Sau khi đoạt giải thưởng “Giao thông đô thị toàn cầu”, TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) đang hướng đến việc triển khai đưa dự án “Lập kế hoạch tổng thể cho xe đạp và chương trình chia sẻ xe đạp miễn phí/chi phí thấp tại phố cổ Hội An” áp dụng vào thực tiễn.
Ngày 24.10, UBND TP.Hội An phối hợp với Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển của Cộng hòa Liên bang Đức GIZ/TUMI, Tổ chức Nhịp cầu Sức khỏe Việt Nam (HealthBridge Việt Nam) tổ chức hội thảo “Lập kế hoạch phát triển giao thông xe đạp tại TP.Hội An”.
Mục đích chính của hội thảo là giới thiệu về dự án “Lập kế hoạch tổng thể cho xe đạp và chương trình chia sẻ xe đạp miễn phí/chi phí thấp tại phố cổ Hội An” do Phòng VH-TT Hội An và HealthBridge Việt Nam thực hiện.
Qua đó, các đại biểu cùng nhau thảo luận, chia sẻ chính sách và sáng kiến phát triển giao thông phi cơ giới ở Hội An; kinh nghiệm quốc tế và những ví dụ về các chương trình phát triển xe đạp trên thế giới cũng như những cơ hội, thách thức của chương trình phát triển xe đạp tại Hội An.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội.An - cho biết, hội thảo với mục đích khởi động dự án lập kế hoạch phát triển giao thông bằng xe đạp và chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí/chi phí thấp là kết quả đến từ sau giải thưởng “Giao thông đô thị toàn cầu” mà TP.Hội An vừa được Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển của Cộng hòa Liên bang Đức trao tặng vào tháng 5 vừa qua.
“Dự án đã chính thức được chính phủ Đức tài trợ với tổng số tiền 178 nghìn Euro, dự kiến sẽ triển khai thực hiện đến tháng 9.2019. Sau khi dự án được áp dụng thực tiễn, TP.Hội An hy vọng sẽ có nhiều người dân cũng như du khách hưởng ứng để xây dựng giao thông công cộng ở Hội An ngày một phù hợp, tạo nét đặc thù riêng cho phố cổ”, ông Sơn nói.
Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng Văn hoá – Thể thao Hội An - chia sẻ, Hội An là thành phố có diện tích nhỏ, đường sá hẹp và ngắn. Do đó, tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên.
Năm 1998, Hội An đã triển khai chương trình hành động phố không động cơ và dành cho xe thô sơ. Tháng 4.2014, thành phố phát động toàn thể cán bộ công chức đi làm bằng xe đạp.
“Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở Hội An hiện nay vì chưa đảm bảo nên chưa có đường dành riêng cho xe đạp, các địa điểm để và cho thuê xe đạp công cộng chưa được xây dựng. Do đó, dự án của chúng tôi hy vọng sẽ mang lại sự phát triển giao thông xe đạp ở phố cổ trong thời gian tới” - ông Hưng cho hay.
Tại hội thảo, ông Jan Rickmeyer - Cố vấn chính sách giao thông TUMI - đã cung cấp những hình ảnh mô phỏng chi tiết thiết kế môi trường đi xe đạp an toàn ở New York (Mỹ), trong đó, bao gồm làn xe hai chiều, đèn tín hiệu xe đạp, làn xe đạp được bảo vệ, làn xe đạp tiêu chuẩn…
“Một thành phố với môi trường đi xe đạp an toàn sẽ khuyến khích nhiều người đạp xe hơn. Thiết kế hạ tầng đường bộ tốt hơn mới chính là yếu tố quan trọng nhất. Tôi tin tưởng một thành phố yên bình như Hội An sẽ thành công trong việc phát triển giao thông xe đạp…” – ông Jan Rickmeyer nói.
Laodong