Trong 2 ngày từ 23 đến 24 tháng 11 năm 2023, Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND huyện Bắc Mê khảo sát di tích chùa Bó Củng cổ thuộc thị trấn Yên Phú huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang. Do PGS.TS Trình Năng Chung, NCV Cao cấp Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì.
Di tích kiến trúc chùa Bó Củng cổ toạ lạc trên một quả đồi nằm về bờ trái (tả ngạn) của dòng sông Gâm, cách sông Gâm khoảng 50m. Dòng sông Gâm chảy qua khu vực này có hướng chảy từ Đông sang Tây. Quả đồi có di tích có hình mu rùa, hiện tại đỉnh đồi cao hơn mặt bằng chân đổi khoảng hơn 10m, cao hơn mặt sông khoảng 15m-18m. Trên bề mặt đồi hiện được phủ kín thảm thực vật gồm các cây nứa, trúc và nhiều loại cây khác.
Đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều di vật vật liệu kiến trúc của chùa. Có những hiện vật lộ ngay trên bề mặt, có những di vật bị vùi chìm dưới mặt đất, chỉ nhô lên một phần trên bề mặt. Đoàn khảo cổ mở rộng diện khảo sát ra xung quanh trung tâm các di vật phát hiện được nhiều đá kê chân tảng cột. Đặc điểm chung là những chân tảng này mặc dù có hình dáng tự nhiên khác nhau, nhưng trên bề mặt đều có dấu vết tu sửa cho bằng phẳng để kê chân cột gỗ. Các chân tảng này có kích thước trung bình từ 45cm- 60cm, dày từ 25cm-35cm. Quan trọng hơn phát hiện Mô hình tháp đất nung hiện vật, đều là những mảnh đã bị gãy, vỡ từ nhiều mô hình tháp khác nhau. Tất cả các hiện vật tháp đất nung này mang đặc trưng kỹ thuật và loại hình thời nhà Trần, thế kỷ XIII-XIV. Đây là loại di vật quý, mang đặc trưng văn hoá kiến trúc thời Trần.
Ngoài ra đoàn khảo cổ còn phát hiện 1 chuông đồng có lỗ xâu dây để treo (hiện vật đã bị vỡ một nửa có kích thước cao khoảng 10cm, đường kính khoảng 8cm) phát hiện thêm ngói đất nung có số lượng hàng trăm hiện vật bao gồm ngói mũi nhọn có 2 mấu nổi ở đầu ngói và ngói mũi sen, gạch mỏng ốp có trang trí hoa văn (hoa chanh, hoa dây) Hiện vật có hình tượng rồng khắc hình đuôi rồng và khắc hình đầu rồng và phần mắt và mào rồng. Các hiện vật mang đạm nét đặc trưng thời nhà Trần.
Đoàn đã tiến hành khảo sát xung quanh quả đồi có di tích kiến trúc, phát hiện thấy có 3 vòng kè đá cho khuôn viên của kiến trúc. Có thể xác định quy mô di tích khá rộng lên đến hàng ngàn mét vuông,
Qua nghiên cứu các di vật, di tích phát hiện được trên mặt đất và trong hố đào thám sát, có thể khẳng định: Đây là dấu tích của một một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần, thế kỷ XIII- XIV. Ngôi chùa này có quy mô khá lớn, được xây dựng với nhiều đặc điểm kiến trúc của các ngôi chùa thế kỷ XIII-XIV, trong cương vực lãnh thổ miền núi phía Bắc của nhà Trần. Ngôi chùa có giá trị lịch sử, văn hoá và xã hội rất quan trọng trong thời kỳ văn hoá Đại Việt ở nước ta. Đặc biệt với vị trí địa – chính trị, sự có mặt ngôi chùa này rất có ý nghĩa trong việc cắm mốc văn hoá Đại Việt ở vùng biên cương, khẳng định ý thức văn hoá chủ quyền của dân tộc ta từ hàng ngàn năm trước.
Dưới đây là hình ảnh của các di vật được phát hiện:
Chân tảng đá đục nổi
Tháp đất nung thời Trần
Tháp đất nung thời Trần
Ngói mũi nhọn
Ngói mũi sen
Chuông đồng có lỗ xâu dây để treo
Lưu Bá Cường, Phòng VH&TT huyện Bắc Mê
Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Bắc Mê