Hành trình mùa xuân trên con đường “Tây Tiến” từ biên giới Việt - Lào đến Sầm Nưa. Một Sầm Nưa hoang dã, hút sâu như câu thơ kiêu bạc thuở nào của Quang Dũng, nơi bao nhiêu người lính của đoàn quân Tây Tiến đã nằm lại nay là quê hương thứ hai cho những người Việt tha xứ gầy dựng tương lai.
|
Con đường hoa đào liên tỉnh dài hàng chục cây số trên đất Lào - Ảnh Ngọc Quang |
Miền tây Thanh Hóa. Đến Mường Lát, đã qua những “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” mà dặm trường hành quân của đoàn quân “không mọc tóc” ngày xưa vẫn chưa dừng lại. Vùng đất trong câu thơ cuối cùng nằm bên kia biên giới phía bạn Lào: “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”…
Ừ, đã theo hành trình Tây Tiến thì ráng đi cho trọn một bài thơ…
Theo dấu thơ xưa
Xong xuôi công việc ở Mường Lát, chúng tôi ngược lên những dốc đèo của Mường Chanh, Tén Tằn, Quang Chiểu… để qua đất bạn Lào. Hệ thống giao thông sau 65 năm kể từ thuở đoàn quân Tây Tiến đi qua hẳn đã đổi thay nhiều, đường ôtô đã mở xuyên qua biên giới, nhưng bên ngoài cửa kính xe vẫn ngợp trắng những “cồn mây” lãng đãng trên thung núi xa.
Đến biên giới Việt - Lào lúc chiều tà, con đường từ trạm kiểm soát biên phòng đi qua huyện Viêng Xay của tỉnh Hủa Phăn gợi cho mọi người một cảm giác rất… “Tây Tiến”.
|
Cổng chào trên đất bạn như một tấm danh thiếp duyên dáng về quê hương - Ảnh: Ngọc Quang |
Những bản làng đất Lào hiền hòa với khói bếp vẽ màu chiều lên mái nhà sàn. Có những bản làng nằm ngay trên tỉnh lộ xuyên qua bản được ngăn hai đầu bởi những cánh cổng sắt, gắn thêm tấm biển viết bằng hai thứ tiếng Lào - Việt: “Ai ra vào phải đóng cửa, nếu không đóng phạt tiền 100.000 kíp” (đơn vị tiền tệ của Lào).
Không giống những cột mốc địa danh được dựng lên không theo một quy chuẩn kiến trúc nào với khẩu hiệu, lời chào quan khách… thường thấy, chúng tôi bất ngờ khi cổng chào của các địa phương trên đất bạn không chỉ có kiến trúc đặc trưng của văn hóa xứ mình mà trên thân cổng là hình ảnh những di tích danh thắng được gắn lên, trang trọng và thẩm mỹ.
Khi bắt gặp chiếc cổng chào, du khách không chỉ biết mình đã đặt chân đến địa phương nào mà nhìn trên thân cổng, sẽ như được tặng một “brochure” về miền đất đó!
|
Tinh khôi màu hoa trên đường đi - Ảnh: Ngọc Quang |
Con đường hoa đào… liên tỉnh
Từ huyện lỵ Viêng Xay lên tới Sầm Nưa (thủ phủ tỉnh Hủa Phăn), con đường mới thật sự ấn tượng bởi những cây đào rừng xứ Lào. Với khoảng cách 5m/cây, suốt con đường mấy chục cây số từ Viêng Xay lên Sầm Nưa có lẽ là con đường hoa đào dài nhất… Đông Dương.
Cũng lang thang khá nhiều chuyến, nhiều nơi trên đất Lào nhưng chưa khi nào chúng tôi gặp một đường hoa dài như thế. Người Lào không ăn Tết Nguyên đán như người Việt nên sắc hoa hồng thắm của những cây đào miên man bên đường lại mang nhiều xúc cảm cho những người khách Việt.
Đặc biệt, đoạn đường hoa đẹp nhất, ở ngoại vi thị xã Sầm Nưa, đang tọa lạc một công trình mang nặng tình hữu nghị Việt - Lào, Trường PTTH dân tộc nội trú tỉnh Hủa Phăn do ta xây tặng bạn.
Cả con đường dài mấy chục cây số hoa cứ rực rỡ, tinh khôi, không một cành, một nhánh bị bàn tay vô ý thức nào bẻ gãy gợi hình ảnh những cây đào rừng, đào đá bị cắt tận gốc mang đi bán và càng khâm phục ý thức của người dân bạn Lào.
|
Ngôi trường PTTH dân tộc nội trú tỉnh Hủa Phăn do Việt Nam xây tặng nước bạn Lào - Ảnh: Ngọc Quang |
|
Một góc trung tâm thị xã Sầm Nưa hôm nay - Ảnh Ngọc Quang |
Sầm Nưa hôm nay không còn hoang dã hút sâu như câu thơ kiêu bạc thuở nào của Quang Dũng, nơi bao nhiêu người lính của đoàn quân Tây Tiến đã nằm lại. Những công trình mới mọc lên hai bên bờ sông Nậm Xam vừa đủ sầm uất mà không ồn ào.
Có hơn 5.000 người Việt đang làm ăn sinh sống tại đây, và nếu nhớ quê chỉ cần mỗi sáng sớm, ra ngã tư bản Me Súc đầu thị xã, nơi có nhà hàng tên Huế Thương của hai vợ chồng người Việt quê huyện Phú Lộc. Không chỉ ấm lòng với tô bún bò ngon không thua gì bún Huế ở chợ Đông Ba, bạn còn gặp những người Việt tứ xứ về đây.
Người đến Sầm Nưa trong câu thơ ngày xưa chẳng nhớ đường về xuôi. Sầm Nưa bây giờ đất lành chim đậu, là quê hương thứ hai cho bao người Việt tha xứ mưu sinh và gầy dựng tương lai…
Nguồn : Tuổi trẻ