nô của tỉnh Đắk Nông, hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, vừa được Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đề cử là công viên địa chất toàn cầu.
Hang động núi lửa Krông Nô
Theo đó, hang động Krông Nô (Công viên địa chất Đắk Nông) của tỉnh Đắk Nông đã lọt vào 11 hồ sơ được Global Geoparks Network chấp nhận và trình lên UNESCO. Dự kiến UNESCO sẽ công bố kết quả vào tháng 4/2020.
Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích khoảng 2.000km2, nằm trên địa bàn 6 huyện, thị xã gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Điểm nổi bật nhất trong Công viên địa chất này là hệ thống hang động núi lửa phân bố khu vực dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007.
Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô đã từng được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo. Các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về sự thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ. Đặc biệt, trong các hang động núi lửa Krông Nô, các nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6000 – 7000 năm. Không chỉ có giá trị về địa chất, trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông còn sở hữu những di sản địa mạo vô cùng quý giá như hồ và thác nước tự nhiên đẹp thơ mộng và hùng vĩ như: Hồ Ea Snô, Hồ Trúc, Hồ Tây, Thác Đ'ray Sáp, Thác Trinh Nữ…; cùng với đó là bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N'drong, cùng hệ thống các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh... Ngoài ra, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng, Rừng đặc dụng cảnh quan Đ'ray Sáp và một phần phía nam Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực Công viên địa chất Đắk Nông.
Dự kiến tháng 10/2019, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Hội thảo kết nối tuyến, tour du lịch gắn với công viên địa chất Đắk Nông. Trước đó, Việt Nam đã có 2 công viên địa chất toàn cầu được công nhận là Cao nguyên đá Đồng Văn (năm 2010) và Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng (năm 2018).
Hằng Lê