Du lịch về nguồn là một sản phẩm du lịch văn hóa, có thể hiểu du lịch về nguồn là một hành trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đến với những “địa chỉ đỏ” - di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, du khách không chỉ thỏa mãn nhu cầu tham quan, tìm hiểu hay trãi nghiệm mà còn là để mỗi người thành tâm tưởng nhớ về thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Chính vì thế mà du lịch về nguồn mang một ý nghĩa sâu sắc và quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Nhìn ở một góc độ khác, du lịch về nguồn còn có ý nghĩa là
hành trình trở về chiến trường xưa của nhiều thế hệ cựu chiến binh - những người
trực tiếp tham gia vào những trận đánh, những sự kiện năm xưa, nay quay về miền
ký ức để hồi tưởng về những năm tháng hào hùng của chính mình và những người đồng
đội của mình, những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời của người chiến
sĩ cách mạng.
Bình Dương là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài
nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích văn hóa, lịch sử và căn cứ địa cách
mạng thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch về nguồn. Những điểm đến nổi
tiếng, thu hút khách tham quan trong thời gian qua có thể kể đến như: Di tích lịch
sử địa đạo Tây Nam Bến Cát (địa đạo Tam Giác Sắt), Di tích lịch sử chiến khu Đ,
Di tích lịch sử nhà tù Phú Lợi, Di tích lịch sử chiến khu Vĩnh Lợi, Di tích chiến
thắng tháp canh Cầu Bà Kiên, Căn cứ Bàu Gốc… Trung bình mỗi năm, Bình Dương đón
tiếp khoảng 150 ngàn lượt khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử cách mạng.
Với những điều kiện thuận lợi về giao thông, cơ sở vật chất và tiềm năng du lịch,
Bình Dương có nhiều điều kiện để phát triển loại hình du lịch về nguồn.
Hệ thống di tích cách mạng gắn liền với những sự kiện lịch sử
- Tính đến tháng 6 năm 2023, Bình Dương có 65 di tích được công nhận xếp hạng,
trong đó có 43 di tích thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng.
Đây là nguồn tài nguyên quý báu để Bình Dương phát triển loại
hình du lịch văn hóa trong đó có du lịch về nguồn. Bình Dương được biết đến là
địa bàn chiến lược trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Là nơi diễn ra
nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cả nước, đồng thời cũng là nơi dừng chân
hoạt động cách mạng của nhiều nhà yêu nước, tổ chức, đơn vị, cơ quan đầu não của
cách mạng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1923 -
1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến chùa
Hội Khánh (Bình Dương) để truyền bá chủ nghĩa yêu nước. Tại đây, cụ Phó bảng
Nguyễn Sinh Sắc cùng với nhà yêu nước Phan Đình Viện và hòa thượng Từ Văn - trụ
trì đời thứ 6 của chùa đã thành lập hội danh dự để truyền bá chủ nghĩa yêu nước
cho người dân trong khu vực.
Năm 1930, chi bộ Đảng đầu tiên của xứ ủy Nam kỳ được thành lập
tại Nhà máy đề pô xe lửa Dĩ An. Cũng trong giai đoạn này, phong trào đấu tranh
của công Nhà máy đề pô xe lửa Dĩ An và công nhân cao su Dầu Tiếng phát triển rất
mạnh mẽ.
Năm 1945, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ cùng bộ đội tập luyện ở
khu rừng Tân Uyên để chuẩn bị kháng chiến chống Pháp, cùng theo đó là những chiến
khu lần lượt được thành lập như: chiến khu Thuận An Hòa, chiến khu Vĩnh Lợi,
căn cứ rừng Kiến An, Chiến khu Bàu Gốc, chiến khu Đ…
Bộ đội Tân Uyên với chiến thắng Tháp canh cầu Bà Kiên trong
những ngày đầu chống Pháp đã khai sinh ra lối đánh đặc công và trở thành binh
chủng phát triển hùng mạnh cho đến ngày nay, góp phần làm phong phú kho tàng kỹ
thuật quân sự của Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình.
