VnMedia - Vấn nạn tour 0 đồng không phải chỉ diễn ra tại Việt Nam mà nhiều nước láng giềng cạnh Việt Nam cũng gặp phải. Vậy, các nước xử trí thế nào với hiện trạng này?
Theo phân tích của chuyên viên Vụ Thị
trường du lịch Lê Vàng (Tổng cục Du lịch), tour giá rẻ hay tour 0 đồng
thực chất đã xuất hiện tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại
Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản,
Malaysia và Singapore, đến giờ vẫn tồn tại. Đoàn khách Trung Quốc đầu
tiên đến châu Âu năm 2004 chính là đoàn khách tour 0 đồng, khi đó hướng
dẫn viên phải trả công ty du lịch trung bình 180 euro/đầu khách.
Ngày nay, khách Trung Quốc đến Nhật Bản
và Hàn Quốc đi theo tour giá rẻ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Vì vậy, tour
giá rẻ hay tour 0 đồng, thậm chí âm đồng chính là hiện tượng phát triển
tất yếu của thị trường. Các quốc gia đều đã cố gắng kiểm soát, chấn
chỉnh thị trường nhưng chưa quốc gia nào tìm được giải pháp triệt để,
cuối cùng phổ biến nhất vẫn là xoay quanh bảo vệ lợi ích của khách, lấy
khách du lịch làm trung tâm, xem xét mức độ khiếu kiện của khách để
quyết định việc trừng phạt cũng như quản lý liên quan đến sản phẩm du
lịch.
Theo vị chuyên gia này, năm 2013, Cục Du
lịch quốc gia Trung Quốc ban hành Luật Du lịch, tập trung chỉnh đốn
tour giá rẻ và tour 0 đồng, âm đồng, nhưng vẫn chưa tìm ra được giải
pháp tốt nhất, sau nhiều lần vẫn phải để cho cung cầu của thị trường
quyết định. Điều 46 của Nghị định quản lý lữ hành, hợp đồng tour phải
chi tiết số lượng điểm mua sắm trong chương trình tour và phải thông báo
cho khách nắm được. Bất kỳ công ty nào có hành vi lừa dối, ép buộc
khách mua sắm sẽ bị phạt rất nặng, từ 10 đến 50 vạn tệ, tước thẻ với
hướng dẫn viên, trưởng đoàn, tước giấy phép với doanh nghiệp.
Năm 2016, Thái Lan đã áp dụng chỉnh đốn
tour 0 đồng và tour âm đồng, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, chi
phí tour đã tăng lên đến 9000 tệ (tương đương 28.8 triệu đồng)/khách
cho một tour khoảng 5-6 ngày, dẫn đến lượng khách Trung Quốc đến Thái
Lan sụt giảm nghiêm trọng, thị trường vô cùng ảm đạm. Sau đó, Thái Lan
đã phải dần điều chỉnh, nới lỏng thị trường. Tháng 12/2016, đích thân
Phó Thủ tướng Thái Lan, tháp tùng là Bộ trưởng Bộ Du lịch và các quan
chức liên quan đã đến Quảng Châu tổ chức xúc tiến du lịch, đáp ứng và
giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các công ty tổ chức đoàn ngay
tại chỗ.
Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông cũng
đã từng siết chặt tour giá rẻ, tour 0 đồng, thường xuyên đưa tin về việc
hướng dẫn viên ép buộc du khách mua sắm, chính quyền địa phương cũng áp
dụng rất nhiều biện pháp, quản lý nghiêm hoạt động kinh doanh của các
công ty lữ hành nhưng đến giờ số lượng tour này vẫn còn phổ biến. Chính
vì vậy, Đài Loan đã áp dụng biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn bằng video
để khách cảnh giác với hàng nhái và những cái “bẫy mua sắm”, bước đầu
phát huy hiệu quả rất tốt .
Chính phủ Hàn Quốc tước giấy phép của 68
doanh nghiệp phục vụ tour 0 đồng cho khách Trung Quốc, quyết tuyên
chiến với hiện trạng này, nhưng thực tế cho thấy loại tour này vẫn không
hề giảm nhiệt.
Các nước Âu Mỹ đều chấp nhận sự tồn tại
của tour giá rẻ trên thị trường, nhưng phải cho khách du lịch biết rõ
dịch vụ bao gồm và không bao gồm, vì thế tỷ lệ khiếu kiện của khách rất
ít, khách du lịch hiểu và đồng thuận.
Trên thực tế, chính phủ và ngành du lịch
các nước đều muốn đoạn tuyệt với tour giá rẻ và tour 0 đồng nhưng thực
tế đều lúng túng, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh du lịch ngày càng
khốc liệt như hiện nay. Đây là cạnh tranh giữa các quốc gia, thành phố,
công ty gom khách, công ty đón khách, hãng hàng không, sản phẩm tương
đồng. Trong tình hình tại Việt Nam, dưới đây bài viết xin đề xuất một số
giải pháp:
Thứ nhất, phải quản lý tốt các công ty
lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng
dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy
phép lữ hành quốc tế.
Thứ hai, với điểm mua sắm, nếu quản lý
tốt thi đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn, có tác dụng phát triển sản
xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ. Các điểm mua sắm cần được gắn biển
đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua
đánh giá và khiếu nại của khách. Thực tế cho thấy, trong khi chúng ta
khó lòng khiến khách từ các thị trường khác rút hầu bao mua sắm thì
khách du lịch Trung Quốc lại có khả năng mua sắm rất cao, họ mua bất kỳ
những gì có gắn mác “made in Vietnam” khi đến Nha Trang.
Thứ ba, thành lập đội phản ứng nhanh với
số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật,
Nga; số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi từ khách sạn,
sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo khách dễ
dàng phản ánh, khiếu kiện.
Thứ tư, cần thay đổi quan điểm nhìn nhận
từ người dân đến các cấp các ngành đối với bản chất vận động của thị
trường và thái độ ứng xử với khách. Tour giá rẻ hay tour 0 đồng không
phải lỗi của công ty gửi khách, cũng không phải lỗi của công ty đón
khách, càng không phải lỗi của khách du lịch mà phần lớn do hệ quả cung
cầu của thị trường kèm theo sự cạnh tranh khốc liệt của nó. Thái độ ứng
xử của người dân hay các biện pháp quản lý của địa phương phải xoay
quanh lấy lợi ích chính đáng của du khách làm trung tâm.
Trong năm 2016 du lịch thế giới chứng
kiến 120 triệu lượt khách Trung Quốc du lịch nước ngoài, chi tiêu hơn
215 tỷ đô la Mỹ. Các quốc gia trên thế giới ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc
đều muốn săn đón nguồn ngoại tệ này thông qua chính sách mở cửa visa, mở
cửa bầu trời, xúc tiến quảng bá. Theo các chuyên gia, cơ hội đó chia
đều cho tất cả, trong khi đó du lịch Việt Nam so với các nước trong khu
vực tuy giàu tài nguyên nhưng điều kiện cứng và mềm khác như cơ sở hạ
tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, chính sách visa…không có
ưu thế cạnh tranh nổi bật. Khi chưa có khả năng lựa chọn thị trường chỉ
phục vụ dòng khách cao cấp, chúng ta cần nhìn nhận thị trường một cách
khách quan, thừa nhận và điều chỉnh quản lý song song để mang lại lợi
ích tốt nhất cho người dân, cho quốc gia.
Lam Nguyên