Đất địa linh và chính người dân đã bồi đắp thêm linh khí cho quê hương mình, điều đó đã làm nên một Hà Tĩnh với mật độ dày các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, cũng như hướng đi trong việc phát triển du lịch (dựa trên nền tảng các giá trị tự nhiên và nhân văn), Vietnam Business Forum đã có cuộc trò truyện với ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh. Phan Quang thực hiện.
Vùng đất địa linh sinh nhân kiệt
Trước hết ông nhận định thế nào về đặc tính con người xứ Nghệ nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng?
Thường ở xứ nào cũng vậy, sông nước, núi non là biểu tượng. Ví như Huế có sông Hương núi Ngự; xứ Nghệ có Sông Lam, núi Hồng. Đất xứ Nghệ, sông núi đan xen liên tục, thậm chí với Hà Tĩnh, cửa sông đổ ra biển vẫn có núi che chắn. Sông nước núi non hội tụ và đan xen làm nên một vùng đất địa linh.
Có một điều khá lạ là dòng chính sông Lam vốn đổ về cửa Sót, sau này nghẽn ở Trung Lương, Hạ Vàng, thị trấn Nghèn mới đổ ra cửa Hội ngày nay. Ngay trên đất Hà Tĩnh chúng ta bắt gặp ngay những biến đổi mạnh về địa hình, sông ngòi. Có lẽ vì yếu tố địa hình như vậy mà người xứ mình gai góc, chênh vênh sát ngay cạnh sự cực đoan. Nhà Nho Bùi Dương lịch đưa ra nhận định: Người xứ Nghệ thẳng thắn đến mức gai góc, ương bướng, tiết kiệm thì đến mức ky bo.
Và yếu tố địa chính trị, lịch sử cũng góp phần làm nên đặc tính con người thưa ông?
Đúng vậy, bờ nam sông Lam ngày nay chính là nơi giao thoa giữa văn minh Sa Huỳnh và văn minh Đông Sơn mà di chỉ Bãi Cõi (Xuân Viên, Nghi Xuân) là minh chứng. Cửa Sot (của Hà Tĩnh) là biên giới của Đại Việt với Chiêm Thành, theo hành trình Nam tiến đất xứ Nghệ nói chung, đất Hà Tĩnh nói chung là nơi đóng quân đồi trú, nơi lưu dân tụ họp về. Họ vào đây là để tiếp tục tiến về phương Nam. Điều kiện lịch sử như thế buộc con người phải cứng cỏi quyết liệt, thậm chí gai góc ương bướng.
Nói thêm một chút vì là vùng đất giao thoa văn hóa, vùng đất của chặng đầu Nam tiến nên Hà Tĩnh liên tục có những biến thiên về dân số. Đến giờ đặc tính đó vẫn còn đậm nét, con em trong tỉnh vào Nam, ra Bắc sinh cơ lập nghiệp rất nhiều.
Và địa linh sinh nhân kiệt, điều đó đã làm nên một Hà Tĩnh với đậm đặc những di tích lịch sử văn hóa, thưa ông?
Nói về di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, thì Hà Tĩnh có đủ cả. Từ những thắng cảnh tự nhiên như Đèo Ngang (gắn với đó là Hoành Sơn Quan), núi Hồng Lĩnh, dòng sông Lam, biển Thiên Cầm, bãi biển Xuân Thành. Di tích lịch sử như đền thờ Chế thắng phu nhân, đền Cả, đền thờ danh tướng nhà Hậu Trần Đặng Tất, Đặng Dung, đặc biệt là khu lưu niệm Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác... Di tích lịch sử cách mạng như khu lưu niệm Tổng bí thư Trần Phú, Tổng bí thư Hà Huy Tập, di tích cách mạng ngã ba Nghèn, ngã ba Đồng Lộc… rồi du lịch tâm linh là chùa Hương Tích, … Trong đó đặc biệt quan trọng là khu di tích ngã ba Đồng Lộc và khu lưu niệm Nguyễn Du. Sở dĩ có được điều này là do Hà Tĩnh là đất địa linh và những con người kiệt xuất của Hà Tĩnh lại tiếp tục bồi đắp linh khí cho quê hương mình.
Và bài toán trong khai thác tiềm năng du lịch
Đậm đặc di tích lịch sử văn hóa và không thiếu những thắng cảnh, nhưng tiềm năng du lịch của tỉnh vẫn ở dạng tiềm năng?
Tiềm năng thì quả thật rất lớn, nhưng cũng có mấy cái khó cho Hà Tĩnh. Thứ nhất mình cứ nói là giao thuận thuận lợi nhưng đến giờ thì nhiều con đường của Hà Tĩnh đang bị xuống cấp (như quốc lộ 8), sân bay Vinh cách xa đây hơn 50km, thành phố Hà Tĩnh không có ga đường sắt. Thứ nữa mật độ di tích của tỉnh nhiều nhưng những thắng cảnh tạo điểm nhấn trong quảng bá thương hiệu lại thiếu, du lịch biển cũng chỉ làm được ba tháng. Du lịch tâm linh tuy có thế mạnh nhưng khai thác trên hiệu quả kinh tế lại rất khó khăn.
Làm du lịch, thậm chí có những đề nghị thoạt nghe như chuyện vui, nghĩ lại không phải là không có lý. Có người đề xuất mình làm du lịch mùa lũ như một sản phẩm du lịch đặc sản của Hà Tĩnh vậy. Cứ thấy lũ là sợ, tại sao ta không nghĩ ra giải pháp giúp người dân sống chung với lũ và rồi làm du lịch, làm giàu từ lũ? Tất nhiên từ đề xuất đến hiện thực là cả một vấn đề, không đơn giản gì (cười).
Khó là như vậy và ông có thể chia sẻ về hướng đi trong phát triển kinh tế du lịch của Hà Tĩnh?
Đặt Hà Tĩnh trong chuỗi tổng thể kinh tế du lịch của khu vực miền Trung chúng ta thấy ngay, miền Trung có con đường di sản độc nhất Đông Nam Á, con đường này kéo dài từ Tây Nguyên (với di sản công chiêng) ra tới Thanh Hóa (với thành nhà Hồ). Vấn đề đặt ra là mình phải xây dựng được những trung tâm dịch vụ, đưa Hà Tĩnh trở thành điểm dừng chân trên con đường di sản miền Trung. Các tour, tuyến du lịch sang Lào, Đông Bắc Thái Lan cũng cần những trạm nghỉ chân, những trung tâm dịch vụ đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.
Muốn du lịch phát triển trước hết phải giải được bài toán hạ tầng, đồng thời tạo điểm nhấn, tránh đầu tư dàn trải thiếu trọng tâm. Hiện tỉnh tỉnh đang làm quy hoạch khu du lịch Nguyễn Du (400ha) từ đây có thể kết nối với Cửa Lò, khu di tích Làng Sen, biển Thiên Cầm, biển Xuân Thành.
Thứ hai, phát triển du lịch trước hết là cho chính nhân dân Hà Tĩnh, đáp ứng được nhu cầu du lịch, dịch vụ cho nhân dân trong tỉnh. Ngoài ra khi công nghiệp Hà Tĩnh phát triển với một loạt các dự án công nghiệp lớn cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng của doanh nhân, người lao động.
Nguồn : Vccinews