Cuối năm 1948, địa đạo Tây Nam Bến Cát được thành lập làm chỗ
dựa vững chắc và là nơi hoạt động của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu Bộ Miền
Đông, xứ Ủy Nam Bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định/ Thành đoàn Gia Định,… địa đạo
Tây Nam Bến Cát là căn cứ quan trọng góp phần làm nên chiến thắng chiến dịch Lê
Hồng Phong - chiến dịch lớn trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ở miền Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Bình Dương nổi tiếng
với sự kiện cai ngục đầu độc tập thể chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Phú Lợi
(01/12/1958). Kế đến, quân đội xâm lược chọn Bình Dương là nơi thí điểm để xây
dựng ấp chiến lược kiểu mẩu tại Bến Tượng sau đó nhân rộng ra toàn miền Nam.Năm
1965, Dầu Tiếng trở thành địa điểm đầu tiên bị quân đội Mỹ ném bom B52.
Giai đoàn này, những chiến thắng vang dội của quân giải
phóng làm nức lòng nhân dân cả nước như: chiến thắng Phước Thành, chiến thắng
Bàu Bàng, Lai Khê, Dầu Tiếng, Nhà Đỏ - Bông Trang… Năm 1967, giới quân sự Mỹ đặt
tên cho khu vực địa đạo Tây Nam Bến Cát là vùng Tam Giác Sắt - vùng đất bất khả
xâm phạm.
Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, một căn cứ địa cách mạng tại
Bình Dương được thành lập để phục vụ cho cuộc tấn công vào Sài Gòn trong chiến
dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đó là Căn cứ Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch
Hồ Chí Minh (Căm Xe, Dầu Tiếng).
Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, những “địa chỉ đỏ” - di
tích lịch sử cách mạng đã trở thành điểm đến du lịch về nguồn của biết bao thế
hệ trẻ, của cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh các nước tham chiến tại
Việt Nam.
Du lịch về nguồn gắn với các sự kiện lịch sử tại các di tích
lịch sử cách mạng - Với hệ thống các di tích lịch sử cách mạng phong phú và đa
dạng, Bình Dương có được lượng khách du lịch về nguồn khá ổn định.
Hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 4: Bên cạnh nguồn khách du lịch
hành hương tại chùa Bà và các điểm đến du lịch tâm linh, Bình Dương còn đón tiếp
lượng du khách tham quan tại các di tích là địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh như:
Di tích lịch sử địa đạo Tây Nam Bến Cát, Di tích Nhà máy Đề pô xe lửa Dĩ An, Di
tích chiến thắng tháp canh Cầu bà Kiên, Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch
Hồ Chí Minh…
Đây là những di tích gắn liền với các sự kiện: Ngày truyền
thống học sinh sinh viên, Ngày thành lập đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,
Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Ngày truyền thống Binh chủng bộ đội đặc
công Việt Nam và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời gian từ tháng 5 đến tháng 9: là thời điểm lượng khách
tham gia loại hình du lịch về nguồn khá lớn tại các di tích như: Di tích lịch sử
- kiến trúc Chùa Hội Khánh, Di tích lịch sử Miếu Ông (nơi hoạt động của lực lượng
Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương trong thời kỳ kháng chiến chống
Mỹ), Di tích lịch sử Căn cứ Bàu Gốc (nơi hoạt động của lực lượng Công an nhân
dân tỉnh Bình Dương trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm), Di tích lịch
sử Vườn cây cao su thời Pháp thuộc (nơi diễn ra nhiều phong trào đấu tranh của
công nhân cao su đòi tăng lương, giảm giờ làm)…
Các di tích gắn liền với các sự kiện lịch sử và ngày truyền
thống như: kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày báo chí cách mạng Việt
Nam, Ngày Thương binh liệt sĩ, Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam,
Ngày thành lập công đoàn Việt Nam, Kỷ niệm Ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công
và Quốc khánh 02/9. Trong khoảng thời gian này, bên cạnh lượng khách về nguồn
là các tổ chức, đoàn thể, khách du lịch theo đoàn còn có số lượng lớn là học
sinh và sinh viên tham gia sinh hoạt Hè, cắm trại, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu
về lịch sử địa phương tại các di tích lịch sử cách mạng nêu trên.
