TITC – Chiều ngày 2/5/2019, tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tóm tắt các nội dung hiến kế từ khối doanh nghiệp tư nhân về phát triển du lịch.
Phát biểu tại phiên toàn thể, ông Vũ Thế Bình khẳng định, du lịch là
một ngành kinh tế quan trọng, hiện có hơn 40 nghìn doanh nghiệp du lịch
với khoảng 2 triệu lao động và đóng góp lớn cho GDP. Tại Hội thảo chuyên
đề diễn ra vào sáng cùng ngày với chủ đề “Thu hút khách du lịch có khả
năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tại Việt Nam, nâng xếp hạng du lịch
Việt Nam tới năm 2021”, các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực du lịch
đã có một số đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc và cam kết nỗ
lực tham gia vào phát triển du lịch.
Thứ nhất, về vấn đề miễn thị thực cho các nước đến Việt Nam,
khối doanh nghiệp cho rằng đây là vấn đề mở đầu nhằm đưa du lịch Việt
Nam phát triển. Khối doanh nghiệp đề xuất miễn thị thực cho 3 nước
(Australia, New Zealand, Canada), đồng thời, các doanh nghiệp cũng cam
kết thúc đẩy tăng trưởng 10 - 20% khách du lịch từ những thị trường này.
Thứ hai, về vấn đề phát triển nhân lực du lịch
– một mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch. Để phát triển nhân
lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu
hiện nay thì phải khuyến khích sự kết nối giữa các trường và doanh
nghiệp, khối doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cho phép, tạo điều kiện
thành lập mô hình “trường trong doanh nghiệp”.
Thứ ba, về xúc tiến du lịch, Quỹ Phát triển
du lịch theo mô hình quản lý tài chính nhà nước sẽ làm hạn chế khả năng
tiếp cận nguồn vốn của tư nhân, vì vậy đề nghị Chính phủ nghiên cứu và
tận dụng nguồn lực tư nhân. Bên cạnh đó, về vấn đề mở văn phòng đại diện
du lịch ở nước ngoài, đề nghị Chính phủ cho phép mở văn phòng xúc tiến
du lịch ở một số nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam
(trước mắt là Anh và Australia), khối tư nhân sẽ đảm bảo toàn bộ vấn đề
kinh phí và tổ chức duy trì hoạt động trong 4 năm – ông Vũ Thế Bình cho
biết.
Thứ tư, về nâng cấp hạ tầng hàng không, khối
doanh nghiệp đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cấp phép thêm các hãng hàng
không mới, đi cùng với đó là triệt để cải cách sự trùng lặp về quy
trình thủ tục. Trong đó, cần mở rộng mô hình sân bay Vân Đồn (sân bay
đầu tiên được xây dựng 100% vốn doanh nghiệp) cho các sân bay khác.
Thứ năm, về triển khai chiến lược phát triển du lịch,
đề nghị Chính phủ cho phép khối tư nhân xây dựng Chương trình hành động
quốc gia để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm có chi trả
cao.
Ngoài ra, những vấn đề như môi trường du lịch, nâng cao năng lực của
các cơ quan quản lý nhà nước… chưa được trình bày tại phiên lần này sẽ
được đệ trình và gửi Chính phủ sau.
Sau phiên hiến kế, các cơ quan nhà nước đã có phiên đối thoại, trao đổi
về các kiến nghị, đề xuất của khu vực tư nhân. Với kiến nghị về thủ tục
thành lập hãng hàng không, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí
Dũng, đây là ngành nghề có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên cần có
thẩm quyền của Chính phủ. Doanh nghiệp xin cấp giấy kinh doanh của ngành
dựa trên Luật Hàng không. Cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát nếu các điều
khoản của luật liên quan trùng lặp sẽ tiến hành lược bỏ như điều kiện về
vốn.
Liên quan đến vấn đề thị thực, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng
khẳng định, Bộ Ngoại giao luôn sát cánh với ngành du lịch trong quảng bá
Việt Nam ra nước ngoài. Về chính sách đơn phương mở thị thực cho một số
quốc gia theo đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao cho rằng cần đảm
bảo nhiều nguyên tắc. Hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về đơn phương miễn
thị thực cho các quốc gia theo lộ trình, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An và
nhiều đơn vị liên quan đang xây dựng cơ chế chính sách trong việc nhập -
xuất nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra từ ngày 2-3/5 tại Trung
tâm Hội nghị quốc gia. Tại Diễn đàn, du lịch là 1 trong 6 vấn đề then
chốt được đưa ra thảo luận và bàn bạc. Những đề xuất, sáng kiến tại Diễn
đàn lần này được coi là cơ sở nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển
kịp so với các quốc gia, hướng tới mục tiêu nâng năng lực xếp hạng du
lịch Việt Nam tới năm 2021.
Khánh Trang