Được đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn, trong những năm gần đây, làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Theo Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm, từ đầu năm đến nay, lượng khách tham quan làng cổ đạt trên 83.000 lượt.
Ngôi nhà cổ 250 tuổi của gia đình bác Kiều Anh Ban mới được Nhà nước đầu tư trùng tu đầu năm 2013
Du
lịch hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế ở Đường Lâm. Tại
Đường Lâm, có khoảng 10 hộ gia đình phát triển mô hình du lịch homestay
hiệu quả như gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ông Hà Hữu Thể, bà Hà Thị
Điền, ông Hà Nguyên Huyến…
Tính
chung toàn xã, có 40% số hộ dân tham gia phát triển du lịch với các
hình thức từ làm dịch vụ lưu trú, ăn uống, cho thuê xe đạp, làm các sản
phẩm truyền thống bán cho khách du lịch, cùng du khách trải nghiệm làm
nông dân… Cũng vì vậy, các nghề truyền thống ở Đường Lâm như nuôi gà
Mía, làm tương, làm chè kho, sản xuất kẹo, may trang phục cổ… cùng các
dịch vụ du lịch ngày càng phát triển.
Ông
Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm cho biết, những năm
qua, thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây đã quan tâm, đầu tư cho làng cổ
ở Đường Lâm về quy hoạch làng cổ, đầu tư cơ sở hạ tầng, tu bổ các công
trình văn hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp và sản phẩm làng nghề.
Tuy
nhiên cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch ở Đường Lâm chưa có nhiều, chưa
đáp ứng được nhu cầu của du khách, người dân chưa được hưởng lợi từ di
tích. Cũng để thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với làng cổ và để
nhiều gia đình tham gia phát triển du lịch, Ban Quản lý làng cổ Đường
Lâm phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các lớp tư vấn, dạy nghề,
dạy kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Tường bao của nhiều hộ gia đình trong làng được xây bằng gạch đá ong
Đặc
biệt, Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm hướng dẫn người dân tận dụng những
lợi thế sẵn có từ nông nghiệp biến thành sản phẩm du lịch phục vụ nhu
cầu của khách, ví dụ như phát triển mô hình trồng rau, trồng hoa phục vụ
khách du lịch, cùng khách du lịch trải nghiệm làm nông dân, cùng khách
tham gia làm bánh kẹo truyền thống…
Bên
cạnh đó, người dân cũng được đào tạo, hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, cách
phục vụ, tạo sự hài lòng cho du khách. Mục đích mấu chốt để người dân
làng cổ Đường Lâm thích nghi dần với phát triển kinh tế nông nghiệp,
dịch vụ gắn với du lịch. Qua các lớp đào tạo, hướng dẫn, nhiều gia đình
chủ động tham gia làm du lịch, tăng mức thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông
Phạm Hùng Sơn cũng cho biết, một trong những mục tiêu phát triển du
lịch ở Đường Lâm là để mỗi người dân vừa được hưởng lợi từ du lịch, vừa
tiếp tục gắn bó với nông nghiệp và ý thức hơn trong việc giữ gìn di sản
làng cổ.
Hiện
tại, nhiều công ty lữ hành xây dựng tour du lịch đưa khách đến tham
quan làng cổ Đường Lâm. Ngành Du lịch Hà Nội cũng như thị xã Sơn Tây
đang từng bước xây dựng làng cổ ở Đường Lâm trở thành làng du lịch quốc
tế.
Nguồn: TTXVN