Những trải nghiệm cuộc sống ở vùng nông thôn Việt Nam khiến khách Tây thích thú, không ngại “xắn quần” lội ruộng, cày bừa, thậm chí nhổ cỏ, nấu cám lợn…
Đầu tháng 12, ông Jean Louis (SN 1957, đến từ Pháp) cùng vợ là bà
Marcelle có chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm tại Phú Thọ với điểm dừng chân
là bản Nhội, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn.
Tại đây, họ đã có những trải nghiệm thú vị “hiếm có khó tìm ở trời
Tây”. Đó là học nấu rượu, hái lá đồ xôi ngũ sắc, dắt trâu đi cày bừa…
Vợ chồng ông Jean Louis tới Phú Thọ trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người địa phương
“Bản Nhội nằm ẩn mình dưới chân núi Rồng với khoảng 60 hộ dân và 300
nhân khẩu là người Mường. Vì vị trí khá tách biệt nên nơi đây vẫn giữ
được vẻ đẹp hoang sơ và đời sống sinh hoạt đậm bản sắc truyền thống.
Đây cũng là điều mà nhiều du khách nước ngoài tìm kiếm nên họ thích
thú khi được ghé thăm và trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người
dân, nhất là các hoạt động nông nghiệp tại địa phương”, nhiếp ảnh gia Út
Mười – người đồng hành cùng vợ chồng ông Jean Louis chia sẻ.
Khách Tây dắt trâu ra đồng, trải nghiệm cày ruộng như người Việt
Nhiếp ảnh gia cho hay, trong 4 ngày khám phá Long Cốc, 2 du khách
người Pháp dành nửa lịch trình để tham quan các thắng cảnh quanh khu
vực.
Còn lại, họ ưu tiên thời gian cho trải nghiệm đời sống sinh hoạt của
bà con bản địa, thông qua việc nấu ăn và tham gia các hoạt động nông
nghiệp đặc trưng.
Cặp vợ chồng người Pháp lưu trú tại ngôi nhà sàn đặc trưng của bà con dân tộc Mường ở xã Long Cốc
Ông Hà Văn Long – chủ nhà nơi vợ chồng ông Jean Louis và bà Marcelle
lưu trú cho biết, 2 vị khách Tây thích hòa mình vào đời sống sinh hoạt
của người bản địa.
Thay vì đặt phòng nghỉ trong homestay đầy đủ tiện nghi, họ lựa chọn
“cùng ăn cùng ngủ” với gia đình ông Long, trải nghiệm nhà sàn và thưởng
thức những bữa cơm đậm đà bản sắc truyền thống của người Việt.
“Chúng tôi nấu các bữa cơm dân dã với một số món ăn đặc trưng để tiếp
đón khách nước ngoài như thịt gà rang, ngan xào, vịt nướng… Yêu cầu và
khẩu vị của họ đơn giản nên việc nấu nướng không gặp khó khăn.
Khi ăn xong, các vị khách đều khen ngon và nói thích không khí bữa
cơm gia đình đầm ấm”, anh Hà Thanh Luân (34 tuổi) – con trai ông Long
chia sẻ.
Ngoài chuẩn bị bữa ăn, chỗ ngủ, gia đình anh còn làm hướng dẫn viên,
đưa khách tham quan một số điểm đến độc đáo trong vùng và giới thiệu cho
họ về các công việc ở nông thôn như cày ruộng, nhổ cỏ, hái chè,...
Buổi tối trước khi khách rời đi, anh Luân cùng người dân địa phương
tổ chức biểu diễn văn nghệ, mời du khách tham gia nhảy múa, ca hát và
chụp hình, từ đó lan tỏa các nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc.
Đôi vợ chồng U70
đến từ Pháp tham gia các hoạt động thường ngày của người địa phương như
hái lá đồ xôi ngũ sắc, nướng gà, làm cơm nấu rượu,...
Gần 5 năm gắn bó với việc kết nối, lan tỏa các mô hình du lịch cộng
đồng ở nhiều tỉnh thành phía Bắc, nhiếp ảnh gia Út Mười đánh giá xã Long
Cốc nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung có nhiều tiềm năng về “kinh tế
xanh”.
“Nhiều du khách nước ngoài từng đến đây vì muốn trải nghiệm cuộc sống
nông thôn ở Việt Nam như làm ruộng, nhổ cỏ, hái rau. Những hoạt động
này giúp họ hiểu thêm về sự cần cù, chịu khó và tình đoàn kết trong cộng
đồng người Việt”, nhiếp ảnh gia Út Mười chia sẻ.
Ông Jean Louis và bà Marcelle chụp ảnh cùng đoàn biểu diễn văn nghệ của địa phương
Cũng theo nhiếp ảnh gia này, nếu khách châu Á (phần lớn là giới nhiếp
ảnh) thường tới Long Cốc săn mây, chụp ảnh phong cảnh thì khách châu
Âu, châu Mỹ lại muốn tìm hiểu về tập quán sinh hoạt địa phương cũng như
nền nông nghiệp lúa nước.
“Họ vốn quen với các hoạt động công nghiệp hóa, máy móc nên cảm thấy
lạ lẫm và háo hức khi được dắt trâu, vác cày ra ruộng, nhổ cỏ hay thậm
chí thái rau, nấu cám cho lợn ăn…”, anh nói thêm.
Ảnh, video: Ut Muoi
Nguồn:VietnamNet