Với thế mạnh nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, xoài, nhãn, chôm chôm... đã tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn của vùng Tây Nam Bộ. Các tour tham quan vườn cây ăn trái du khách sẽ được trải nghiệm hái trái tươi ngon, tìm hiểu quy trình trồng trọt và chăm sóc cây trồng đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia nhiều năm nay. Chương trình du lịch trải nghiệm làm nông cho phép du khách tham gia vào các hoạt động như gieo hạt, thu hoạch hay chế biến thực phẩm từ nông sản được được thị trường đánh giá tốt. Các sản phẩm du lịch này mang lại cảm giác gần gũi và thực tế hơn về cuộc sống của người nông dân.
Đoàn Famtrip tham quan Khu du lịch Làng nổi Tân Lập. Ảnh: TITC
Tuy nhiên, để tạo sự mới lạ, hấp dẫn du khách và nhằm bảo tồn các giống gien quý của dược liệu gắn với xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng tour trải nghiệm phục vụ du khách đang được các địa phương vùng Tây Nam Bộ và các doanh nghiệp du lịch quan tâm. Do đó, chương trình khảo sát 4 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang thuộc vùng Tây Nam Bộ nhằm ghi nhận thực tế và đánh giá tiềm năng, lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát triển kinh tế du lịch và bảo tồn những tiềm năng của vùng đất này.
Theo bà Phạm Lê Thảo, Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam): Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã tiến hành đưa các hãng lữ hành, công ty du lịch và các chuyên gia tới khảo sát nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhiều tuyến, điểm du lịch khám phá, trải nghiệm các vùng dược liệu đã được hình thành phục vụ du khách, đều được thị trường đón nhận. Đồng thời bà Thảo cũng cho rằng: Việt Nam được biết đến như một điểm đến hấp dẫn với nền văn hóa phong phú và những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc. Riêng vùng Tây Nam Bộ có hệ sinh thái phong phú và đa dạng các loại dược liệu, có khả năng tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo. Khảo sát vùng này giúp chúng ta xác định các điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội phát triển du lịch nông thôn gắn với dược liệu.
“Với lợi thế về thiên nhiên phong phú, khí hậu ôn hòa và nền văn hóa đa dạng, Tây Nam Bộ không chỉ thu hút khách du lịch bởi cảnh đẹp mà còn bởi các sản phẩm nông nghiệp độc đáo. Nhiều loại dược liệu quý hiếm như nhân sâm, đông trùng hạ thảo, tràm cùng nhiều giống cây nông nghiệp cổ... ở các vùng dược liệu có thể phát triển thành các điểm đến để xây dựng sản phẩm du lịch. Du khách có thể tham gia các tour khám phá vùng dược liệu, tìm hiểu cách gieo trồng, thu hoạch và sử dụng các loại dược liệu này trong y học cổ truyền... Đặc biệt, việc khai thác các vùng dược liệu cũng mở ra cơ hội cho phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân địa phương” - bà Thảo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho rằng, du lịch dược liệu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cả Chính phủ và các doanh nghiệp lữ hành. Điều này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành Du lịch, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của dược liệu trong đời sống hàng ngày. “Tiền Giang nổi bật với trại rắn Đồng Tâm, nơi kết hợp giữa việc bảo tồn rắn, trăn và phát triển vườn dược liệu quý hiếm. Mô hình này không chỉ thu hút sự quan tâm của du khách mà còn mở ra một hướng đi mới cho du lịch sinh thái. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động tìm hiểu về rắn và các loại dược liệu, từ đó thêm phần hứng thú và tìm hiểu sâu về nền y học cổ truyền Việt Nam” - ông Đạt nhấn mạnh.
Sẽ xây dựng tour khám phá vùng ‘đất chín rồng’
Hành trình 6 ngày khảo sát vùng ‘đất chín rồng’, đoàn famtrip đã được trải nghiệm nhiều điểm đến, dịch vụ hấp dẫn, được nghe những câu chuyện chưa từng khai thác phục vụ du lịch. Đa số các thành viên trong đoàn đều cảm thấy thích thú với những điểm đến mới và nhìn thấy tiềm năng để xây dựng sản phẩm tour cho đối tác.