Thời gian từ tháng 10 đến tháng 12: tại các di tích như: Di
tích lịch sử chiến Khu Đ, Di tích lịch sử nhà tù Phú Lợi, Căn cứ Hố Lang, Di
tích lịch sử chiến Khu Vĩnh Lợi, Căn cứ Rừng Kiến An, Nhà trưng bày thi tướng
Huỳnh Văn Nghệ…thu hút lượng lớn du khách đến tham quan nhân kỷ niệm các ngày lễ
của đất nước và của địa phương như: Kỷ niệm Ngày di sản Văn hóa Việt Nam, Ngày
thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam, Ngày Phú Lợi bất khuất 1 tháng 12.
Mặc dù, hàng năm có một lượng khách nhất định đến tham gia
loại hình du lịch về nguồn trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên hiện nay Bình Dương vẫn
chưa tận dụng khai thác tốt loại hình du lịch này nhằm tạo nguồn thu thúc đẩy
ngành du lịch phát triển. Trong thời gian tới để loại hình này thật sự phát triển
tỉnh cần quan tâm vào một số nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch -
hiện nay du khách tham quan tại các di tích lịch sử cách mạng vào những ngày cuối
tuần và trong dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên là khá lớn, cụ thể là Di tích
lịch sử nhà tù Phú Lợi, Di tích lịch sử địa đạo Tây Nam Bến Cát, Di tích lịch sử
chiến khu Đ… Lượng khách lên đến 2.000 lượt khách/ ngày. Vì vậy, cần đầu tư
thêm hệ thống thuyết minh tự động để phục vụ số lượng lớn du khách tham quan tại
các di tích.
Thứ hai: Ban hành chính sách xã hội hóa để mời gọi các thành
phần kinh tế tham gia phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách tham quan -
thông qua chính sách để thu hút các thành phần kinh tế tham gia liên kết, tổ chức
các quầy hàng lưu niệm giới thiệu sản phẩm du lịch của Bình Dương tại các điểm
tham quan, tổ chức quầy thức ăn, nước uống …
Thứ ba: Tiếp tục đào tạo, liên kết, xây dựng đội ngũ cộng
tác viên làm công tác hướng dẫn viên tại các điểm di tích. Kết hợp với việc
nâng cao chất lượng, giải pháp trong trưng bày và bổ sung các hoạt động biểu diễn
văn hóa văn nghệ tại di tích để thu hút du khách.
Thứ tư: Tạo nguồn thu để tu bổ di tích cần có chính sách thu
phí tham quan để chi cho việc tu bổ, vệ sinh, bảo vệ tại các di tích và bồi dưỡng
cho nhân sự phục vụ ngoài giờ.
Cuối cùng Bình Dương có nhiều sản phẩm du lịch thuộc các loại
hình du lịch sinh thái, du lịch tham quan làng nghề kết hợp mua sắm, du lịch
tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch
thể thao cao cấp.
Trong đó, hành trình về thăm di tích lịch sử là một
trong những sản phẩm nổi bật với điểm nhấn là tour liên kết với các
địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Tây
Ninh, Bình Phước, với hành trình mang tên “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục
nóc nhà Đông Nam Bộ”, “Tình đất đỏ miền Đông”.
Trong mỗi tour, điểm đến là các địa chỉ đỏ như Di
tích lịch sử Địa đạo Tây Nam Bến Cát, Di tích Nhà tù Phú Lợi, Di tích lịch
sử chiến khu Đ, Căn cứ Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh (Bộ Chỉ
huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam) ở Bình Dương luôn là điểm dừng chân
để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách.
Hình ảnh một số hoạt động của du khách tại các di tích lịch
sử cách mạng
Hồ Minh Thiện
Trang TTĐT Sở VHTTDL Bình Dương - sovhttdl.binhduong.gov.vn - Đăng ngày 27/7/2023