Trong bối cảnh công cuộc chống dịch được xác định là phức
tạp và có thể còn kéo dài, để thu hút du khách, cần thiết phải liên kết
được các điểm đến xanh giữa các tỉnh, thành phố nhằm tạo ra sản phẩm du
lịch vừa hấp dẫn, vừa an toàn.
Làm thế nào để di chuyển, kết nối thông suốt các vùng xanh liên tỉnh
đang là vấn đề gây nhiều trăn trở cho các doanh nghiệp lữ hành trong quá
trình triển khai Chương trình "Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc"
được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động mới đây.
Trong tâm thế sẵn sàng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng những
tour, tuyến mới theo hình thức trọn gói, khép kín bảo đảm an toàn
phòng, chống dịch. Điểm đến xanh, dịch vụ xanh, sản phẩm xanh và cả du
khách xanh (người được cấp Thẻ xanh Covid) đã có, chỉ còn chờ "hành lang
xanh" (một cách gọi khác là con đường xanh hay luồng xanh) để vận hành.
Hiện, mỗi tỉnh, thành phố đều có những quy định riêng về phòng, chống
dịch dựa trên tình hình cụ thể của địa phương, cùng với đó là những
chính sách khác nhau về việc cách ly áp dụng cho các đối tượng di chuyển
đến địa bàn, nếu không có sự hợp tác, thống nhất, phối hợp chặt chẽ
giữa các địa phương để tạo "hành lang xanh" cho du lịch liên tỉnh, sẽ
rất khó để du lịch nội địa hoạt động trở lại.
Đơn cử, muốn kết nối giữa các "vùng xanh" nhiều khi phải di chuyển
qua "vùng đỏ", lúc này phải có chính sách hỗ trợ của địa phương ở "vùng
đỏ" mới có thể bảo đảm về tuyến du lịch không dừng. Trên thực tế, các
vùng đỏ, xanh, vàng cũng chỉ mang tính tương đối, hoàn toàn có thể thay
đổi theo tình hình thực tế cho nên sự phối hợp cần chặt chẽ, nhịp nhàng
nhưng phải linh hoạt. Lúc này, cách hiểu về "vùng xanh" cũng cần được
thống nhất. Không nhất thiết cả tỉnh, thành phố đó đều là vùng xanh mới
mở cửa du lịch. Nếu xác định được những quận, huyện, xã, phường, khu
tham quan… có khả năng đón khách an toàn thì đều có thể kết nối với các
điểm đến xanh khác, miễn là bảo đảm chu trình khép kín. Vùng xanh ở phạm
vi càng nhỏ, càng có tính thích ứng cao cho du lịch trong bối cảnh bình
thường mới.
Theo các chuyên gia, để du lịch có thể hoạt động thông suốt, thích
ứng an toàn trong tình hình mới, bên cạnh việc thống nhất các tiêu chí
về du lịch an toàn, cần đặc biệt chú ý giải quyết những rào cản về mặt
di chuyển trong kết nối các điểm đến xanh. Điều này đòi hỏi phải có sự
vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan và chính quyền
địa phương các tỉnh, thành phố để có sự thống nhất trong chỉ đạo, đưa ra
các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc kết nối, tạo "hành lang xanh"
cho các doanh nghiệp triển khai tour, tuyến thuận lợi, bảo đảm an toàn.
Cần sự kiểm soát chặt chẽ cùng các điều kiện để kích hoạt trở lại du
lịch nội địa. Một mình ngành du lịch chuyển động mà không có sự hưởng
ứng, vào cuộc của vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy,
thì sẽ là khập khiễng.
Liên kết tỉnh, liên kết vùng lại đòi hỏi sự chia sẻ, hợp tác của các
địa phương. Tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch, như: lữ
hành, lưu trú, điểm đến, ăn uống, vui chơi… đều phải tuân thủ các điều
kiện, tiêu chí an toàn phòng, chống dịch.
Doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm kiểm soát các chương trình du
lịch, kiểm soát các đoàn khách; làm cho khách yên tâm, giải tỏa tâm lý e
ngại dịch bệnh của du khách, tạo thói quen du lịch an toàn. Các cơ quan
quản lý tại địa phương sẽ cấp phép và giám sát để bảo đảm an toàn và
chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Đây cũng
là chiến lược mà TP Hồ Chí Minh đang áp dụng để có thể đa dạng hóa sản
phẩm du lịch mà vẫn bảo đảm an toàn, với phương châm địa phương kiểm
soát dịch có "vùng xanh" tới đâu sẽ liên kết tổ chức tour đến đó.
Một vấn đề nữa là hiện nay, một số nơi đã kiểm soát được dịch bệnh
khá tốt nhưng vẫn còn dè dặt trong việc mở cửa trở lại du lịch vì tốc độ
tiêm vắc-xin cho người dân còn chậm. Do đó, muốn đẩy nhanh tốc độ phục
hồi du lịch nội địa, còn cần ưu tiên giải quyết phủ vắc-xin ở những khu
du lịch trọng điểm.
Chỉ khi đáp ứng được các điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường
thuận lợi, du lịch nội địa mới có thể hoạt động an toàn, từng bước
thoát khỏi khó khăn, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế xã hội
trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
Covid-19.