Bà Nguyễn Thị Thương, CEO Du lịch Món Quà Việt cho hay, chúng tôi đang chuẩn bị cho đoàn 150 khách tham quan vùng Tây Nam Bộ vào tháng 2 tới. Chương trình famtrip này là dịp tốt để tôi đi thực tế, tiền trạm trước khi xây dựng tour cho khách. Qua 6 ngày khảo sát, tôi đã hình dung và sẽ đưa vào lịch trình tour cho khách của mình một số điểm, tiêu biểu như: Trại rắn Đồng Tâm, Chợ nổi Long Xuyên, Rừng Tràm Trà Sư…
Lấy nọc rắn - một loại dược liệu quý hiếm để sản xuất vác-xin. Ảnh: TITC
“Famtrip đã tạo cơ hội cho tôi trải nghiệm và khảo sát các điểm đến mới. Tôi thực sự thấy hài lòng và thích các famtrip như này. Tôi sẽ xây dựng được nhóm tour để phục vụ khách như: tham quan Miếu Bà, tour trải nghiệm các chợ nổi, điểm đến nổi tiếng theo phim, tham quan các vườn cây ăn trái… Tôi hy vọng, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục tổ chức các famtrip tương tự để chúng tôi có thêm cơ hội được kết nối với các hãng lữ hành, công ty du lịch trong cả nước và có thêm các kiến thức thực tế để xây dựng tour, hình thành các sản phẩm khác biệt phục vụ du khách” - ông Đỗ Ngọc Hoan, Giám đốc công ty Lữ hành quốc tế Hoàng Nam hồ hởi nói.
Chuyến khảo sát diễn ra từ ngày 24 – 29/12/2024 đã đưa đoàn đến 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và An Giang. Mỗi địa phương đều mang đến những điểm nhấn riêng về dược liệu, từ mô hình trồng trọt đến sản xuất chế biến. Đặc biệt, thực tế cho thấy rằng chính những loại cây thuốc quý, điển hình như tràm trà gió hay hà thủ ô, đã tạo ra những sản phẩm độc đáo dành cho thị trường du lịch.
Bên cạnh việc tìm hiểu về dược liệu, đoàn famtrip cũng đã thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên tại các khu du lịch sinh thái như Làng nổi Tân Lập, Vườn Quốc gia Tràm Chim, hay Rừng tràm Trà Sư. Những điểm đến này không chỉ cung cấp không gian thư giãn mà còn tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời như đi bộ đường dài, chèo thuyền hay tham gia vào các trò chơi dân gian.
“Sự kết hợp giữa du lịch sinh thái và dược liệu mang lại một trải nghiệm toàn diện cho du khách. Họ không chỉ được thư giãn mà còn có thể tiết kiệm thời gian để tìm hiểu về những lợi ích sức khỏe từ các loại dược liệu. Đồng thời, chính những hoạt động này cũng tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh miền Tây” – ông Nguyễn Tiến Đạt nói.
Trong hành trình, đoàn famtrip cũng đã hưởng thức ẩm thực miền Tây. Với sự phong phú về nguyên liệu và cách chế biến độc đáo ẩm thực miền Tây luôn là điểm nhấn thu hút du khách. Theo đánh giá của các thành viên đoàn famtrip: Các tour ẩm thực sẽ đưa du khách đến các nhà hàng, quán ăn nổi tiếng để thưởng thức các món ăn đặc sản chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận.
Chương trình famtrip khảo sát Tây Nam Bộ để xây dựng sản phẩm du lịch dược liệu không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững mà còn mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư và cộng đồng địa phương. Việc đánh thức tiềm năng dược liệu của vùng ‘đất chín rồng’ sẽ không chỉ góp phần nâng cao nền kinh tế mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Hy vọng rằng với sự đầu tư đúng mức, Tây Nam Bộ sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích du lịch nông nghiệp và khám phá dược liệu.
Từ ngày 24-29/12/2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức famtrip khảo sát một số điểm tại 4 tỉnh Tây Nam Bộ. Tham dự đoàn khảo sát gồm hơn 60 thành viên là giám đốc các công ty du lịch, lữ hành trên cả nước. Chương trình nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với khai thác các vùng dược liệu của Việt Nam do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai.
Trung tâm Thông tin du lịch