Từ xuất phát điểm thấp, tuy nhiên sau 16 năm tái lập, du lịch Bình Phước đã gặt hái được một số kết quả quan trọng và đang bắt đầu khởi sắc.
Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Phước về những thành tựu này. Hoàng Lâm thực hiện.
Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lại được thiên nhiên ưu đãi về địa hình, Bình Phước có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Vậy tiềm năng này được tỉnh khai thác hiệu quả như thế nào?
Bình Phước có một hệ thống rừng, núi, sông, suối, hồ, thác... rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái với các điểm du lịch nổi bật như khu du lịch (KDL) Trảng cỏ Bù Lạch, KDL sinh thái Mỹ Lệ, KDL Bà Rá - Thác Mơ...Bình Phước còn là vùng đất có truyền thống cách mạng và lịch sử lâu đời với một nền văn hoá phong phú là tiền đề phát triển du lịch văn hoá, khai thác các chương trình du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử dân tộc, văn hoá của người dân bản địa với các điểm: Bộ chỉ huy Miền (B2), các lễ hội văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số (Lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả...). Từ đó có thể khẳng định Bình Phước là vùng đất hội tụ đủ các điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử.
Hiện nay, loại hình tham quan bản làng để tìm hiểu văn hoá cộng đồng các dân tộc đang phát triển mạnh mẽ. Loại hình du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử dân tộc cũng là một trong những chương trình du lịch đã khơi dậy, khai thác có hiệu quả các di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương, thu hút một lượng lớn khách du lịch.
Nhận thức được tầm quan trọng về vị trí và tiềm năng, tỉnh Bình Phước đã xác định phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế có khả năng đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát huy mạnh các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương, kết hợp việc hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển du lịch; tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Ông có thể thống kê những con số ấn tượng của du lịch Bình Phước trong năm 2012 cũng như trong những tháng đầu năm 2013? Có người cho rằng sản phẩm du lịch miền Trung còn đơn điệu, trùng lắp nên chưa thực sự hấp dẫn, vậy Bình Phước đã chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như thế nào để không vướng phải sự trùng lắp này?
Từ xuất phát điểm thấp, tuy nhiên sau 16 năm tái lập, ngành du lịch Bình Phước đã đạt được một số kết quả quan trọng, những chỉ tiêu cơ bản về lượt khách, thu nhập, cơ sở lưu trú, dịch vụ...cho thấy ngành du lịch của tỉnh đang bắt đầu khởi sắc. Tổng lượt khách trong năm 2012 đạt 144.250 lượt khách, tăng 2,08 so kế hoạch đề ra, tăng 6,06% so năm 2011. Doanh thu đạt 138,62 tỷ đồng, tăng 14,23% so với kế hoạch và tăng 16,97 so năm 2011. Đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, riêng khu du lịch cáp treo Bà Rá đã đón hơn 17.000 lượt khách, đó thực sự là tín hiệu vui cho những người làm du lịch.
Bình Phước được biết đến là thủ phủ của cây điều, cây cao su, có địa danh sóc Bom Bo nổi tiếng đi vào thơ ca. Đó là những nét đặc trưng riêng để Bình Phước xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như: các loại hình du lịch gắn với quá trình sản xuất, chế biến điều, cao su; xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng Sok Bom Bo trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế; phát huy các điều kiện tự nhiên sẵn có, các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng trong các cuộc kháng chiến. Bên cạnh đó, ngành đang nỗ lực để khơi thông tour du lịch quốc tế với chủ đề “3 quốc gia, 1 điểm đến”, “Hành trình 1 ngày qua 4 quốc gia”...
Ông có thể cho biết những nỗ lực của ngành du lịch tỉnh trong công tác xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch?
Xác định công tác quảng bá, xúc tiến du lịch có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển du lịch, Bình Phước đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Cụ thể, trong năm 2012 ngành du lịch của tỉnh đã triển khai một số nội dung nhằm quảng bá tiềm năng du lịch cũng như cơ hội đầu tư vào du lịch tại Bình Phước như: xây dựng video clip dài 10 tập với chủ đề “Không gian văn hóa du lịch Bình Phước” phát sóng trên các đài truyền hình của TW và địa phương; phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch các tỉnh miền Đông Nam Bộ tại Bình Phước; tham gia các hội chợ triển lãm, sự kiện liên quan đến du lịch... Tôi hy vọng qua các hoạt động trên, du lịch Bình Phước trong thời gian tới sẽ đón nhiều du khách cũng như các nhà đầu tư đến với Bình Phước.
Với nhiều lợi thế phát triển du lịch, thời gian qua tỉnh đã chủ động liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực và quốc tế như thế nào?
Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp khu vực Tây Nguyên, đồng thời có đường biên giới với Campuchia với 3 cửa khẩu chính Hoa Lư, Hoàng Diệu và Tà Vát. Về giao thông, Bình Phước nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực Tây Nguyên với ĐBSCL. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch như kết nối tour tuyến với các thị trường, các điểm đến du lịch nổi bật của khu vực như Tp.HCM, Đà Lạt, Tây Ninh...và phát triển du lịch thương mại cửa khẩu, du lịch caravan với thị trường mục tiêu chính là thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan...
Hiện nay, tuyến du lịch quốc tế Việt Nam (Bình Phước) - Lào - Campuchia - Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư được coi là tuyến du lịch rất nhiều tiềm năng. Khi tuyến du lịch này được khơi thông, không chỉ đáp ứng được nhu cầu cho người dân trong nước mà trên cơ sở đó sẽ mở rộng để đáp ứng nhu cầu khách du lịch nước ngoài từ Lào, Campuchia, Thái Lan vào Việt Nam ; từ đó gắn kết phát triển du lịch vùng, du lịch quốc tế với các tỉnh trong khu vực và với các nước láng giềng, thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết, hữu nghị.
Nhận thấy tiềm năng rất lớn của tuyến du lịch này, UBND tỉnh Bình Phước và các tỉnh Kratíe, Strung treng (Vương quốc Campuchia), Champasak (Cộng hòa DCND Lào) đã tổ chức khảo sát và ký kết thỏa thuận về mở tuyến du lịch “3 nước Đông Dương - 1 điểm đến”, tạo điều kiện cho du khách trong nước cũng như quốc tế thuận lợi hơn trong việc đi lại. Liên kết, hợp tác để phát triển, đó là một trong những mục tiêu trong Chương trình phát triển du lịch của tỉnh. Tỉnh Bình Phước đang hết sức nỗ lực để đẩy mạnh khơi thông tuyến du lịch quốc tế đầy tiềm năng, được coi là “cú hích” quan trọng cho ngành du lịch của tỉnh.
Nguồn : vccinews